Tổng cục Thuế đã gửi công văn đến UBND, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Cục thuế, nơi có siêu thị BigC, yêu cầu rà soát lại các quy định trước khi cấp giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh, thay đổi thông tin người đại diện theo pháp luật của BigC.
Ngày 29/4/2016, thông cáo báo chí của tập đoàn Casino (Pháp) công bố hoàn tất việc chuyển nhượng hệ thống siêu thị BigC Việt Nam cho tập đoàn Central Group (Thái Lan). Vấn đề hiện nay là nhà nước đang có nguy cơ thất thu thuế khi ước tính số tiền thuế thu được từ chuyển nhượng BigC lên tới 3.600 tỷ đồng.
Theo quy định của Việt Nam, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế là ngày thứ 10 kể từ ngày các bên thỏa thuận chuyển nhượng vốn, nhưng đến nay, kể từ ngày hai bên chuyển nhượng, cơ quan thuế vẫn chưa nhận được hồ sơ kê khai và nộp thuế.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế lại tỏ ra tự tin vào khả năng truy thu thuế đối với thương vụ này. “Căn cứ vào quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, có thể nói thu nhập phát sinh từ chuyển nhượng hệ thống BigC Việt Nam là có nguồn gốc từ Việt Nam và phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, điều này phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam cũng như quy định của các Hiệp định về thuế và thu nhập từ chuyển nhượng. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế sẽ có những phân tích, đánh giá và những biện pháp để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước sở tại,” ông Nguyễn Đại Trí nói.
Các công ty có liên quan đến thương vụ này đều nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhưng hệ thống Big C Việt Nam có phát sinh thu nhập từ Việt Nam nên khi chuyển nhượng hệ thống này, nhà đầu tư phải nộp thuế. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định rõ số tiền thuế được tính trên cơ sở lấy tổng trị giá chuyển nhượng trừ tổng vốn đầu tư và các chi phí sau đó nhân với mức thuế suất 20%.
Điều 1 của Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 6-8-2014 quy định rằng tổ chức nước ngoài thuộc đối tượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm tổ chức nước ngoài thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh phân phối hàng hóa tại Việt Nam, trong đó tổ chức nước ngoài vẫn là chủ sở hữu đối với hàng hóa giao cho Việt Nam hoặc chịu trách nhiệm về chi phí phân phối, quảng cáo, tiếp thị chất lượng hàng hóa giao cho tổ chức Việt Nam hoặc ấn định giá bán hàng hóa. Đây có lẽ là cơ sở pháp lý tốt nhất để Tổng cục Thuế viện dẫn, từ đó xem Công ty Cavi Retail (công ty con của Casino) là đối tượng nộp thuế.
Ông Trí cho biết, ngày 13/06 vừa qua, hệ thống BigC Việt Nam đã có văn bản gửi Tổng cục Thuế thông báo sau khi nhận được Công văn của Tổng Cục thuế, tập đoàn Central Group đã có công văn gửi tập đoàn Casino để thông báo về việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Tổng Cục thuế sẽ áp dụng biện pháp cụ thể trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật cũng như các cam kết quốc tế, trong đó Tổng Cục thuế sẽ tập trung vào các biện pháp như: Việc chuyển nhượng phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời xem xét liệu có khả năng hệ thống BigC đang trốn tránh kiểm tra hay không trong việc thực hiện thủ tục cấp giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ bằng cách lập nhiều cơ sở kinh doanh dưới mô hình BigC. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính cũng sẽ đề nghị có sự phối hợp từ các bộ, ngành có liên quan như Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cùng phối hợp thực hiện.
“Trước mắt, vào ngày 24/06 vừa qua, Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi UBND, Sở kế hoạch và Đầu tư và các Cục Thuế thuộc các tỉnh, thành có siêu thị BigC, rà soát lại các quy định trước khi cấp giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh, thay đổi thông tin người đại diện theo pháp luật của BigC. Đồng thời đề nghị UBND và Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố phối hợp với Cục Thuế yêu cầu BigC kê khai theo quy định trước khi thực hiện các thủ tục liên quan,” ông Nguyễn Đại Trí nói.
Trong một diễn biến mới nhất, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho hay vẫn chưa cấp phép cho BigC Đà Nẵng thay đổi người đại diện theo pháp luật sau khi hệ thống BigC Việt Nam đổi chủ từ Tập đoàn Casino sang Central Group.
Theo Infonet