Đang lên kế hoạch tránh sa lầy cho ngân hàng yếu kém

Như cỗ xe mắc kẹt vũng lầy, càng nhấn ga càng tiêu hao nhiên liệu và càng dễ lún sâu. Việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém đang cần “lát ván” hỗ trợ từ cơ chế pháp lý.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù lỗ kinh doanh của các ngân hàng mua bắt buộc giảm dần nhưng do hoạt động của các ngân hàng vẫn trong tình trạng cầm chừng, nguồn thu tạo ra không đủ bù chi phí hoạt động kinh doanh nên lỗ lũy kế tiếp tục gia tăng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù lỗ kinh doanh của các ngân hàng mua bắt buộc giảm dần nhưng do hoạt động của các ngân hàng vẫn trong tình trạng cầm chừng, nguồn thu tạo ra không đủ bù chi phí hoạt động kinh doanh nên lỗ lũy kế tiếp tục gia tăng.

Đó là thực tế đang tồn tại sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, cũng như thử thách giai đoạn nối tiếp 2016 - 2020.

Ngân hàng Nhà nước đang lên kế hoạch với kỳ vọng có thể thay đổi được tình thế.

Lỗ lũy kế tiếp tục gia tăng

Cho đến thời điểm này, nợ xấu ngân hàng vẫn ở mức cao, vẫn là áp lực lớn trong xử lý. Tuy nhiên, đây không còn là mẫu số chung đối với mọi thành viên. Bởi theo Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu của hệ thống chủ yếu tập trung ở 3 ngân hàng thương mại đã mua bắt buộc 0 đồng và các tổ chức tín dụng yếu kém.

Thực tế hai năm gần đây, nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động xử lý được lượng lớn nợ xấu một cách thực chất, kiểm soát tỷ lệ ở mức thấp. Tuy nhiên, lượng lớn vẫn tập trung ở các ngân hàng yếu kém, có nhiều nguyên do, kể cả mối liên hệ với tiến trình xét xử các vụ đại án…

Và cũng sau khoảng hai năm kể từ khi Ngân hàng Nhà nước lần lượt mua lại bắt buộc 3 ngân hàng thương mại yếu kém với giá 0 đồng, tình hình hoạt động vẫn chưa thể cải thiện rõ nét.

Trong một tài liệu liên quan, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ở những trường hợp này, quy mô nợ xấu và tài sản không sinh lời vẫn ở mức cao; việc xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời rất khó khăn, chưa đạt được kết quả đáng kể; tình trạng âm vốn chủ sở hữu của 3 ngân hàng yếu kém được mua lại bắt buộc quá lớn, âm nhiều lần quy mô vốn điều lệ.

Mặc dù được Ngân hàng Nhà nước nhận về, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, đứng ra tiến hành tái cơ cấu, nhưng thanh khoản và các tỷ lệ an toàn hoạt động vẫn không thể đảm bảo được các quy định.

“Mặc dù lỗ kinh doanh của các ngân hàng mua bắt buộc giảm dần nhưng do hoạt động của các ngân hàng vẫn trong tình trạng cầm chừng, nguồn thu tạo ra không đủ bù chi phí hoạt động kinh doanh nên lỗ lũy kế tiếp tục gia tăng”, tài liệu trên cho biết.

Như cỗ xe bị sa lầy, để đảm bảo thanh toán, các ngân hàng trên hiện vẫn phải huy động vốn với lãi suất cao dẫn đến áp lực trả lãi tiền gửi, cùng với trang trải chi phí hoạt động trong điều kiện nguồn thu hạn chế dẫn đến chênh lệch thu nhập - chi phí của các ngân hàng này vẫn tiếp tục ở tình trạng âm.

“Nhìn chung, các tổ chức tín dụng yếu kém nói chung và các ngân hàng mua bắt buộc nói riêng không thể đáp ứng các quy định về an toàn hoạt động và không đủ điều kiện đáp ứng về giới hạn cấp tín dụng, điều kiện huy động vốn... để triển khai một số hoạt động kinh doanh thông thường”, Ngân hàng Nhà nước đánh giá.

Cần cơ chế “lát ván”

Trong điều kiện không có nguồn ngân sách nào chi ra hỗ trợ, trong khi không thể đóng băng hoạt động, không thể buông hẳn bằng cơ chế cho phá sản, để chặn những cỗ xe trên bớt sa lầy thêm, cần có những tấm ván cơ chế tạo đà mà hiện đang thiếu.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, có nhiều yếu tố trong nguyên nhân tồn tại của những ngân hàng yếu kém trên, trong đó quan trọng nhất là do chưa có khuôn khổ pháp lý về các biện pháp phục hồi, củng cố hoạt động đối với các tổ chức tín dụng yếu kém.

Trực tiếp nhất và cần kíp nhất là nguồn nhiên liệu bổ sung cho những cỗ máy đó tiếp tục chạy. Quy định pháp lý hiện hành cho phép Ngân hàng Nhà nước được thực hiện tái cấp vốn, với cơ chế giám sát đảm bảo an toàn, để hỗ trợ. Cơ chế này công bằng chung cho bất cứ tổ chức tín dụng nào khi gặp khó khăn, miễn là đáp ứng được các điều kiện quy định.

Tuy nhiên, nguồn tái cấp vốn là ngắn hạn, trong khi nguồn dài hạn cần hơn và có giá trị hơn cho yêu cầu phục hồi hoạt động lại chưa được quy định qua kênh tái cấp vốn. Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật các tổ chức tín dụng cũng chưa có quy định về việc cho vay đặc biệt để hỗ trợ nguồn vốn dài hạn để phục hồi những ngân hàng yếu kém.

Thời gian qua và hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chỉ định các ngân hàng thương mại lớn mà Nhà nước nắm tỷ lệ sở hữu chi phối tham gia vào tái cơ cấu những trường hợp yếu kém trên. Thế nhưng, cơ chế liên quan cũng chưa có các quy định cụ thể.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, các đầu mối được chỉ định trên đã điều động cán bộ có kinh nghiệm sang tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành ngân hàng mua lại bắt buộc; hỗ trợ về mặt tài chính để các ngân hàng mua bắt buộc bước đầu có ngay nguồn thu nhập bù đắp chi phí hoạt động, sớm chấm dứt lỗ kinh doanh như được hỗ trợ gửi tiền hoặc cho vay với lãi suất phù hợp, tham gia cho vay hợp vốn, ủy thác lại ngân hàng hỗ trợ cho vay...

Những hỗ trợ đó đã góp phần níu các cỗ xe bớt sa lầy thêm. Nhưng đến nay chưa có quy định pháp luật quy định cụ thể về các biện pháp hỗ trợ nêu trên cũng như quyền, trách nhiệm của ngân hàng hỗ trợ, chế độ thu nhập, lương đối với các cán bộ được các ngân hàng hỗ trợ cử trực tiếp sang quản lý, điều hành các ngân hàng yếu kém...

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần có cả cơ chế hỗ trợ của Nhà nước đối với các ngân hàng hỗ trợ tái cơ cấu nói trên để khuyến khích và giảm thiểu rủi ro cho các ngân hàng này.

Và như trên, tình hình tài chính của các ngân hàng yếu kém hiện không đảm bảo được các tỷ lệ an toàn trong hoạt động. Cũng như về vốn, các giới hạn hoạt động… vẫn là danh nghĩa. Luật các tổ chức tín dụng hiện vẫn chưa có các quy định cụ thể hỗ trợ về cơ chế hoạt động cho những trường hợp này.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện các giải pháp đề xuất, trong đó có yêu cầu tháo gỡ được những điểm pháp lý, để thực hiện các biện pháp phục hồi, tổ chức và hoạt động kinh doanh phù hợp với đặc thù của các tổ chức tín dụng tín dụng yếu kém nói chung và ngân hàng mua bắt buộc nói riêng, nhằm đảm bảo giải quyết, khắc phục triệt để các hạn chế, yếu kém.

Và trong trường hợp không khắc phục được, không phục hồi được, cho phá sản và giải thể cũng là một bước mà nhà quản lý đang nghiên cứu, cũng như đề cập trong các bước thực hiện tái cơ cấu hệ thống theo triển vọng có được một bộ luật riêng về hỗ trợ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu mà Quốc hội có thể xem xét tới đây.

Theo VnEconomy