Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 55 km (gồm 4,5 km đường dẫn), đi qua tỉnh Tiền Giang. Công trình bắt đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa, điểm cuối tại nút giao bờ Bắc cầu Mỹ Thuận, vận tốc thiết kế 100 km/h. Dự án được xây dựng theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng số vốn gần 15.000 tỷ đồng.
Theo phân kỳ đầu tư, giai đoạn đầu xây dựng mặt đường cao tốc rộng gần 14 m với 4 làn xe. Mỗi chiều xe lưu thông có hai làn xe (một làn với tốc độ 80 km/h và một làn tốc độ 40 km/h). Trên tuyến đường cao tốc có bốn nút giao thông khác mức và năm cầu vượt, thi công trong bốn năm và đưa vào sử dụng cuối năm 2018.
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một phần của đường cao tốc TP HCM - Cần Thơ (gồm 3 đoạn TP HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ). Dự án được xây dựng nhằm rút ngắn thời gian lưu thông từ TP HCM đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của khu vực này, đồng thời giảm tải cho Quốc lộ 1. Trong đó, đoạn cao tốc TP HCM - Trung Lương dài 40 km đã được đưa vào sử dụng từ tháng 2/2010.
Theo tính toán, khi đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành, ôtô đi từ TP HCM về Mỹ Thuận chỉ mất khoảng 1 giờ thay vì 2 giờ đi trên Quốc lộ 1 như trước.
Dự án này từng được giao cho Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) làm chủ đầu tư và đã khởi công cuối tháng 11/2009. Đến nay, tổng số vốn để xây dựng dự án là 19.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 2 năm không huy động đủ vốn, BEDC rút khỏi và dự án được chuyển cho Cửu Long CIPM quản lý, tìm kiếm các nguồn vốn ngoài ngân sách để xây dựng.
Theo Vnexpress