Đừng để biển Đà Nẵng chết!
Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã phải lên tiếng về cách hành xử của Đà Nẵng đối với môi trường biển Đà Nẵng khi biển Đà Nẵng đang đối mặt với ô nhiễm.
"Du khách khách đến với Đà Nẵng là biển và núi Sơn Trà. Nhưng bãi biển hiện nay đang đối mặt với ô nhiễm. Hệ thống xử lý nước thải ra biển Đà Nẵng đang được xử lý như thế nào? Cơ quan nào quản lý, chịu trách nhiệm?", ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đặt câu hỏi đối với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ.
"Mùa mưa thì nước thải theo cống từ đường Ngô Quyền tống hết ra biển, rác rưởi bẩn thỉu như vậy thì ai sẽ đến với biển. Các cá nhân liên quan, ai chịu trách nhiệm", ông Huỳnh Tấn Vinh tiếp.
Lo ngại, xót xa cho cách hành xử đối với biển Đà Nẵng, ông Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng muốn được cùng giải quyết vấn đề này, khi chính quyền chưa xử lý rốt ráo. "Chúng tôi làm là tự bảo vệ tôi, vì cơ chế Đà Nẵng đặt ra là để đối thoại, phối hợp công tư, chúng tôi đã đề xuất lâu rồi, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi." - ông Vinh nói
"Mà để vậy, ai kiểm soát biển, hình ảnh của anh Nguyễn Xuân Anh, anh Huỳnh Đức Thơ tắm biển trong những ngày xảy ra sự kiện cá chết vừa rồi rất đẹp. Nhưng liệu có còn đẹp không nếu để biển chết và du khách không đến nữa thì Đà Nẵng sẽ thế nào?", ông Vinh đặt câu hỏi.
"Ngọc quý" Sơn Trà đang bị tàn phá?
Tiếp tục lo ngại về "viên ngọc quý" Sơn Trà đang bị bạc đãi khi liên tục những vụ phá rừng tại đây bị phanh phui. Ông Vinh tiếp: "Về núi Sơn Trà, đây là hòn ngọc quý, với đa dạng sinh học với voọc chà vá chân nâu. Nhưng tình trạng phá hoại rừng Sơn Trà đang ở mức báo động, làm xấu đi rừng Sơn Trà. Đề nghị Bí thư, Chủ tịch cử những nhân viên mẫn cán kiểm tra, giám sát vấn đề này".
Là người được xem là chuyên gia của ngành du lịch tại Đà Nẵng, ông Vinh đề xuất Đà Nẵng nên xem xét, gìn giữ và tìm cho mình một linh vật đại diện cho địa phương để quảng bá hình ảnh. "Ở Trung Quốc có gấu trúc, Newzealand có chim kiwi, Úc có Kangruru,... thì tại sao Đà Nẵng không lấy voọc chà vá chân nâu làm con vật đặc trưng cho Đà Nẵng để bảo tồn, để quảng bá hình ảnh du lịch", ông Vinh nói.
Ghi nhận ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đáp: "Đối với hệ thống xử lý nước thải, Đà Nẵng xác định vai trò quan trọng của biển. Biển chết thì chúng ta cũng "cùng em biển chết" thôi, nên quyết tâm giữ biển cho sạch. Chúng ta phải thừa nhận là yếu kém từ Sở, trung tâm xử lý,... Nên sắp tới sẽ cải tạo, đầu tư,mở rộng hệ thống thu gom nước thải dọc biển, trước mắt là biển khu vực Sơn Trà, từ đường Phạm Văn Đồng về phía Nam. Sau đó triển khai về phía bắc với mục tiêu là giữ biển sạch nhất có thể".
"Về vấn đề núi Sơn Trà, chúng tôi cam kết sẽ xử lý cương quyết, sau một số vụ phá rừng ở núi Sơn Trà chúng tôi đã xử lý nghiêm, cách chức, đình chỉ công tác, luân chuyển công tác một số cán bộ. Còn thông tin đưa cả xe đông lạnh vào rừng để chở voọc thật là khủng khiếp và tôi mới nghe. Tôi sẽ truy trách nhiệm", ông Thơ cho biết thêm.
Liên quan đến vấn đề phá rừng Sơn Trà, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh: "Chưa có nơi đâu cho cả Hạt trưởng, hạt phó nghỉ việc và luân chuyển tất cả cán bộ nhân viên ở Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn vì liên quan đến việc phá rừng Sơn Trà vừa qua. Nói vậy để thấy Đà Nẵng không bao che cho cán bộ sai phạm và sẽ xứ lý nghiêm như xử lý chìm tàu. Tôi cam kết là như vậy!", Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh.