LTS:Chiến tranh đã lùi xa , nhưng nỗi đau vẫn chưa nguôi ngoai trong hầu hết các gia đình Việt Nam. Hậu quả ghê gớm, di chứng nặng nề vẫn hằng ngày hiển hiện trên thân thể của những cựu chiến binh giờ tóc đã ngã màu sương muối; những bà mẹ mong ngóng tin con chưa về dù chỉ một nắm xương tàn để bớt nguôi ngoai.
Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Độc lập thống nhất non sông, VietTimes xin trân trọng giới thiệu những mẩu chuyện tuy nhỏ mà chất chứa đầy kỉ niệm của một Cựu chiến binh Sư đoàn 5: Ông Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam.
Phần 1: Nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp kể chuyện kỉ niệm xương máu thời chiến tranh
5. Người có tư tưởng tôn vinh Mẹ Việt Nam anh hùng sớm nhất
Kết thúc chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, Bộ chỉ huy Miền điều động Thủ trưởng Trần Minh Tâm, sư trưởng sư đoàn 5 của chúng tôi về Miền để làm Phó Trưởng ban tổng kết chiến tranh. Vốn là 1 người chỉ huy trận mạc rất giỏi, ông không muốn rời sư đòan khi chiến tranh đang bước vào giai đoạn cuối, ác liệt và vẻ vang nhất.
Trong một lần ngồi uống trà, nói chuyện tếu với chúng tôi ông nói: “Có gì mà tổng kết, theo mình chỉ có một nguyên nhân thắng Mỹ là: Nhờ các chị Đàn bà, mặc quần nâu, đi chân đất, chổng mông cấy lúa cho mà ăn, đẻ và nuôi con cho mà đánh. Thế là đủ để thắng đế quốc Mỹ thôi”. Đó là tư tưởng tôn vinh những người Mẹ của mọi người Lính có mặt ở chiến trường từ rất sớm, khi chưa kết thúc chiến tranh. Để sau này trở thành chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước: Tôn vinh Mẹ Việt Nam anh hùng.
6. Các chú giải phóng sinh chúng tôi lần thứ 2
Cuối tháng 4, đầu tháng 5/1970; theo lời gọi của nhà vua Xi Ha Núc; sư đoàn 5 được Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ vượt biên giới sang Campuchia đánh đuổi bọn phản chủ Lon non, Xi rích ma tắc, Sơn Ngọc Thành giải phóng 3 Tỉnh: Crachiê, Mônđôn Kiri và Stungcheng. Lúc đó tôi đi theo đội hình của Trung đoàn 5 đánh vào thị xã Crachie.
Tại đây bọn phản động Khơ me đỏ đã tập trung hơn 2000 Việt Kiều chuẩn bị tàn sát tập thể. Lệnh trên yêu cầu chúng tôi phải tìm mọi cách vận động để đánh địch giải phóng đồng bào ta trước 5 giờ sáng, nếu để chậm sau 6 giờ sáng chúng sẽ hành quyết tất cả.
Cả Trung đoàn và tiểu đoàn đặc công vừa đi, vừa chạy suốt đêm. Đúng 4 giờ sáng ngày 5/5/1970 chúng tôi nổ súng, sau hơn một giờ chiến đấu, chúng tôi giải phóng thị xã, bọn phản tặc chạy toán loạn sang bên kia sông. Chúng tôi tràn vào phá nhà tù cứu đồng bào, tất cả bà con òa ra ôm bộ đội khóc nức nở và nói: các chú đã sinh ra chúng tôi lần thứ 2. Đó cũng là một kỷ niệm trong đời quân ngũ khó quên.
7. Sài Gòn đêm toàn thắng
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, sư đoàn 5 chúng tôi được đứng trong đội hình Binh đoàn 232, do Thiếu tướng Văn Phác sau này là Bộ trưởng Bộ Văn hóa chỉ huy. Nhiệm vụ của sư đoàn được Bộ tư lệnh Miền giao là giải phóng tỉnh Long An và tiến vào đánh chiếm 2 trung tâm đầu não của Ngụy quyền là: Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát Sài Gòn, sau khi cắt đứt đường số 4 lần 2 (lần 1 năm 1973) đánh chiếm các cầu: Tân An, Bến Lức.
Làm chủ hàng chục km đường 4 từ Mỹ Tho đến Bến Lức Long An, cả sư đoàn háo hức tiến vào Sài Gòn. Chúng tôi đã làm chủ tất cả các mục tiêu mà Bộ tư lệnh sư đoàn giao vào buổi trưa ngày 30/4/1975.
Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in cái hào khí của giờ toàn thắng, khi Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng. Đây là giây phút vẻ vang nhất của đời lính chiến. Tất cả những ai đã hy sinh từ trận đánh mở màn chống Mỹ đều có mặt trong hào quang của ngày toàn thắng hôm nay. Với chúng tôi, những người còn sống đều là những người vinh dự nhất, may mắn nhất.
Từ trưa 30/4/1975 đến những ngày đầu tháng 5/1975, cả Sài Gòn cuồn cuộn dòng người, rừng cờ, biển hoa và tiếng reo hò vui sướng của quân dân ta không ngớt. Chúng tôi được dân mời lên xe khi đi bộ, uống cafe, ăn sáng không lấy tiền. Đêm thức mà ngày không buồn ngủ, ít ăn mà bụng vẫn no. Đó là những ngày thăng hoa, đẹp nhất của người lính chiến không ai có thể lột tả hết được bằng lời. Trong không gian sôi động đó, tôi đã làm mấy vần thơ để lại như một kỷ niệm hiếm có của cuộc đời.
SÀI GÒN - ĐÊM TOÀN THẮNG
Vào Sài Gòn, chúng tôi làm quân quản
Hào khí Điện Biên, tràn về phố lớn
Ba mươi năm, dồn nén một ngày
Người và cờ, cuồn cuộn tung bay
Ta sống rồi, đẹp lắm hôm nay
Giờ giới nghiêm, quân ta vẫn thức
Hạnh phúc lớn, căng tràn lồng ngực
Bổng dưng nhớ những người đã khuất
Mong các anh về, vui cùng dân tộc
Bắc Trung Nam, cả nước một nhà
Đêm tuần tra, cho dân ngủ, theo ca
Ngày xuống phố giúp dân mình làm chủ
Đời lính sang trang, bao điều ấp ủ…
Sống cho mình mà ngỡ như mơ
Sài Gòn tháng 5, rực rỡ sao cờ
Khắc vào lòng người những nốt nhạc, vần thơ./.
Sài Gòn, những ngày đầu toàn thắng
Tháng 5.1975