14 công ty chứng khoán cho vay hơn 14.200 tỷ đồng margin

10 công ty chứng khoán dẫn đầu cung cấp khoảng 9.430 tỷ đồng margin ở thời điểm cuối năm 2014, tăng hơn 50% so với năm trước.
Quy mô margin, ứng trước và phải thu khách hàng của các công ty chứng khoán năm 2014 và 2013 (Tỷ đồng). Nguồn: BCTC quý IV/2014.
Quy mô margin, ứng trước và phải thu khách hàng của các công ty chứng khoán năm 2014 và 2013 (Tỷ đồng). Nguồn: BCTC quý IV/2014.

Cho vay ký quỹ (margin)  luôn là câu chuyện được quan tâm trên thị trường chứng khoán. Đây là nguồn vốn vay của nhà đầu tư trong các giao dịch mua cổ phiếu do công ty chứng khoán cung cấp.

Đến lượt mình các công ty chứng khoán, phần lớn phải đi vay ngân hàng để cho vay lại, nếu cho rằng nguồn vốn chủ sở hữu của các công ty đã được dùng để đầu tư tài chính ngắn và dài hạn.

Do đó, margin thể hiện mức độ phục thuộc của thị trường chứng khoán vào nguồn tín dụng ngân hàng và sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn bởi thông tư 36 của NHNN.

Luôn có một câu hỏi được đặt ra là quy mô của dòng tiền này có giá trị bao nhiêu?

Theo số liệu của NHNN, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của các ngân hàng đến cuối tháng 11 khoảng 20.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý IV của các công ty chứng khoán vừa công bố sẽ cung cấp câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi này.

Thống kê cho thấy 10 công ty chứng khoán dẫn đầu cung cấp khoảng 9.430 tỷ đồng margin ở thời điểm cuối năm 2014. SSI và HSC, hai công ty dẫn đầu về thị phần môi giới cũng là những công ty cung cấp margin lớn nhất thị trường.

Con số này đã tăng thêm 3.400 tỷ (tăng 56%) so với năm ngoái, quy mô chỉ khoảng 6.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, quy mô dịch vụ ứng trước tại 10 công ty này hiện đạt khoảng 1.200 tỷ, tăng thêm 50% so với năm 2013.

Tuy nhiên đây chưa phải là con số cuối cùng, ngoài việc cung cấp tài chính trực tiếp cho nhà đầu tư, các công ty chứng khoán còn “quản lý” các hợp đồng 3 bên, trong đó nhà đầu tư nhận hỗ trợ tài chính từ một ngân hàng hoặc công ty tài chính.

Quy mô hợp đồng này tại MBS là 892 tỷ đồng trong báo cáo cuối năm 2014. Trước đó, trong báo cáo 9 tháng của SHS con số này là 1.827 tỷ đồng, tuy nhiên đã được xử lý trong báo cáo cuối năm.

Ba công ty chứng khoán khác không cung cấp thuyết minh chi tiết về dư nợ margin thay vào đó là các khoản phải thu khác về giao dịch chứng khoán như ACBS (1.414 tỷ đồng); MSBS (660 tỷ đồng) và VCBS (624 tỷ đồng).

Tổng cộng các khoản hỗ trợ tài chính này tại 14 công ty chứng khoán được thống kê ước tính khoảng 14.220 tỷ đồng cuối năm 2014.

Theo: BizLive