Ngán “mẫu” Nhà nước, ngư dân tự… đóng tàu cá vỏ thép

VietTimes -- "Với tôi, đã là tàu thì phải ít rung lắc nhất. Chứ ra khơi mà lắc như con dụ, anh em không ngủ nghê, không làm chi được thì tiền tỉ cũng bỏ" - ngư dân Nguyễn Sương - chủ tàu cá vỏ thép ĐNa 90767 TS nói đơn giản vậy về lý do… tự thiết kế chiếc tàu cá vỏ thép cho mình.
Ngán “mẫu” Nhà nước, ngư dân tự… đóng tàu cá vỏ thép

Lỗi thuộc về “truyền thống”!

Sáng 8/5, tại vịnh Mân Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng), tàu cá lưới rê vỏ thép ĐNa 90767 TS do ngư dân Nguyễn Sương (37 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) làm chủ đã được hạ thủy.

Hạ thủy một tàu cá, dù có thể là tàu được Nhà nước ưu đãi vốn vay, vốn dĩ không phải là sự kiện nổi bật. Ngay đến SBIC – doanh nghiệp đóng tàu lớn nhất Việt Nam – cũng không “khoái” đóng tàu cá cho nước nhà xem thêm

Đây cũng là “truyền thống” SBIC tiếp nhận lại từ Vinashin. Vì ngay cả trong giai đoạn hùng mạnh nhất, Vinashin cũng chưa bao giờ “nghĩ” chuyện đóng tàu cá. “Tàu chuột” là cách người Vinashin “định nghĩa” những con tàu trọng tải dưới 5000 tấn mà tập đoàn này không thèm đóng, chứ chưa nói tới tàu cá trọng tải chỉ vỏn vẹn vài trăm tấn.

Có lẽ vì thế, mà Việt Nam không có truyền thống đóng tàu cá vỏ thép – loại vật liệu vỏ giờ cũng đã lạc hậu trong ngành đóng tàu cá thế giới. Thế nên không có gì ngạc nhiên, khi vội vã khởi động chương trình đóng tàu cá xa bờ lần thứ 2, Bộ NNPTNT cũng vội vã không kém khi đưa ra 21 thiết kế mẫu. Và sự chưa có truyền thống này lập tức “phát huy tác dụng”, khi nhiều tàu đóng theo thiết kế mẫu, thì ngư dân lập tức phải đưa về để sửa chữa, hoặc trả lại tàu, trong đó có tàu do chính SBIC đóng.

Đây cũng chính là lý do tàu cá lưới rê vỏ thép ĐNa 90767 TS do ngư dân Nguyễn Sương trở nên đặc biệt. Chiếc tàu cá vỏ thép xa bờ này hoàn toàn được đóng theo… kinh nghiệm của ngư dân Nguyễn Sương. Nói cách khác, đó là chiếc tàu cá vỏ thép đầu tiên do ngư dân…tự thiết kế.

May cho chúng tôi, khi tìm được nơi hạ thủy tàu ĐNa 90767 TS, thì gặp ngư dân Nguyễn Sương vừa đi mua thiết bị về.  Những thiết bị này sẽ lắp trên chính tàu ĐNa 90767 TS, hoàn thiện những chi tiết cuối cùng cho kịp chuyến thử đường dài sắp tới.

Kiệm lời, ngư dân Nguyễn Sương vừa cắm cúi cùng thợ lắp đặt thiết bị, vừa nói nhát gừng: "Tui có 4 tàu gỗ, thì tàu (vỏ thép) này vẫn là mơ ước”. Khi có chủ trương hỗ trợ đóng tàu vỏ thép cho ngư dân vươn khơi, anh Sương đăng ký tham gia ngay. “Nhưng với thực tế hiện tại các mẫu tàu hiện có không hợp với thói quen đánh bắt khiến tôi phải tự tay thiết kế cho mình con tàu phù hợp" – anh Sương giải thích cho quyết định tự thiết kế tàu cho mình

Tất cả, từ chi tiết nhỏ như: hình dáng thân vỏ, bo mạn tàu, ca bin, ống xả khói,...cho đến máy móc, khoang chứa,... đều do tự tay anh Sương đưa ra ý tưởng và hoàn thành với sự trợ giúp của Công ty CP Thiết kế và Xây lắp Việt Nam, thuộc Đại học Hàng hải. Sau hơn 2 tháng hoàn thành, thiết kế con tàu đã được phê duyệt, sau hơn 6 tháng thi công, con tàu đã hoàn thành như ngày hôm nay.

"Made in” ngư dân"!

Tàu lưới rê vỏ thép ĐNa 90767 TS có công suất máy hơn 800CV, dài 25,20m; rộng 6,50m, mớn nước 3,5m, chiều chìm 2,5m, lượng chiếm nước 204,46 tấn, tốc độ di chuyển có thể đạt 15 hải lý/h, khi đủ ngư lưới cụ... con tàu ngốn hết tổng chi phí đóng tàu là 17,5 tỷ đồng. Đắt thế, nhưng anh Sương vẫn khoái, khi ước mơ bấy lâu của mình đã dần thành hiện thực.

Nhìn bề ngoài, tàu lưới rê vỏ thép ĐNa 90767 TS không khác gì những tàu vỏ gỗ hiện ngư dân vẫn khai thác. Nhưng anh Sương giải thích, thiết kế vỏ ngoài tàu nhằm giữ lại đặc tính tối ưu của tàu vỏ gỗ là thân bầu, tròn. Thiết kế này giúp những tàu trọng tải nhỏ đi biển xa ổn định và chịu sóng tốt hơn. Còn thực tế, thiết kế “nội thất” con tàu đã khác biệt hẳn tàu gỗ về chất lượng vận hành, khai thác.

Với ưu điểm nhẹ, máy công suất lớn đem lại lợi thế tốc độ và khả năng đánh bắt khá tốt cho tàu ĐNa 90767 TS. So với tàu gỗ cùng công suất máy, các khoang chứa hải sản của ĐNa 90767 TS lớn hơn, với sức chứa 60 tấn, tàu có khả năng kéo lưới dài hàng trăm mét, nặng đến 40 tấn. Tàu có 2 tời lưới công suất lớn cùng cẩu... giúp linh hoạt khi hoạt động, ca bin tàu thấp, hình dáng thân mạn quen thuộc giúp tàu lắc ít hơn khi đi biển.

Đặc biệt hệ thống sàn tàu được thiết kế và thi công bởi 3 lớp vật liệu. Gồm vỏ thép, xốp cách nhiệt và sợi composite giúp tàu cách nhiệt cũng như bền bỉ khi vươn khơi. Ngoài ra, tàu được trang bị hệ thống hàng hải hiện đại như máy định vị vệ tinh, máy Icom, tủ lạnh, tivi cho ngư dân… Và để vận hành con tàu này, chỉ cần 10 ngư dân chứ không phải quá nhiều như những chiếc tàu khác.

Tạo ra một thiết kế gần như khác biệt hoàn toàn trong hình dáng tàu vỏ gỗ, và cũng chẳng “theo” mẫu của Bộ NNPTNT, anh Sương cho rằng ngoài kinh nghiệm của gần 20 năm đi biển, thì mình chỉ là "ngư dân rặc", không biết mô tê chi chuyện thiết kế.

"Con tàu được thiết kế từ kinh nghiệm đi biển của tôi suốt gần 20 năm qua. Toàn bộ thiết kế của con tàu do tôi đưa ra ý tưởng. Nó giống như annh làm nhà vậy, bởi bên thiết kế có phải ngư dân đâu mà biết, mà hiểu chúng tôi cần chi. Vậy rồi sau hơn 6 tháng thi công, con tàu cũng hoàn thành, hạ thủy và chờ vươn khơi", anh Sương nói.

Gặng hỏi về sự khác biệt của tàu ĐNa 90767 TS so với mẫu tàu của Bộ NNPTNT, anh Sương tránh. Người nhận mình chỉ là "ngư dân rặt" đã trả lời quá đỗi thông minh thế này: "Với tôi, tàu bằng chi cũng vậy. Đã là tàu cá thì phải làm sao cho ít rung lắc nhất, ra khơi yên nhất. Chứ ra khơi mà lắc như con dụ, anh em không ngủ nghê, không làm chi được thì tiền tỉ cũng bỏ".

Nhật xét về nhu cầu có mẫu tàu “thuần Việt”, cho ngư dân Việt, anh Sương nói: “Thiết kế chi mà cái tàu cá ra biển lắc lên xuống, kéo lưới hỏng tời” là coi như..vứt. "Con tàu cá làm ra là làm cho ngư dân, nên có kiểu gì cũng phải phù hợp với ngư dân từ tập quán đánh bắt cho đến độ an toàn giữa biển. Thời gian quan nhì tàu cá của bà con mình bị bão, rồi bị tàu Trung Quốc đâm va, rồi bị chìm thì buồn lắm. Mỗi lần như vậy, tàu bị chìm, thiệt hại về tài sản không nói, mà tính mạng ngư dân cũng mong manh giữa biển. Nên ấp ủ muốn có một con tàu mạnh mẽ vươn khơi của tôi cứ lớn dần" - anh Sương tâm sự.

Nhưng ngắm nghía, khảo sát hết 21 mẫu của Bộ NN và PTNT vẫn thấy chưa mẫu nào phù hợp, thỏa mãn mình, anh Sương quyết định đề đạt với trường ĐH Hàng hải Việt Nam để đóng một chiếc tàu cá vỏ thép phù hợp với chính thói quen đánh bắt nghề lưới rê tổng hợp của mình. Nghĩ là làm, cứ vậy anh Sương miệt mài cùng đơn vị thiết kế suốt mấy tháng liền để có chiếc tàu cá mang hình hài như hiện tại.

"Bây giờ hắn ri đây!. Máy Nhật mới nguyên, có cả máy phụ; Máy nén làm lạnh; Ống khói xả 2 bên như tàu quân sự; tàu có mương thả lưới, kéo lưới 2 bên mạn bằng 2 tời, có khoang chứa lưới, két đựng nước ngọt; chiều cao cabin, lườn tàu...theo ý mình. Nhất là hầm chứa lên đến 60 tấn, kín khít, bảo đảm an toàn khi có sự cố, cũng như bảo quản cá đạt chất lượng tốt nhất suốt thời gian vươn khơi", anh Sương chia sẻ.

Nói về việc mạnh dạn thiết kế tàu theo ý mình, anh Sương cho hay: "Đơn vị thiết kế thì họ chỉ thiết kế thôi, chứ kinh nghiệm và yêu cầu của ngư dân làm sao họ hiểu được. Nên khi thiết kế, hình thành nên con tàu này tôi cùng họ đưa ra ý tưởng về chiếc tàu lưới rê tổng hợp này. Tất cả hoàn toàn khác mẫu tàu của Bộ NN và PTNT đưa ra, chỉ có kích thước tổng thể thì theo quy định của Bộ mà thôi. Từ chiều cao cabin, kết cấu bo lườn, các khoang lưới, khoang cá,... tất cả đều do tôi đưa ra và thể hiện bởi đơn vị thết kế. Chứ mẫu của Bộ hoạt động kém quá, mà chạy cũng có được đâu do quá lắc, không phù hợp nên không dùng được".

"Tàu ni ra khơi thành công thì tôi sẽ đóng tiếp, trước mắt thì cứ vậy đã. Và phải ra khơi thì mới đánh giá được hiệu quả, chất lượng của thiết kế. Nhưng tôi tin là con tàu sẽ chạy tốt và ổn định. Sau khi đi biển về, anh em mô thấy hiệu quả, thích thì tôi sẵn sàng chia sẻ thiết kế của mình. Miễn sao có nhiều tàu cùng với mình vươn khơi bám biển là chia sẻ hết", anh Sương tâm sự.