Nghị định 38 của chính phủ ban hành ngày 29/3/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6 tới đây.
Đáng chú ý, tại Khoản 2, điều 38, Mục 2, Chương III của Nghị định có 2 quy định được cho là sẽ “bóp” hầu bao báo điện tử và trở thành rào cản đối với sự phát triển của ngành quảng cáo. Đó là quy định xử phạt “Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây” và “Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào nội dung tin bài”.
Mới đây, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, tổ chức đại diện cho gần 450 hội viên là các doanh nghiệp truyền thông và quảng cáo, đã gửi đơn lên Bộ Thông tin Truyền thông đề nghị Bộ kiến nghị Thủ tướng chính phủ chỉ đạo rà soát, đánh giá lại tính khả thi của Nghị định 38, sớm phê chuẩn kế hoạch sửa đổi Luật Quảng cáo cho phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam xung quanh 2 điểm hạn chế của nghị định 38.
PV: Xin ông chia sẻ về kiến nghị mà Hiệp hội Quảng cáo đã gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông?
Ông Nguyễn Trường Sơn: Nội dung kiến nghị đã có trong công văn mà Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam gửi đến Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhưng điều quan trọng nhất mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là Luật Quảng cáo đã được soạn thảo từ năm 2012, ban hành và có hiệu lực từ năm 2013, tức là tồn tại gần 10 năm nay rồi.
Sau khi có Luật Quảng cáo, thì chính phủ năm 2013 đã ban hành Nghị định 158 với các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Tháng 3 năm 2021, chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 38 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam |
Luật Quảng cáo được soạn thảo từ năm 2012, lúc đó các quảng cáo trên mạng rất ít, sự phổ biến của YouTube, Google, Facebook là chưa có, các công ty hoạt động tại Việt Nam hầu như cũng chỉ đặt quảng cáo trên báo điện tử, truyền hình của Việt Nam. Cho nên các nhà soạn luật đưa ra điều luật quảng cáo chỉ được phát dưới 1,5 giây là để bảo vệ bạn đọc.
Nhưng bây giờ, khi có sự xuất hiện của các nền tảng mạng xã hội lớn như Google, Facebook, YouTube – họ không tuân thủ theo Luật Quảng cáo của Việt Nam. Chúng ta cũng chưa có đủ chế tài để xử lý họ. Hơn 80% doanh thu quảng cáo hiện nay rơi vào tay Facebook, Google.
Nếu chúng ta siết chặt các quy định về quảng cáo trên báo chí và trang thông tin điện tử Việt Nam như trong Nghị định 38 thì các nhãn hàng cũng như cơ quan báo chí sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Chúng ta cần phải tăng doanh thu quảng cáo cho các cơ quan báo chí, không thì tiền sẽ chạy ra nước ngoài hết. Nếu chỉ cho phép quảng cáo hiển thị trong 1,5 giây thì không thể nào truyền tải được bất kỳ thông điệp gì và chắc chắn nhãn hàng sẽ không muốn như vậy.
Ngược lại, đối với các nền tảng nước ngoài, người xem chỉ có thể bỏ qua quảng cáo sau ít nhất 5 giây và đây là lợi thế lớn cho họ khi các nhãn hàng xem xét việc đặt quảng cáo.
Nghị định 38 làm ảnh hưởng đến các cơ quan báo chí và mạng xã hội của Việt Nam, tạo ra sự mất cân đối về cạnh tranh so với các nền tảng nước ngoài. Trong khi chúng ta chưa có hành lang pháp lý đủ mạnh, chưa làm việc được với các nền tảng xuyên biên giới thì chúng ta đã tự bóp nghẹt mình rồi!
Vừa rồi Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã khuyến khích các nhãn hàng quảng cáo trên báo chí Việt Nam. Bộ cũng đã phạt các nhãn hàng có quảng cáo bị gắn với các thông tin xấu độc trên YouTube, Facebook. Về lý thuyết thì khi không quảng cáo trên YouTube nữa, các nhãn hàng sẽ quay về quảng cáo trên báo và trang thông tin điện tử Việt Nam, nhưng thời lượng quảng cáo dưới 1,5 giây sẽ không đảm bảo được hiệu quả.
Thực chất Nghị định 38 ban hành năm nay không khác gì Nghị định 158 và cũng không khác gì Luật Quảng cáo. Vẫn là dòng đó, vẫn là 1,5 giây được chép lại nguyên văn. Do Nghị định là văn bản dưới Luật, chỉ được ban hành để hướng dẫn thực hiện Luật mà thôi, chứ Nghị định không thể thay đổi Luật được. Luật Quảng cáo được soạn thảo năm 2012 đã có câu này rồi thì Nghị định ban hành bây giờ muốn đổi cũng không đổi được.
Trong gần 10 năm qua chưa có bên nào bị phạt vì quy định này, vì nó quá vô lý không thể thực hiện được. Nhưng khi Nghị định 38 được ban hành thì chúng ta hiểu rằng chính phủ rất quan tâm đến việc này, và từ ngày 1/6 trở đi tất cả các bên phải nghiêm chỉnh thực hiện.
Trên thực tế, có những quy định trong Luật chưa phù hợp với tình hình hiện tại thì nên sớm điều chỉnh, vì vậy Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã gửi văn bản lên Bộ Thông tin Truyền thông, và chúng tôi cũng đã làm việc với Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, để sớm đề xuất chính phủ cho sửa đổi Luật Quảng cáo, tạo hành lang pháp lý cho ngành báo chí truyền thông và quảng cáo được hoạt động thuận lợi, bởi đa phần báo chí truyền thông hiện nay đều sống nhờ quảng cáo.
PV: Phải chăng việc quảng cáo trên báo chí và mạng xã hội thời gian qua đã có những biến tướng nên cơ quan quản lý phải “siết” lại?
Nhiều người có quan niệm “quảng cáo là nói láo, nói sai sự thật” các sản phẩm, dịch vụ để bán hàng. Thực ra không phải như vậy. Chúng ta phải hiểu định nghĩa quảng cáo ở đây là “truyền tải thông điệp về một loại hình, một chủ trương, một dịch vụ, sản phẩm của xã hội để công chúng được biết về sử dụng”. Ví dụ như tuyên truyền quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài. Truyền hình nước ngoài họ lấy của mình hàng trăm nghìn đô la cho mấy chục giây giới thiệu đất nước con người Việt Nam, đấy cũng là quảng cáo. Vì thế đừng hiểu quảng cáo là hàng hóa, là có hại. Quảng cáo đúng sẽ giúp ích cho xã hội, cho nền kinh tế phát triển.
80% doanh thu quảng cáo hiện nay chảy vào túi các nền tảng nước ngoài như Google, Facebook |
Một điều quan trọng nữa, quảng cáo là một loại hình sáng tạo cho nên nó sẽ luôn luôn phát triển và rất đa dạng. Và đối với sản phẩm, dịch vụ thì người ta sẽ đem những thứ tốt nhất ra để nói, để quảng cáo. Chúng ta quảng cáo các khu resort thì cũng quay những nơi đẹp nhất chứ có ai quay nơi xấu nhất đâu. Phải hiểu bản chất quảng cáo là người ta đưa những gì tốt nhất, để không đánh đồng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ là có hại. Quảng cáo sai, không đúng sự thật, thì mới là có hại.
Với những quảng cáo đúng sự thật, giúp ích cho xã hội, tại sao không để cho nó được hiển thị lâu hơn trên các phương tiện truyền thông chính thống?
PV: Vậy theo ông thời lượng bao nhiêu là đủ để quảng cáo truyền tải được thông điệp trên báo chí điện tử?
Theo thông lệ quốc tế thì thời lượng này ít nhất là 5 giây. Còn đối với một số loại hình quảng cáo online khác thì thời lượng mà nhà quảng cáo mong muốn là 7 giây. Quảng cáo này được trả tiền theo số lượt click và thời gian xem của người dùng. Cho nên về lý thuyết là càng dài càng tốt.
Nhưng mà, để tạo sự công bằng với các nền tảng mạng xã hội quốc tế thì Việt Nam nên cho phép quảng cáo hiển thị tối thiểu là 5 giây.
PV: Bất cập thứ 2 mà Hiệp hội Quảng cáo đề cập trong văn bản kiến nghị là một điều khoản trong Nghị định 38, quy định việc “thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào trong phần nội dung tin bài” là vi phạm. Liệu quy định này có phải là để bảo vệ người đọc, tránh quảng cáo gây khó chịu khi đang đọc thông tin?
Chúng ta phải hiểu rằng hồi xưa chúng ta không có báo điện tử, chỉ có báo in. Và để có tờ báo in trên tay thì người ta phải bỏ tiền ra mua. Khi đã mua thì người ta đòi hỏi tờ báo phải nhiều thông tin, ít quảng cáo. Từ năm 1960 đã có luật về báo chí quy định quảng cáo trên báo in chỉ được chiếm 10% trên tổng số trang báo.
Bây giờ khi báo điện tử, các kênh truyền hình và quảng cáo phát triển hơn thì việc người dùng phải bỏ tiền ra để có thông tin đã không còn nữa. Đa phần báo chí bây giờ là miễn phí, và báo chí sống nhờ nguồn thu từ quảng cáo. Như vậy, độc giả phải hình thành thói quen nếu muốn đọc thông tin miễn phí thì tiếp nhận các quảng cáo xen vào bài.
Hiện tại một số tờ báo đang đưa ra mô hình thông tin “sạch”, không có quảng cáo, và độc giả muốn sử dụng mô hình này thì phải bỏ tiền ra mua. Đơn vị báo chí có quyền đưa ra sản phẩm dịch vụ và người dùng có quyền lựa chọn xem hay không xem quảng cáo dựa trên số tiền mà họ bỏ ra.
Văn bản kiến nghị của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam |
Trước đây khi còn công tác ở Bộ Thông tin và Truyền thông (ông Sơn nguyên là Giám đốc Trung tâm báo chí và Hợp tác quốc tế - Bộ TT&TT), tôi đã từng tham gia vào đề án quy hoạch báo chí. Lúc đó chúng tôi từng đưa ra 2 mô hình báo chí. Mô hình thứ nhất là báo chí tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước, được bao cấp về ngân sách. Mô hình thứ hai là báo chí giải trí, kinh tế xã hội, tự chủ tài chính một phần hoặc toàn phần.
Ở mô hình thứ hai này, báo chí phải có tiền từ quảng cáo thì mới có thể nuôi bộ máy, làm ra các tin bài tốt. Họ sẽ đi theo cơ chế thị trường. Nếu thông tin không hay, số lượng người xem ít, quảng cáo không còn, thì họ sẽ khó tồn tại. Còn nếu thông tin hay, được đặt quảng cáo nhiều thì họ sẽ sống tốt.
Đối với mô hình thứ nhất, báo chí tuyên truyền cho chủ trương chính sách của nhà nước, thì mô hình này cần hạn chế quảng cáo.
Như vậy, Luật Quảng cáo cần phải được áp dụng đúng với các mô hình báo chí. Mô hình tự chủ toàn phần nên được phép thoải mái hơn về quảng cáo.
PV: Ngoài hai điểm bất cập nêu trên, Nghị định 38 còn tồn tại những hạn chế gì nữa không thưa ông?
Có rất nhiều. Nghị định 38 liên quan đến nhiều mảng quảng cáo. Ví dụ mảng về biển hiệu quảng cáo trên đường cao tốc, quảng cáo trên phim truyền hình, màn hình điện tử trong thang máy, toà nhà v.v…
Do chúng ta chưa sửa được Luật Quảng cáo nên tôi chưa muốn đề cập ở đây. Luật này ra đời vào năm 2013 để bảo vệ người dùng ở thời điểm đó. Sau này khi nhà nước thảo luận sửa đổi Luật thì chắc chắn chúng tôi sẽ đóng góp nhiều ý kiến phản biện.