100% dịch vụ công ở Đà Nẵng đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức 4

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đó là nội dung vừa được ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết tại buổi công bố chỉ số DTI 2021 do Bộ TT&TT tổ chức sáng nay, ngày 8/8.
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND Tp Đà Nẵng
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND Tp Đà Nẵng

100% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức 4

Theo ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, tính đến tháng 6/2022, Đà Nẵng đã triển khai 100% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức 4; có 79% dịch vụ phát sinh hồ sơ trực tuyến (gấp 1,7 lần so với trung bình toàn quốc); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 55,5% (gấp 1,3 lần so với trung bình toàn quốc; vượt chỉ tiêu kế hoạch hành động năm 2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số vào cuối năm 2022 là 50%).

Ngoài tỷ lệ triển khai dịch vụ công trực tuyến, Đà Nẵng có một số điểm mới trong công tác chuyển đổi số là bắt đầu theo hướng cung cấp dịch vụ số. “Ở đó, các cơ quan sử dụng dữ liệu số trong cung cấp dịch vụ công; và người dân, doanh nghiệp không cần phải nộp lại một số thành phần giấy tờ như giấy đăng ký kinh doanh, hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…”- ông Chinh cho biết.

Cũng theo ông Chinh, Đà Nẵng đã thiết kế và xây dựng hệ thống để mỗi người dân có 1 tài khoản số và 1 kho dữ liệu số trên hệ thống của chính quyền; người dân đăng nhập 1 lần và kế thừa lại dữ liệu số trong các lần sử dụng dịch vụ tiếp theo. Hiện tại, Đà Nẵng đã có khoảng 250.000 tài khoản số của người dân, tức khoảng 40% dân số trong độ tuổi lao động có tài khoản công dân số.

Cổng dịch vụ mở UBND TP Đà Nẵng là một thành tựu trong hoạt động chuyển đổi số của địa phương

Cổng dịch vụ mở UBND TP Đà Nẵng là một thành tựu trong hoạt động chuyển đổi số của địa phương

Ngoài kiểm soát và cung cấp trực tuyến các thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính (sở, ngành; UBND quận, huyện, phường, xã), năm 2022, TP Đà Nẵng bắt đầu triển khai kiểm soát, ban hành bộ thủ tục các đơn vị sự nghiệp công (như cấp phép hạ bó vỉa hè, thi công nước, chặt hạ/dịch chuyển cây xanh, đấu nối điện chiếu sáng,…) và triển khai cung cấp trực tuyến.

Đà Nẵng đặt mục tiêu năm 2022 là 30% dịch vụ đơn vị sự nghiệp công được kiểm soát, ban hành bộ thủ tục và cung cấp trực tuyến.

Không những vậy, việc triển khai dịch vụ hành chính công và sự nghiệp công trong năm 2022 có tỷ lệ khá cao và nhiều điểm mới như trên là dựa vào Nền tảng công dân số và Cơ sở dữ liệu kết quả thủ tục hành chính số.

Đặc biệt, Đà Nẵng đã hình thành hơn 2.500 tổ công nghệ số cộng đồng tại các tổ dân phố đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hướng dẫn trực tiếp, cụ thể đến từng hộ dân, hộ kinh doanh.

Vẫn cần cơ chế tháo gỡ

Tuy vậy, theo Chủ tịch TP Đà Nẵng, địa phương vẫn còn những vướng mắc trong triển khai hoạt động chuyển đổi số. Việc triển khai chuyển đổi số là để giải các “bài toán” lớn, khó trong thời gian qua không thực hiện được và để thành công thì cần áp dụng một số mô hình, quy định mới, chưa có quy định và tiền lệ. Do vậy, các địa phương cần có những cơ chế, chính sách mang tính kiến tạo, tiên phong để thúc đẩy chuyển đổi số.

“Việc xây dựng chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đã có chủ trương tại Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, do vậy, cần có văn bản quy định cụ thể từ Chính phủ để làm căn cứ, tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới về ứng dụng công nghệ số, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, quản lý đô thị thông minh”- Chủ tịch TP Đà Nẵng chia sẻ.

Khó khăn nữa của địa phương trong triển khai chuyển đổi số là việc lựa chọn đơn vị tư vấn lập đề cương, hồ sơ thiết kế để triển khai các ứng dụng/phần mềm nội bộ thời gian qua, gặp nhiều khó khăn; địa phương không thuê được các đơn vị tư vấn đạt chất lượng, dẫn đến thời gian triển khai các dự án công nghệ số kéo dài, không kịp đưa vào sử dụng theo nhu cầu; thậm chí huỷ chương trình, dự án dù đã phân bổ kinh phí.

Bảng xếp hạng DTI2021, Đà Nẵng tiếp tục giữ ngôi quán quân
Bảng xếp hạng DTI2021, Đà Nẵng tiếp tục giữ ngôi quán quân

“Lý do chính là định mức chi phí lập dự án đầu tư (Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật), Đề cương - dự toán chi tiết, Thiết kế thi công - dự toán theo định mức quá thấp. Ngoài ra, đã tham gia lập hồ sơ tư vấn thì không tham gia được đấu thầu thi công. Do vậy, đề xuất Bộ TT&TT thông chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan, nâng định mức chi phí lập dự án đầu tư, đề cương – dự toán chi tiết, thiết kế thi công – dự toán để lựa chọn được đơn vị tư vấn phù hợp, đạt chất lượng”- ông Chinh đề xuất.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, Chủ tịch TP Đà Nẵng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành hướng dẫn về phí dịch vụ phát sinh khi thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thủ tục hành chính và nên miễn phí chuyển tiền để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công (hiện nay phí trả cho ngân hàng, tổ chức thẻ khoản 2,5% giá trị chuyển).