Luật sư Ngô Ngọc Trai, Giám đốc Công ty Luật TNHH Công chính chia sẻ với VietTimes.
Cần không vai trò Viện kiểm sát?
Thưa LS, có những vụ án chuẩn bị đưa ra xét xử, nhưng do có sự can thiệp kịp thời của các vị lãnh đạo cấp cao, nên vụ án sau đó được giải quyết lại ngược hoàn toàn với chiều hướng ban đầu. Điển hình là vụ “Quán cafe Xin chào!”. Gần đây nhất là vụ án “cướp bánh mì” tại TP. HCM. Cả Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí và Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đều yêu cầu xem xét lại một cách toàn diện vụ án này. Theo LS thì những vụ việc như thế này nói lên điều gì trong hệ thống tư pháp của chúng ta?
- Những vụ án như “Cướp bánh mỳ” hay “quán cafe Xin chào” đều được báo chí phản ánh, dư luận quan tâm, lãnh đạo ngành tư pháp lên tiếng, để rồi cuối cùng vụ án được soát xét lại đưa đến kết quả giải quyết ngược với chiều hướng ban đầu. Điều này cho thấy chất lượng giải quyết các vụ án là có vấn đề, tồn tại nhiều sai trái, chất lượng của hoạt động tư pháp không cao và chưa đảm bảo công lý cho người dân.
Đó đều là những vụ án xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh, nơi đô thị lớn nhất cả nước, nơi mà đội ngũ luật sư, nhà báo tương đối phát triển nhờ vậy mà dân quyền được bảo vệ. Cụ thể, thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung trụ sở của nhiều cơ quan báo lớn của cả nước, ở đây số lượng luật sư khoảng 5.000 người chiếm một nửa của cả nước, nhờ vậy những số phận bị oan trái mới có được may mắn công lý soi rọi đến.
Vấn đề là ở những tỉnh, thành phố còn lại trên cả nước, liệu việc giải quyết các vụ án đã ổn hết chưa và tại sao lại không thấy báo chí phản ánh như các vụ án “Cướp bánh mỳ” hay “cafe Xin chào”? Lý do là ở những nơi đó các định chế như báo chí, luật sư, các hội đoàn dân sự còn mỏng, thiếu, nên các vấn đề dân quyền ít có cơ hội được bênh vực, bảo vệ. Do vậy, nếu có một người bị hàm oan ở nơi đó thì cũng khó có cơ hội được báo chí phản ánh, cộng đồng quan tâm, lãnh đạo lên tiếng như hai vụ án kia. Cho nên có thể ở một số nơi còn tồn tại những góc khuất mà ánh sáng công lý còn chưa soi rọi đến.
Trong các vụ án thì vai trò của Viện kiểm sát là hết sức quan trọng. Theo ông thì, vì sao việc KSND lại vô hiệu, mất đi chức năng kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm trong các vụ án oan sai kiểu như vụ “Quán cafe Xin chào”? Ông nghĩ gì về thiết chế Viện Kiểm sát hiện nay?
- Một mặt thì các định chế báo chí, luật sư còn mỏng, thiếu, song ngay các thiết chế tư pháp là một phần trong bộ máy nhà nước cũng làm không tốt vai trò kiểm soát phòng ngừa gây ra oan sai. Cái nguyên nhân kép như vậy khiến cho việc giải quyết án lâu nay còn tồn tại nhiều sai trái, không đảm bảo công lý cho người dân.
Bộ luật Tố tụng hình sự quy định viện kiểm sát có hai vai trò là kiểm sát điều tra và thực hành quyền công tố. Về vai trò kiểm sát điều tra đó là giám sát và phòng ngừa, đảm bảo hoạt động của cơ quan điều tra làm đúng theo các quy định pháp luật. Còn vai trò thực hành quyền công tố là truy tố bị can ra trước phiên tòa.
Vậy lâu nay viện kiểm sát thực hiện vai trò kiểm sát điều tra thế nào? Phải chăng đã bị cùn nhụt đi chức năng kiểm soát phòng ngừa? Thực tế qua các vụ án hình sự thì thấy viện kiểm sát lâu nay làm chưa thực sự tốt vai trò kiểm sát điều tra.
Nói như vậy bởi vì tôi không thấy sự khác nhau giữa có hay không có vai trò của kiểm sát viên. Trong các vụ án bình thường thì tự bản thân cơ quan điều tra họ cũng có ý thức làm đúng pháp luật rồi cho nên không cần lắm yếu tố kiểm sát. Còn trong những vụ việc có dấu hiệu làm sai thì viện kiểm sát lại chẳng có tác dụng kiểm soát ngăn chặn.
Khi tham gia các vụ án thì thấy quan điểm của viện kiểm sát thường chẳng khác gì cơ quan điều tra, kiểm sát viên rất ít tính phản biện đối kháng. Còn bản cáo trạng thì thường gần như y nguyên nội dung của kết luận điều tra. Viện kiểm sát đã không làm được vai trò chức năng nhiệm vụ của mình, Nhà nước và nhân dân lập ra viện kiểm sát với hy vọng rằng cơ quan này có năng lực chuyên môn, có nghiệp vụ và kinh nghiệm sẽ là thiết chế đối trọng tương xứng để kiểm soát hoạt động điều tra, giúp ngăn chặn bạo quyền bảo vệ dân quyền.
Nhưng thực tế thiết chế viện kiểm sát dường như chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân, thực tế đã xảy ra việc một số vụ án thay vì kiểm soát phòng ngừa lẫn nhau làm sai thì các cơ quan lại nể nang, dĩ hòa vi quý, bao che sai phạm cho nhau. Điều này dẫn đến những vụ án như “Cướp bánh mỳ” hay “Cafe Xin chào” đã không được ngăn chặn ngay từ đầu mà để đến khi báo chí phản ánh, lãnh đạo ngành tư pháp lên tiếng chỉ đạo thì việc giải quyết án mới thay đổi.
Bị can cần được quyền im lặng hay ghi âm ghi hình khi hỏi cung
Ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc quy định chỉ Tòa án mới có quyền ra các lệnh bắt giam giữ, khám xét và thu giữ đồ vật. Trong khi ở Việt Nam luật cho phép cả cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án đều được thực hiện các quyền bắt giữ, khám xét và thu giữ đồ vật. Thưa LS, đó có phải là nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng oan sai gia tăng?
- Các hoạt động như bắt giữ, khám xét và thu giữ đồ vật là những hoạt động xâm phạm trực tiếp đến quyền công dân, trong khi hệ thống tư pháp và bản thân việc điều tra xử lý tội phạm xét cho cùng cũng chỉ là nhằm để bảo vệ các quyền công dân.
Với nhận thức như vậy về mục tiêu và phương tiện, hệ thống tư pháp các nước tiến bộ họ quy định chỉ cho phép tòa án mới có quyền ra các lệnh bắt giữ, khám xét và thu giữ đồ vật. Vì người ta hy vọng rằng tòa án với thuộc tính công tâm khách quan ở trong bản chất, khi quyết định sẽ đảm bảo tối đa tính hợp lý chính đáng, tạo môi trường hành lang pháp lý an toàn bảo vệ cho các quyền công dân.
Nhưng ở Việt Nam thì pháp luật lại cho phép cả cơ quan điều tra và viện kiểm sát đều được thực hiện các quyền này đã dẫn tới tình trạng lạm quyền. Vì trách nhiệm điều tra chứng minh tội phạm lại đi kèm với cái quyền được bắt giữ khám xét thì không thể nào tránh khỏi sự lạm quyền.
Và đây là một điểm vô lý trong thiết kế bộ máy tư pháp hiện nay. Khi cỗ máy được lập trình hoạt động không hợp lý thì kết quả của nó sẽ không đảm bảo công lý. Cho nên sự lạm quyền là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra oan sai trong nền tư pháp hiện nay (bên cạnh các nguyên nhân gây oan khác như yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ, thiếu thốn về các trang thiết bị kỹ thuật máy móc hiện đại giúp phục vụ cho việc điều tra, bổ trợ cho năng lực có giới hạn của con người).
Nhiều chuyên gia cho rằng, “quyền im lặng”, “ghi âm, ghi hình trong cả giai đoạn điều tra, xét hỏi ban đầu” là một bước tiến của cải cách tư pháp ở nước ta. Tuy nhiên vẫn có những ý kiến phản đối, vì cho rằng, những vụ án đặc biệt nghiêm trọng như giết người thì không nên cho nghi can các quyền đó. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Mọi công dân cần được đối xử bình đẳng trước pháp luật, do vậy việc cho rằng đối với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà không cho bị can được quyền im lặng hay ghi âm ghi hình khi hỏi cung là sai trái.
Quy định pháp luật cũng cần được áp dụng thống nhất, ví như luật quy định bị can được quyền trình bày lời khai, theo đó khai báo là quyền thì mọi bị can đều được quyền khai báo chứ không phải vụ án này bị can được quyền còn vụ án nghiêm trọng khác bị can lại phải có nghĩa vụ khai báo.
Tôi cho rằng các vụ án dù nghiêm trọng thế nào thì cũng cần phải có nhân chứng hoặc vật chứng xác đáng để kết tội, còn thì lời khai chỉ là một phần để tham khảo thôi chứ không nên như lâu nay dùng luôn lời khai làm chứng cứ để kết tội. Vì luật quy định lời khai cũng là chứng cứ cho nên quá trình điều tra người ta coi trọng việc lấy lời khai để tạo chứng cứ nhằm giải quyết án. Và để có được chứng cứ là lời khai thì người ta sẵn sàng bức cung nhục hình để buộc khai báo, điều này cũng vì các thiết chế bênh vực dân quyền còn yếu kém nên người ta mới dễ làm bậy làm bừa.
Thưa LS, những vấn đề gì, theo ông, là cấp bách nhất cần đẩy mạnh cải cách hiện nay để tạo ra môi trường an toàn cho các quyền công dân?
- Cần sớm đưa Bộ luật tố tụng hình sự ban hành năm 2015 vào thi hành, vì luật này mới bị hoãn do liên quan đến việc sửa đổi những điểm sai trái của bộ luật hình sự năm 2015. Các chế định pháp lý mới như quyền im lặng, ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can, bị can được có luật sư tham gia từ sớm sẽ là những định chế tư pháp mới tiến bộ, bảo vệ tốt hơn quyền của bị can, giám sát kiểm soát việc điều tra tốt hơn, giúp phòng tránh oan sai.
Mặt khác khi đã xác định mục đích của nền tư pháp là nhằm đảm bảo công lý thì cần nghiên cứu học hỏi hệ thống tư pháp các nước xem họ đã thiết lập cỗ máy tư pháp thế nào để có được công lý. Cần nghiên cứu học hỏi quy định của các nước chỉ cho phép Tòa án mới được ra các lệnh bắt giữ, khám xét hay thu giữ đồ vật để tạo môi trường pháp lý an toàn cho các quyền công dân.
Ngoài ra là cần phổ biến sâu rộng cho đông đảo giới tư pháp và quần chúng biết về các chế định pháp lý mới và cách thực hiện, để kẻo xảy ra tình trạng quy định pháp lý đã có, đã tiến bộ song lại không được triển khai vào trong thực tế.
Xin cảm ơn ông!