Liên tiếp các trận động đất ở Kon Tum, Thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&CN phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nghiên cứu, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm của động đất tại khu vực và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp. 

Vị trí xảy ra trận động đất đầu tiên trong chiều ngày 23/8, tại khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum).
Vị trí xảy ra trận động đất đầu tiên trong chiều ngày 23/8, tại khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum).

Chiều ngày 23/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi công điện đến các ban, bộ, ngành cùng tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam về việc ứng phó với động đất tại khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum).

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nghiên cứu, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm của động đất tại khu vực và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp. Đánh giá mức độ ảnh hưởng nhà dân, công trình thủy điện sau hàng loạt các trận động đất liên tiếp xảy ra ở Kon Tum.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT chỉ đạo kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của động đất đến an toàn hồ đập, chủ động triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn hồ đập; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ động chỉ đạo các địa phương triển khai ứng phó phù hợp, tránh gây hoang mang trong nhân dân, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xấu, kịp thời tham mưu cho Thủ tướng chỉ đạo xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền.

Để kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả do động đất, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam tổ chức theo dõi sát tình hình, kiểm tra, đánh giá cụ thể thiệt hại do động đất, nhất là nhà ở của người dân, cơ sở hạ tầng thiết yếu như hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông, cơ sở y tế, giáo dục.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương sẵn sàng huy động lực lượng và nguồn lực hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hại để ổn định cuộc sống người dân, bảo đảm an toàn công trình theo quy định.

Riêng đối với tỉnh Kon Tum, Thủ tướng yêu cầu địa phương phối hợp với chủ đầu tư các công trình thủy điện Thượng Kon Tum và Đăk Đrinh khẩn trương xem xét phương án và sớm tổ chức đầu tư, lắp đặt và vận hành bổ sung trạm quan sát động đất.

Trước đó, chiều ngày 23/8, chỉ trong vòng 6 tiếng đồng hồ, Viện Vật lý địa cầu - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã ghi nhận 9 trận động đất liên tiếp xảy ra trên địa bàn huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), dư chấn động đất với độ lớn từ 2,5 - 4,7 độ Richter, gây rung lắc mạnh, lo lắng cho người dân trong khu vực.

Cụ thể, trận động đất thứ nhất ghi nhận vào lúc 7h08’04” (giờ GMT), tức 14h08’04” (giờ Hà Nội) ngày 23/8, trận động đất này có dư chấn 4,7 độ richter đã xảy ra tại tọa độ (14.768 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2km, trên khu vực thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Mặc dù trận động đất xảy ra ở KonTum, nhưng nhiều người dân ở Đà Nẵng vẫn cảm nhận rung lắc tại thời điểm trận động đất xảy ra và nhanh chóng lan truyền trên các mạng xã hội.

Rung lắc do trận động đất đầu tiên xảy ra tại Kon Tum được một camera an ninh của người dân ở Đà Nẵng ghi lại được

Tiếp theo đó 3 phút sau, trận động đất thứ 2 diễn ra vào hồi 7h11’36” (giờ GMT), tức 14h11’36”, trận động đất này có độ lớn 3,6 độ richter, vị trí tâm chấn có tọa độ (14.796 độ vĩ Bắc, 108.252 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km;

Đến 8h2’9”(giờ GMT), tức 15h2’9”(giờ Hà Nội) trên địa bàn huyện Kon Plông lại xảy ra một trận động đất nữa có độ lớn 3,7 độ richter, vị trí tâm chấn có tọa độ (14.801 độ vĩ Bắc, 108.238 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.

Trận động đất thứ 4 xảy ra vào hồi 8h27’53” (giờ GMT), tức 15h27’53” (giờ Hà Nội), độ lớn trận động đất là 2,5 độ richter, vị trí xảy ra vụ động đất có tọa độ (14.808 độ vĩ Bắc, 108.235 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.

Trận động đất thứ 5 xảy ra hồi 9h15’3” (giờ GMT), tức 16h15’3”(giờ Hà Nội), trận động đất này có độ lớn 3,0 độ richter, xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.785 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.

Trận động đất thứ 6 xảy ra vào hồi 10h31’37” (giờ GMT), tức 17h31’37” (giờ Hà Nội), trận động đất có độ lớn 2,7 độ richter, vị trí động đất có tọa độ (14.734 độ vĩ Bắc, 108.261 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km

Trận động thứ 7, cũng xảy ra vào hồi 11h4’50” (giờ GMT), tức 18h4’50” (giờ Hà Nội), trận động đất này có độ lớn 2,9 độ richter, xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.728 độ vĩ Bắc, 108.253 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.

Trận động đất thứ 8, cũng xảy ra vào hồi 13h38' (giờ GMT), tức 20h38' (giờ Hà Nội), trận động đất này có độ lớn 2,9 độ richter, xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.838 độ vĩ Bắc, 108.248 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.

Trận động đất gần nhất là trận thứ 9, cũng xảy ra trên địa phận huyện Kon Plông vào hồi 13h41’13” (giờ GMT), tức 20h41’13” (giờ Hà Nội), trận động đất này có độ lớn 2,7 độ richter, xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.784 độ vĩ Bắc, 108.230 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.

Trước sự xuất hiện của liên tiếp các trận động đất, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu tiếp tục theo dõi diễn biến của các trận động đất này.