Nội dung trên được các thành viên Chính phủ thống nhất sau khi có đề xuất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật vừa diễn ra, khi Chính phủ thảo luận về dự thảo Luật Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Trong dự thảo đang lấy kiến có đề cập quy định về phát hiện và xử lý các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, với các phương án xử lý bao gồm: phục hồi, xử lý pháp nhân (sáp nhập, hợp nhất, bán toàn bộ vốn điều lệ, giải thể, phá sản) và phương án chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Mua bắt buộc, không thực hiện phương án phá sản
Một trong những vấn đề được thảo luận tại phiên họp lần này là biện pháp mua bắt buộc. Theo NHNN, phương án chuyển giao bắt buộc là phương án chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của TCTD được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ phần vốn góp, cổ phần cho TCTD được chỉ định hoặc NHNN
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng biện pháp này có thể vi phạm quyền lợi cổ đông và quyền công dân. Lý giải vấn đề ngày, NHNN cho biết, biện pháp chuyển giao bắt buộc là biện pháp cuối cùng khi NHTM yếu kém không thể thực hiện phương án phục hồi, cũng như không thể thực hiện phương án giải thể do không có khả năng thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ nợ và không thể thực hiện phương án phá sản do tác động quá lớn đến an ninh tài chính, nền kinh tế và trật tự, an toàn xã hội
“Đây là biện pháp áp dụng cho tổ chức tín dụng có thực trạng yếu kém nhất, điều kiện, quy trình, thẩm quyền cũng được quy định chặt chẽ nhất” – NHNN nhấn mạnh.
Qua thảo luận, các thành viên Chính phủ thống nhất với đề xuất của NHNN là cần có quy định về biện pháp này.
Theo đó, bên cạnh các biện pháp xử lý như phục hồi, xử lý pháp nhân, từ nay trở đi, sẽ không đặt vấn đề NHNN mua lại các NHTM với giá 0 đồng. Các ngân hàng yếu kém sẽ được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt mà không dùng hình thức NHNN mua lại với giá 0 đồng, sau đó có các biện pháp tài chính, cuối cùng mới áp dụng biện pháp mua bắt buộc.
Đối với các NHTM đã được NHNN mua lại giá 0 đồng sẽ vẫn được xử lý theo các phương án dự luật quy định.
Miễn trừ trách nhiệm với người tham gia tái cơ cấu TCTD
Bên cạnh nội dung thảo luận về biên pháp mua bắt buộc, một vấn đề được quan tâm khác là quy định về miễn trừ trách nhiệm đối với người tham gia tái cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Có ý kiến cho rằng, quy định như vậy có thể dẫn tới lạm quyền và thiếu trách nhiệm.
Về vấn đề này, NHNN cho biết, việc xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là việc khó, phức tạp, chưa có tiền lệ và trên thực tế đã gây khó khăn và rủi ro pháp lý cho các cán bộ xử lý trực tiếp, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xử lý. Do đó cần quy định về miễn trừ trách nhiệm. Hơn nữa, các chuyên gia quốc tế cũng đánh giá cao quy định này vì đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đồng thời, để quyền này không bị lạm dụng, dự thảo quy định chặt chẽ theo hướng, người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng không chịu trách nhiệm về “kết quả” của việc thực hiện phương án cơ cấu lại, nếu việc thực hiện phương án không đạt mục tiêu do nguyên nhân khách quan. Còn trường hợp vi phạm pháp luật thì vẫn bị xử lý theo quy định hiện hành. Các ý kiến thảo luận thống nhất với đề xuất của NHNN tại dự thảo Luật.
Kết luận nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc hoàn thiện các quy định về vấn đề này là rất cần thiết, rất cấp bách, nếu chậm trễ sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình điều hành kinh tế-xã hội.
Thủ tướng đồng ý với phương án xây dựng 2 văn bản để trình Quốc hội, gồm dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và dự thảo một luật sửa nhiều luật (Luật Các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan). Thủ tướng yêu cầu NHNN chủ trì, khẩn trương hoàn thiện hai văn bản này để Chính phủ trình Quốc hội cùng thời điểm.