Một cách kín đáo, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết về khó khăn lớn nhất đối với dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Theo bộ trưởng, Bộ KHĐT đang đề nghị Bộ Tài chính đàm phán lại để thay đổi điều kiện vay thuận lợi hơn, như mức lãi suất vay thấp hơn và bỏ chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc.
Khẳng định chúng ta có quyền tìm kiếm đối tác để vay và đương nhiên là các điều kiện có lợi thì mới vay, nhưng bộ trưởng Dũng cho biết thêm, đối với dự án cao tốc này hiện chỉ có đối tác Trung Quốc “ngỏ lời” cho vay.
Điều mà Bộ trưởng không nói ra, là phía Việt Nam thậm chí còn không có khả năng so sánh về điều kiện vay vốn. Trong tư cách bộ trưởng, cách thể hiện này dường như cho thấy bộ trưởng KHĐT cũng không “khoái” thực hiện dự án cao tốc này. Đặc biệt khi phải thực hiện theo điều kiện vay của Trung Quốc đưa ra.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội thì cho rằng, “vay vốn ODA của Trung Quốc hay của nước nào cũng được, miễn là tiền về trong nước và lãi suất thấp hơn vay trong nước. Nếu lãi suất thấp nhưng thời gian giải ngân, triển khai vốn mà điều kiện lại khắt khe hơn, so sánh với vay thương mại trong nước không có lợi hơn thì cần xác định lại”.
Không nhận xét trực diện vào tính cấp thiết của dự án cao tốc Vân Đồn – Mong cái, nhưng ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng: “Khả năng huy động vốn trong nước hiện rất hạn hẹp. Cũng có thể chúng ta lùi, giãn tiến độ triển khai dự án, hoặc cũng có thể chúng ta đi vay một khoản của Ngân hàng thế giới hay ADB… có nhiều phương án song tất cả phải nghiên cứu, cân nhắc để đưa ra quyết định cuối cùng, lựa chọn được phương án có lợi nhất cho đất nước”.
Ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên là một trong số hiếm hoi các ý kiến đặt thẳng vấn đề có thể lùi, dãn tiến độ với dự án, nếu khả năng huy động vốn gặp khó khăn.
Lưu ý là, Bộ GTVT tỏ ra khá hào hứng với việc vay vốn Trung Quốc. Đầu năm 2016, Bộ GTVT đã gửi công văn đề nghị Chính phủ sớm đầu tư hoàn thiện đoạn cao tốc, chấp thuận giao Bộ quyết định đầu tư và vận động vay vốn ODA Trung Quốc. Lý do vì việc phát triển các đoạn tuyến cao tốc dọc tỉnh Quảng Ninh đã nằm trong quy hoạch phát triển giao thông của Chính phủ và nếu sớm thực hiện sẽ góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực
Sau này, Bộ GTVT cũng đồng ý và đề nghị áp dụng cơ chế tài chính theo hình thức cấp phát toàn bộ vốn vay nước ngoài cho dự án (vay vốn với điều kiện sẽ chỉ định nhà thầu Trung Quốc thi công).
Tuy nhiên, thực tế dường như đang bị “lái” đi theo một chiều hướng khác, và bị gắn với những rủi ro khi sử dụng nhà thầu Trung Quốc. Thực tế, việc đàm phán chỉ định thầu khi vay vốn ODA chưa hẳn đã điều kiện tiên quyết “giúp” các nhà thầu có thể thoải mái câu giờ hay hạ thấp chất lượng công trình. Số các nhà thầu nội, sử dụng vốn nội bị đánh giá có chất lượng thi công kém còn nhiều gấp nhiều lần số các nhà thầu Trung Quốc làm ẩu.
Mặt khác, chỉ định thầu nước ngoài là do đàm phán, nhưng giám sát chất lượng công trình, đốc thúc tiến độ dự án chắc chắn là phần việc của hệ thống pháp luật Việt Nam. Nói cách khác, bất kể là thầu Trung Quốc hay nước nào, thì việc suy giảm chất lượng công trình xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam đều có trách nhiệm của chính hệ thống quản lý của Việt Nam. Thầu Trung Quốc không thể làm bậy “thành công”, nếu hệ thống quản lý, giám sát của Việt Nam hoạt động tốt.
Điều đó có nghĩa, khi lo ngại về chất lượng thầu Trung Quốc, thì cách tốt nhất giải tỏa được lo ngại ấy là phải thay đổi được cách quản lý của Việt Nam, sao cho giám sát được thầu Trung Quốc một cách chặt chẽ hơn.
Cuối cùng, cần phải nhắc lại thực tế này, đầu tư cao tốc ở Việt Nam hiện chủ yếu thực hiện theo hình thức Bộ GTVT chỉ định chủ đầu tư. Mà trong đó, chủ đầu tư cũng đồng thời tiến hành thi công, với các đơn vị thị công chính là công ty “con” của chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư của dự án quá cao và mức phí thu cũng cao tương ứng trên những cao tốc được chỉ định chủ đầu tư này đang gây phản ứng từ xã hội. Trường hợp cao tốc Vân Đồn – Móng Cái có lặp lại thực tế này hay không, kể cả trong trường hợp hợp chỉ định thầu Trung Quốc, thì lại ít được chú ý.