16 tỉnh thành có số nợ đọng xây dựng cơ bản trên 1000 tỷ đồng

Có tới 16 tỉnh, thành phố và Bộ Giao thông vận tải có tổng nợ đọng xây dựng cơ bản lên tới trên 1.000 tỷ đồng, theo báo cáo kiểm toán năm 2014 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố.
16 tỉnh thành có số nợ đọng xây dựng cơ bản trên 1000 tỷ đồng

Thống kê các bộ, địa phương có tổng nợ xây dựng cơ bản trên 1.000 tỷ đồng. Minh họa: V. Minh

Kiểm toán Nhà nước cho biết, về nợ đọng xây dựng cơ bản, theo báo cáo Chính phủ về tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ tính đến 31/12/2012 và 30/6/2013 cho thấy tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản đã tăng cao cả về số lượng dự án và tổng số nợ.

Cụ thể, tính đến 31/12/2013, nợ đọng xây dựng cơ bản của 23.345 dự án (tăng 6.593 dự án so với năm 2012) là 57.977,3 tỷ đồng (tăng 11.401 tỷ đồng so với năm 2012), bằng 33,1% kế hoạch vốn năm 2013.

Trong đó, đáng chú ý có nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có số nợ đọng xây dựng cơ bản rất lớn lên tới trên 1.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số dự án hoàn thành đã phê duyệt quyết toán năm 2013 là 49.504 dự án (bằng 80,36 % tổng số dự án hoàn thành), với tổng số vốn đầu tư được quyết toán là 254.634,19 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số dự án chưa được phê duyệt quyết toán và chậm nộp báo cáo quyết toán còn khá lớn.

Cụ thể, số dự án hoàn thành đã nộp báo cáo quyết toán, có tới 2.094 dự án chậm phê duyệt quyết toán vốn đầu tư từ 7 đến 24 tháng, tổng giá trị đề nghị quyết toán 17.776,28 tỷ đồng.

431 dự án hoàn thành đã nộp báo cáo quyết toán, chậm phê duyệt quyết toán trên 24 tháng, tổng giá trị đề nghị quyết toán 4.623,223 tỷ đồng.

Cùng với đó, 9.570 dự án đã hoàn thành chậm nộp báo cáo quyết toán (trong đó chậm từ 7 đến 24 tháng là 5.912 dự án và trên 24 tháng là 3.658 dự án).

Tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản của một số bộ, tỉnh thành phố. Nguồn: Báo cáo Kiểm toán 2014/Minh họa: V.Minh

Theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, con số nợ đọng xây dựng cơ bản nêu trên rất đáng báo động.

Bởi lẽ, nợ đọng xây dựng cơ bản gia tăng không chỉ là dấu hiệu chỉ rõ tình trạng nợ công của các địa phương tăng cao mà còn để lại nhiều hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế vốn đang ở trong bối cảnh nhiều thách thức như hiện nay.

Không những thế, nếu nợ xây dựng cơ bản tiếp tục tăng “dai dẳng” thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn nợ công và tình hình tài chính của các địa phương.

Đồng thời, việc nợ đọng xây dựng cơ bản cũng khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười”, những hệ lụy từ đó cũng nảy sinh như nợ tiền lương công nhân, vay nợ ngân hàng kéo dài không thể trả sẽ trở thành nợ xấu.

Đặc biệt, các mục tiêu kinh tế lớn của quốc gia và các tỉnh, thành phố như: Mục tiêu tăng trưởng, nợ công, thu ngân sách, lao động việc làm… cũng sẽ đứng trước nguy cơ không đạt do một phần nguyên nhân từ nợ đọng xây dựng cơ bản.

Trước tình trạng trên, được biết vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị hỏa tốc số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, kéo dài nhiều năm phải kiểm điểm rõ trách nhiệm.

Đồng thời, các địa phương phải có trách nhiệm tự cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ xây dựng cơ bản.

Theo Bizlive