Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2016, tổng sản phẩm xã hội của Đà Nẵng tăng 7,9%, thấp hơn mức kế hoạch đề ra (9-10%). Đáng chú ý, công-nông nghiệp của thành phố chưa thực sự phát triển, trong khi quỹ đất ven biển đã cạn dần, và dịch vụ, du lịch cũng mới chiếm xấp xỉ 50% tổng sản phẩm xã hội.
Tăng trưởng không đạt, chi xây dựng cơ bản theo dự toán từ vốn trong và ngoài nước (ODA) cũng đạt thấp, trong đó tổng chi vốn trong nước chỉ đạt 28,2% dự toán.
Tình hình thu vốn FDI của Đà Nẵng tiếp tục sụt giảm với việc chỉ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 26 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 10 triệu USD, giảm 6 dự án và 4,16 triệu USD so với cùng kỳ năm 2015.
Nguyên nhân được xác định là do quy mô đầu tư giảm sau khi thu hồi đất của các nhà đầu tư không thực hiện nghĩa vụ tài chính, các nhà đầu tư tiềm năng chưa mặn mà bỏ vốn vào khu công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng chưa phát triển nên khó thu hút dự án lớn.
Điểm khởi sắc nhất của Đà Nẵng trong 6 tháng chỉ thể hiện ở tỷ lệ thu chi ngân sách. Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm đã thu hơn 65,1% so với dự toán HĐND TP giao. Tuy nhiên, ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng cũng đang phải ‘nhặt nhạnh từng đồng ngân sách’ do hầu hết chỉ có các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nên việc thu ngân sách cũng gặp khó khăn.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu, phát triển của Đà Nẵng là không thật bền vững. Về lâu dài nếu không có đột phá, phát triển sẽ chững lại. Do đó, Đà Nẵng cần tìm kiếm giải pháp đột phá, xây dựng chương trình tăng trưởng kinh tế với sự hỗ trợ của Chính phủ.