Minh bạch việc xây dựng khung giá phí
Theo Thông tư mới vừa được Bộ Tài chính ban hành, kể từ ngày 1/12, các phương tiện lưu thông trên quốc lộ 5 (QL5) sẽ phải nộp mức phí từ 30.000 đến 160.000 đồng/lượt. So với trước, mức thu này tăng gấp từ 2-3 lần.
Tuy nhiên, Thông tư mới này còn thông báo, mức phí trên chỉ áp dụng đến ngày 31/3/2016, sau đó phí lưu thông tại QL5 tiếp tục điều chỉnh tăng lên từ 45.000 đồng đến 200.000 đồng/lượt xe. Trong khi đó, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mới đưa vào sử dụng được đánh giá có mức thu phí cao nhất cả nước.
Trước những thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 21/12, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho biết: "Khi thông xe tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, giá thu phí quá cao, nếu chạy 1 xe container hay xe tải từ Hải Phòng lên Hà Nội, cả đi cả về mất 1.000.000đ.
Nhưng có điều bất hợp lý hơn, trước đây, nếu các doanh nghiệp muốn giá cước rẻ hơn họ sẽ đi vào đường cũ, nhưng bây giờ con đường cũ giá thu phí cũng bị tăng lên. Điều này khiến người dân khó tránh được suy nghĩ có một hình thức ép các doanh nghiệp vận tải phải đi vào đường cao tốc.
Đây là một biện pháp rất cực đoan. Đáng lẽ phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có quyền lựa chọn, vì họ phải làm theo bài toán lợi nhuận, nhưng ở đây lại gây khó khăn, nên có thể sẽ khiến nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản".
Ông Liên phân tích thêm, đường QL5 cũ là tuyến đường dùng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư sửa chữa, nâng cấp lại. Các doanh nghiệp đã đóng phí bảo trì đường bộ trên từng đầu xe, nghĩa là số tiền đó phải để dùng nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường có nguồn vốn ngân sách, không thể có chuyện tăng thêm phí.
Cho nên, các doanh nghipp vận tải đã có văn bản kiến nghị lên nhà nước, khẳng định mức phí thu hiện nay là quá cao.
"Bản thân tôi cũng đã thử nghiệm đi xe 4 chỗ vào tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, giá cước đi vào tuyến đường tính ra khoảng 1.500đ/km, trong khi, tiền xăng chỉ 1.200đ/km. Như vậy phí cầu đường hiện nay đã cao hơn so với phí xăng dầu, vậy phải xây dựng giá thành vận tải như thế nào?
Đây cũng chính là câu trả lời cho các câu hỏi, vì sao lại có nghịch lý, xăng dầu giảm giá nhưng các doanh nghiệp khó có thể giảm được giá cước vận tải", ông Liên cho hay.
Một yếu tố quan trọng khác được ông Liên nhắc đến, đó chính là thử đem so sánh phí cầu đường của VN với Thái Lan, khi sang ngang, sẽ thấy giá cước của chúng ta đắt hơn rất nhiều. Còn nếu tính theo thu nhập quốc dân, thì giá cầu đường của chúng ta còn cao hơn nhiều lần so với Thái Lan.
"Ai cũng biết, muốn đường tốt thì phải đóng tiền, nhưng phải làm sao để nó tương đương với thu nhập quốc dân, bởi vì, ai cũng muốn đi đường tốt, nhưng phải phù hợp với mức sống của người dân'' - vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tâm tư.
Về tính minh bạch của việc xây dựng khung giá thu phí, ông Liên chỉ rõ: "Chúng tôi nghi ngờ tính minh bạch của việc xây dựng giá thành thu phí, nó không có cơ quan thẩm định độc lập để tính ra phí của nhà đầu tư.
Chúng tôi không phản đối việc thu phí để đầu tư nâng cấp đường vì đó là yếu tố quan trọng để thúc đấy phát triển, hòa nhập với thế giới, nhưng chỉ cần nó minh bạch, làm từ từ, phù hợp chi phí của người dân, còn bao vây tứ phía sẽ ảnh hưởng đến sản xuất".
Đường xấu vẫn thu phí
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Lê Văn Tiến - Hiệp hội Vận tải Hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho rằng, hiện nay các phương tiện vận tải cũng có sự mất cân bằng giữa cung và cầu, cung nhiều hơn cầu, khiến cho các doanh nghiệp không tự điều chỉnh để chấp hành theo mức phí thay đổi.
"Chúng tôi, có nhiều thắc mắc là bởi vì, đường QL5 được xây dựng bởi ngân sách nhà nước, tại sao lại tăng phí, khiến có sự chênh lệch rất nhiều so với các tuyến đường khác cùng đầu tư bằng tiền ngân sách.
Cũng chính vì vậy mà các doanh nghiệp vận tải hiện nay hầu như kinh doanh không hiệu quả, chỉ còn đủ tiền để trang trải phí cầu đường, thuê lái xe, khấu hao.
Bằng lòng, đường cao tốc đầu tư dưới hình thức BOT, tiền là vốn của tổ chức cá nhân thì họ phải thu phí để hoàn vốn, nhưng QL5 dùng tiền ngân sách, cũng là tiền thuế của dân đóng ra, giờ lại thu phí. Như vậy, có phải người dân đang dùng sản phẩm mình bỏ tiền ra mà vẫn mất phí, liệu có hợp lý?.
Trong khi, gánh nặng đè lên các doanh nghiệp vận tải, cuối cùng nó sẽ gây thiệt cho người tiêu dùng, đó chính là người dân khi sử dụng các dịch vụ", ông Tiến phân tích.
Đặc biệt, theo ông Tiến, hiện nay, tuyến đường QL5 vẫn đang xuống cấp nhiều, các nhà thầu vẫn đang nâng cấp, đảm bảo an toàn giao thông. Ở đây, đáng lẽ đường xấu là không được thu phí, nhưng nhà nước lại tăng phí để đầu tư, sửa chữa đường, như vậy là bất hợp lý.
Đứng ở góc độ quản lý chung, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam khẳng định: "Giá cước vận tải tuyến Hà Nội - Hải Phòng chắc chắn sẽ nâng lên đó là điều đương nhiên, nhưng tăng lên bao nhiêu thì thị trường sẽ quyết định.
Hiện nay, có hơn 1.000 doanh nghiệp vận tải hoạt động tại Hải Phòng thường xuyên đi lại trên QL5; từ khi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thông xe, tuy nhiên mức phí tại đây cao gấp 2,5 lần so với việc lưu thông trên QL5, nên đa phần doanh nghiệp vận tải vẫn chọn QL5 để lưu thông.
Việc tăng phí QL5 hiện nay có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, điều này xảy ra vào dịp cuối năm nên rất có thể giá cước vận tải cũng vì thế mà tăng theo.
Đường tốt đương nhiên sẽ không hao phí nguyên liệu, phụ tùng giảm, quan trọng nhất thời gian di chuyển sẽ giảm, nhưng mức phí quá cao, nên các doanh nghiệp vận tải cũng sẽ phải tính toán".
Ông Thanh chỉ lạ một điều, đó là có một nguyên tắc đường được đầu tư nâng cấp lên thì mới được thu phí, đường xuống cấp thì cơ quan quản lý phải kiểm tra, thấy rằng không được thì phải dừng không cho thu phí, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng đã khẳng định rõ.
Thế nhưng, ở đây đường xấu thì vẫn thu phí, thậm chí tăng phí là không chấp nhận được. Đặc biệt, thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải cũng phản ánh nhiều về việc xuống cấp, vì đó là tuyến đường huyết mạch ra biển của các tỉnh miền Bắc.
Tuy rằng hiện nay đã có đường cao tốc nhưng mức phí khá cao, nên các doanh nghiệp vẫn đang phân vân để lựa chọn đi theo tuyến đường nào để có hiệu quả kinh tế nhất.
Bởi các doanh nghiệp vận tải cũng không thể tăng giá tùy tiện, nhưng chắc chắn khi phải chịu phí cao thì họ sẽ tính toán lại giá cước. Gánh nặng lớn nhất lại đè lên vai người tiêu dùng, sử dụng dịch vụ vận tải.
Theo Đất Việt