Bị can có quyền yêu cầu ghi âm, ghi hình
Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích: “việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung nhằm bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung, bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo yêu cầu Hiến pháp”.
Biện pháp này cũng “đồng thời bảo vệ người hỏi cung, tránh bị vu cáo”.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện nước ta, dự thảo luật quy định việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra phải được ghi âm, ghi hình là phù hợp; còn tại các địa điểm tiến hành điều tra khác thì chỉ ghi âm hoặc ghi hình theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Điều 183 bộ luật quy định: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.
Để có thời gian chuẩn bị, đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ thực hiện ghi âm, ghi hình, Quốc hội thông qua Nghị quyết về thi hành Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), trong đó “giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung kể từ ngày 1-1-2017”.
“Chậm nhất đến 1-1-2019 thì thực hiện thống nhất việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc”.
Chấm dứt tình trạng “cấp phép bào chữa”
Một trong những quy định mới đáng chú ý của bộ luật này là Quốc hội đã quyết định bỏ thủ tục “cấp giấy chứng nhận bào chữa”, thay thế bằng thủ tục “đăng ký bào chữa”.
Liên quan đến “quyền im lặng”, Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định: người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
Theo giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định này là để “đơn giản hóa thủ tục xác nhận tư cách tham gia tố tụng của người bào chữa, tạo điều kiện cho họ thực hiện việc bào chữa, tránh nhận thức cho rằng phải có “cấp phép bào chữa”.
Theo Tuổi trẻ