LTS: Gặp chúng tôi vào một buổi chiều hè ở trụ sở của Hội truyền thông số Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp khiến người ngồi đối diện chẳng ai nghĩ ông đã nghỉ hưu được một khóa. Có lẽ, vị Bộ trưởng hay cho chữ "hợp" với mảng công việc này nên ông luôn tươi cười và không giảm đi độ nhiệt tình vốn có.
Ấy vậy, mở đầu câu chuyện với chúng tôi - những phóng viên trẻ của ngành Thông tin và Truyền thông, ông lại nói về một nỗi buồn mà theo ông chia sẻ: Nỗi buồn đó có từ khi đương chức. Ông buồn bởi có rất nhiều điều nói ra (cho đến giờ vẫn đúng) nhưng ông lại luôn ở dạng thiểu số, ý kiến ít được tiếp thu.
"Báo chí đi sau, người dân không cần đến báo chí nữa"
Ông Lê Doãn Hợp: Tại thời điểm Chính phủ cho các đơn vị kinh tế làm đa ngành, đa lĩnh vực, với tư cách là một thành viên Chính phủ, tôi là một trong những người rất băn khoăn. Lý do băn khoăn xuất phát từ quan điểm muốn đa ngành đa lĩnh vực thì phải có ba điều kiện: Thứ nhất là nhân - quả. Thứ hai là xâu chuỗi và thứ 3 là liên kết được với nhau. Như vậy, để làm đa ngành, đa lĩnh vực phải có điều kiện chứ không phải là thả tự do không điều kiện.
Và thời gian đã chứng minh trăn trở của tôi không sai. Vì không hội đủ 3 điều kiện nên nhiều doanh nghiệp đã không thành công, thậm chí thất bại. Hàng loạt các doanh nghiệp đầu tư ra ngoài ngành quá lớn và đó là những lĩnh vực không có kinh nghiệm, thị trường và kỹ năng quản lý. Cho đến giờ công việc thoái vốn để bảo toàn vẫn là một công việc dở dang của nhiều đơn vị kinh tế Nhà nước.
Với Bộ TT&TT, tôi là người khuyến khích nói những điều đúng. Nhưng cũng nên khuyến khích báo chí nói đúng về những điều sai, nói đúng điều sai sẽ có bài học để làm điều đúng nhiều hơn. Việc chưa động viên báo chí nói đúng những điều sai: trong chủ trương, đường hướng chỉ đạo, trong tổ chức thực hiện đã khiến chúng ta không kịp thời rút ra được những bài học cần thiết. Ví dụ như bất động sản có nhiều bài học, quản lý xây dựng cơ bản, quản lý nhà ở, quản lý tài nguyên khoáng sản v.v. Vì thế có lĩnh vực chúng ta đã sai, đang sai và tiếp tục sai.
- Diễn đạt theo cách khác, theo ý ông vừa nói, nói đúng về điều sai chính là sự phản biện đúng?
Chính là phản biện. Nó rất cần cho sự lãnh đạo của Đảng. Không có đảng cầm quyền nào có thể bao quát hết được mà đòi hỏi phải có sự góp ý, phản biện, giám sát của dân, của trí thức, của các nhà quản lý, các doanh nghiệp, của những người tâm huyết với đất nước. Nhờ sự phản biện đó mà Đảng có nhiều thông tin đa chiều để ít sai hơn.
Việc quản lý báo chí trong thời đại công nghệ thông tin, trong thời kỳ xã hội mạng đã trở thành phổ biến phải hoàn toàn khác. Nhưng chúng ta vẫn đang quản lý theo những kinh nghiệm truyền thống của thế kỷ 20. Đó là tư duy cái gì tốt thì đưa tin mà cái gì không tốt thì hạn chế đưa tin. Thế kỷ 20, người dân tiếp nhận thông tin chủ yếu qua báo chí nhưng thế kỷ 21, có cả mạng xã hội rộng lớn. Điều đó đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải đi trước mạng xã hội chứ không phải đi sau. Nếu đi sau mạng xã hội là đối phó, không kịp thời, như vậy người ta sẽ đọc mạng xã hội nhiều hơn. Đó là điều bất lợi.
Ví dụ như hiện tượng cá chết ở miền Trung vừa rồi, thông tin mạng đưa hết rồi nhưng báo chí nhà nước lại đi sau. Hay nhắc lại vụ Mường Nhé cách đây gần một nhiệm kỳ rồi, báo chí quốc tế đã đưa tin có cả nội dung phỏng vấn chủ tịch Điện Biên, nhưng báo chí trong nước thì lại chậm trễ là khó chấp nhận. Còn vụ cưỡng chế ở Hải Phòng, báo chí thế giới đưa tin nhưng báo in của Việt Nam lại không đưa tin... Như thế, ngay về mặt đối ngoại, thế giới nhìn Việt Nam rất khó hiểu. Lẽ ra mình chỉ cần đưa tin ban đầu rồi sau đó sẽ bổ sung dần, việc định hướng dư luận sẽ tốt hơn nhiều.
Chúng ta phải hiểu rằng những việc xảy ra trong nước, mà ta không đưa tin thì bên ngoài sẽ đưa tin. Như vậy thì đâu còn chức năng định hướng dư luận xã hội, đâu còn tiêu chuẩn tiên phong. Mà mất đi vai trò tiên phong là mất đi vị trí của mình. Trong xã hội, báo chí đi sau, người dân sẽ không dùng đến báo chí nữa. Với tư cách là một người làm truyền thông, tôi thấy rất nhiều điều phải quan tâm.
Nhiều việc phải chỉ đạo bằng mệnh lệnh hành chính khiến cho anh em báo chí lúng túng. Tôi cho rằng chỉ cần đưa ra quan điểm: đưa tin chính xác và có lợi cho đất nước (kể cả cái đúng và cái chưa đúng, cái đúng để phát huy, cái chưa đúng để rút kinh nghiệm), còn nếu đưa tin không chính xác sẽ xử lý. Như thế, báo chí sẽ năng động hơn và nghiêm túc hơn. Bởi báo chí luôn tự chịu trách nhiệm trước thông tin của mình, trước vận mệnh của đất nước và lợi ích của nhân dân thì mới sáng tạo. Chúng ta cho anh em "bầu trời để sáng tạo" chứ không nên cầm tay chỉ việc.
Bây giờ có 59% người đọc tin tức qua internet. Tức là có khoảng 52 triệu người đọc báo qua mạng trong khi đó số người đọc báo in chỉ có khoảng 5 triệu. Mà đa số người đọc thông tin trên mạng là thế hệ trẻ.
Báo chí chưa dũng cảm thể hiện đúng mình
- Qua những trường hợp trên, ông có nghĩ rằng trong những vụ việc ông kể ra để ví dụ cho việc báo chí trong nước chậm hơn so với báo chí nước ngoài có yếu tố "sợ" không?
Không hẳn là như thế. Tôi nói báo chí không phải sợ mà báo chí chưa dũng cảm thể hiện đúng mình. Với báo chí, tôi nghĩ không ai xử lý người nói đúng và cũng không ai xử lý người nói có lý, có tình. Tôi cho rằng báo chí phải dũng cảm hơn, nói có tình, có lý, nói trên tinh thần góp ý xây dựng, chứ không phải chỉ trích, phê phán theo kiểu khen thâm thúy, chê vùi dập thì sẽ khó thuyết phục.
Nếu báo chí tự cảm thấy nhạy cảm và không dám vào vùng nhạy cảm thì đó là không đúng. Tôi nghĩ tất cả những điều được coi là nhạy cảm thì đều phải làm rõ ràng. Nếu được làm rõ thì sẽ hết nhạy cảm. Bởi vì chính bản thân cái được gọi là nhạy cảm cũng làm cho xã hội lúng túng về mặt thông tin. Bây giờ dân trí cao, mình đừng sợ dân hiểu sai. Ngay cả những người nói không chính xác mà thiếu thiện chí, dân cũng nhận ra ngay.
- Nhân việc ông nói đến từ nhạy cảm, ở Việt Nam, từ này hay được gắn với các chữ nhạy cảm chính trị, nhạy cảm kinh tế... Vậy thì từ nhạy cảm này cần được xử lý thế nào ngoài việc tập trung làm rõ như ông đã nói?
Những vấn đề được coi là nhạy cảm thì Đảng và Nhà nước cần phải dồn sức, tập trung ưu tiên làm rõ. Ví dụ, vấn đề Biển Đông được coi là nhạy cảm thì phải tập trung làm rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta ít nhất là đến cấp Tổng biên tập. Chúng ta cần phải có cách nói thuyết phục. Khi đã rõ rồi, báo chí sẽ tác nghiệp dễ dàng hơn và nếu sai thì xử lý cũng dễ hơn.
Thứ hai là vấn đề kinh tế, các vụ án, khi đang điều tra hãy để các cơ quan tư pháp xử lý. Nếu xử lý rồi mà phát hiện ra những điểm chưa chính xác. Hãy để anh em báo chí góp ý, phản biện.
Hay là vấn đề về biểu tình cũng thế, đó là công cụ rất cần để biết lòng dân. Điều đó rất có lợi cho việc quản lý của Nhà nước. Hay như vấn đề luật về Hội cũng vậy: Hội là cánh tay nối dài của quản lý nhà nước, kênh hoạt động của hội chính là sự bù đắp thông tin cho quản lý nhà nước.
- Ông là người đi nhiều nước trên thế giới, trong lĩnh vực truyền thông của các nước mà ông đã đi qua có từ "nhạy cảm" không?
Gần như không có. Có nước còn không có Luật Báo chí. Tôi sang Úc, hỏi cơ quan quản lý báo chí của các vị là ai? Họ bảo chúng tôi không có cơ quan quản lý báo chí, dân sẽ là người quản lý. Viết hay viết đúng thì dân tin, dân mua, viết không hay, không đúng thì dân sẽ tẩy chay. Mà dân tẩy chay chắc chắn sẽ bị đào thải.
Về nguyên tắc, đã là báo chí thì phải nói đúng. Anh nói đúng thì sẽ được Nhà nước và người dân chấp nhận, ủng hộ. Còn nói sai thì sẽ bị xử lý nghiêm. Cái đúng có thể khiến ai đó mất lòng nhưng suy cho cùng, cái đúng sẽ có sức thuyết phục cao nhất.
Còn ở Việt Nam, chúng ta đang quản lý báo chí bằng mệnh lệnh hành chính hơi nhiều. Mà đã là mệnh lệnh hành chính thì người quản lý và người tác nghiệp đều khổ. Nếu Luật Báo chí không đầy đủ, luôn phải bù đắp bằng các mệnh lệnh hành chính thì đó là một nền quản lý tình thế, giật cục và làm cho báo chí nhiều lúc khó thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.
- Xin cảm ơn ông!