Phiên tòa dự kiến diễn ra trong hai ngày do thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó chánh tòa hình sự TAND TP. Hà Nội làm chủ tọa.
Các bị cáo được dẫn đến tòa từ rất sớm- lúc 7g sáng, trong khi phiên tòa bắt đầu lúc 8g50.
Hơn 30 phóng viên không được vào phòng xử mà phải theo dõi phiên tòa qua màn hình tivi tại phòng riêng dành cho báo chí.
6 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (khoản 3, điều 281 Bộ Luật hình sự) với khung hình phạt từ 10 đến 15 năm tù gồm: Phạm Hải Bằng (46 tuổi, nguyên phó giám đốc Ban quản lý các dự án Đường sắt (RPMU) thuộc Tổng công ty đường sắt VN), Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên trưởng phòng thực hiện dự án 3, RPMU), Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên giám đốc RPMU), Trần Quốc Đông (51 tuổi, nguyên giám đốc RPMU, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN), Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên giám đốc RPMU) và Phạm Quang Duy (50 tuổi, nguyên phó giám đốc RPMU).
Bị cáo Phạm Hải Bằng tại tòa - Ảnh: chụp qua màn hình |
Không nhớ bao nhiêu lần nhận tiền
9g50, sau khi đại diện viện kiểm sát công bố xong bản cáo trạng, chủ tọa tiến hành xét hỏi bị cáo Phạm Hải Bằng (nguyên phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt thuộc Tổng công ty đường sắt VN).
Theo lời bị cáo Bằng, bị cáo được phân công là phó giám đốc phụ trách dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1) và là người chịu trách nhiệm chính về dự án.
Để triển khai dự án, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam ký hợp đồng tư vấn kỹ thuật dự án với phía Nhật Bản vào tháng 9-2009. Nhà thầu tư vấn Nhật Bản là liên doanh 5 công ty mà đứng đầu là Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản.
Trả lời HĐXX, bị cáo Bằng cho biết kinh phí ký kết hợp đồng, thuê hội trường... nhà nước đã có quy định về hạn chế kinh phí. Về nguyên tắc đơn giản thì hai bên ký với nhau, không bỏ nhiều kinh phí.
Lý giải với chủ tọa tại sao sau buổi ký hợp đồng, JTC lại chuyển cho Ban quản lý dự án đường sắt một khoản tiền, bị cáo Bằng cho biết vì đây là dự án lớn, mang lại tiếng tăm cho JTC nên họ đề nghị chi tiền để tổ chức lễ ký hợp đồng cho phù hợp với quy mô dự án. Phía Ban quản lý không đề nghị JTC chi tiền.
Sau khi ký hợp đồng, bị cáo Bằng không nhớ đã bao nhiêu lần nhận tiền và nhận bao nhiêu. Tổng số tiền Ban quản lý dự án đường sắt nhận là khoảng 11 tỷ đồng. Trong đó, cá nhân bị cáo nhận và chi tiêu khoảng 5 tỷ đồng. Số tiền này bị cáo không vào sổ sách theo dõi. Mỗi lần chi tiêu tiền, nhân viên của Bằng lập bảng chi tiêu Excel trên máy tính nhưng sau mỗi lần báo cáo xong với Bằng thì đều xóa đi.
Tòa đặt vấn đề số tiền nhận từ JTC bị cáo chi tiêu thế nào, bị cáo Bằng đáp: Dự án dài 28km với quy mô rất lớn, phải làm rất nhiều việc như lập hồ sơ quy hoạch chung một số ga lớn, thiết kế chi tiết tổng thể, liên quan đến nhiều ban ngành, nhiều tổ chức, thẩm định rất nhiều chuyên ngành, chi phí hội họp cho các đại biểu.
Có bao giờ bị cáo chủ động đặt vấn đề phía nhà thầu Nhật Bản chuyển tiền không?- Tòa hỏi. Bị cáo Bằng trả lời không.
Tòa công bố lời khai của một thành viên nhà thầu Nhật Bản: “Tại dự án này, trước khi bước vào đàm phán hợp đồng, ông Bằng đã yêu cầu Liên danh JKT ký hợp đồng với nhà thầu phụ, Bằng sẽ là người trung gian. Bằng nhận tiền dưới danh nghĩa là tiền giới thiệu nhà thầu phụ cho tôi. Tôi nghĩ chẳng phải ông Bằng đang làm béo bụng cá nhân ông ấy hay sao. Tôi cho rằng nếu từ chối yêu cầu đưa hối lộ, ông Bằng là người có quyền cao đến mức như vậy thì đừng nói đến việc tham gia đàm phán hợp đồng, có thể không thỏa thuận được các điều khoản về giá trị hợp đồng hay các điều kiện của hợp đồng ký kết, hoặc hợp đồng sẽ bị kéo dài….”
Bị cáo Bằng cho rằng không biết các nội dung này.
Tiền nhận hối lộ chỉ chi tiêu cho hội họp!?
Bí cáo Nguyễn Nam Thái tại tòa - Ảnh: T.L |
10g30, tòa thẩm vấn bị cáo Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên trưởng phòng thực hiện dự án 3, RPMU). Trả lời tòa, bị cáo Thái cho rằng bị cáo không trực tiếp nhận tiền từ JTC. Một lần Bằng gọi xuống phòng, bị cáo hiểu đấy là tiền Nhật Bản chuyển cho dự án. Bị cáo nhận gián tiếp từ bị cáo Bằng.
Theo bị cáo Thái, tiền của phía tư vấn chuyển cho các hoạt động của dự án nhờ ban quản lý dự án chi tiêu hộ một số việc. Ví dụ như hội họp, vì tất cả các cuộc hội họp dẫn đến việc tư vấn. Ngoài ra bị cáo không nhận khoản nào.
“Khi chi tiêu bị cáo không cho vào sổ sách. Mình làm đúng giúp cho công việc của dự án được trôi chảy. Sau khi làm việc với cơ quan điều tra thì bị cáo nhận thức là sai” - bị cáo Thái khai trước tòa.
10g40, tòa thẩm vấn bị cáo Phạm Quang Duy (40 tuổi, nguyên phó giám đốc RPMU). Duy thừa nhận hành vi chung là đúng. Về cá nhân bị cáo có cái sai.
Sau khi ban có báo cáo, bị cáo có đại diện cho Ban quản lý nhận 3 triệu yên phục vụ cho lễ ký kết hợp đồng. Bị cáo đi đổi ra 600 triệu tiền Việt, phục vụ dự án như in giấy mời, mua quà tặng… Bị cáo có tổng hợp và thông báo lại, nhưng không chi tiết như chế độ tài chính. Bị cáo thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, lúc đó bị cáo nghĩ cũng bình thường.
Duy khai nhận tiền ba lần, tổng số khoảng 2,2 tỷ. Khoản tiền đó bị cáo chi chung cho hoạt động của dự án như hội họp, thưởng tết cho cán bộ dự án, tham quan, nghỉ mát, công đoàn, thanh niên…
10g48, tòa thẩm vấn Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên giám đốc RPMU). Bị cáo Lục cho rằng điều tra viên có khi ghi lời khai không chính xác. Theo bị cáo, trong quá trình ký hợp đồng có khoản chi phí hội họp, hội thảo để tiến hành hợp đồng, dự án nào cũng thế cả.
Chủ tọa: “VN thuê người ta tư vấn thiết kế thì phải trả tiền cho người ta chứ sao bị cáo lại nói dự án nào họ cũng phải chuyển tiền. Nếu người ta đưa lại cho mình, bị cáo nhận thức tiền đó tiền gì?” “Bị cáo nhận thức đó là nhà thầu chi trả tiền chi phí thuê hội trường, chi phí tổ chức hội thảo...”- bị cáo Lục đáp.
10g57, trả lời tòa, bị cáo Trần Quốc Đông (51 tuổi, nguyên giám đốc RPMU, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN) cho rằng mình không lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Dịp tết, khi bị cáo Bằng đưa cho bị cáo 30 triệu đồng, bị cáo nghĩ phong tục người VN, thực tế cuộc sống thì việc người thân quen có biếu quà nhau là phổ biến nên bị cáo nhận, không suy nghĩ gì sâu.
Bị cáo Trần Quốc Đông tại tòa |
* Vụ án bắt nguồn từ tháng 3-2014, khi báo The Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) đưa tin Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) chi 80 triệu Yên cho các cán bộ thuộc Tổng công ty Đường sắt VN.
Ngay sau đó, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an phối hợp với Viện KSND tối cao, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Ngoại giao chủ động xác minh và liên hệ với các cơ quan chức năng phía Nhật Bản để thu thập hồ sơ tài liệu.
Tháng 5-2014, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam bốn bị can là lãnh đạo Ban quản lý các dự án Đường sắt.
Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định năm 2008, Bộ Giao thông Vận tải có quyết định phê duyệt Dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1). Tổng công ty Đường sắt VN giao cho Ban quản lý các dự án Đường sắt Việt Nam (RPMU) làm chủ đầu tư quản lý dự án.
Tháng 9-2009, Tổng công ty đường sắt Việt Nam ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án với Liên doanh do Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đứng đầu.
Hợp đồng tư vấn sau đó đã được điều chỉnh nâng tổng giá trị lên 3,6 tỷ Yên Nhật và 236 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay ODA và vốn đối ứng của VN.
Quá trình thực hiện hợp đồng, Phạm Hải Bằng, Giám đốc RPMU nêu khó khăn của RPMU về chi phí triển khai thực hiện dự án và được đại diện JTC đồng ý hỗ trợ. Thực tế, JTC đã hỗ trợ khoảng 11 tỷ đồng.
Trong số đó, Phạm Hải Bằng quản lý sử dụng 4,8 tỷ đồng. Số tiền này các bị cáo khai đã sử dụng vào các hoạt động liên quan đến dự án như chi phí tổ chức lễ ký kết hợp đồng, hội họp, tiếp khách, đối ngoại, nghỉ mát, thưởng ngày lễ cho nhân viên, hỗ trợ công đoàn... Việc sử dụng tiền các bị cáo không mở sổ sách theo dõi, không báo cáo Tổng công ty Đường sắt VN.
Cáo trạng xác định hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn thỏa thuận nhà thầu JTC chi tiền ngoài hợp đồng của Phạm Hải Bằng và các cán bộ RPMU để sử dụng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của VN, ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa VN và Nhật Bản trong việc vay vốn và sử dụng vốn vay ODA.
Hiện do phía Nhật Bản xử lý nhà thầu JTC nên đã làm ngưng trệ việc thực hiện dự án. Quá trình điều tra, các bị can đã tự nguyện nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để khắc phục hậu quả.
Tòa đang tiến hành phần thủ tục thẩm tra lý lịch các bị cáo.
Làm thủ tục dự tòa - Ảnh: T.L. |
Các phóng viên theo dõi phiên tòa qua màn hình tại phòng dành cho báo chí -Ảnh: T.L. |
Theo Tuổi trẻ