Vì sao chậm ra luật?
Thưa ông, nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua của mình, ông có thấy mình còn nợ với cử tri điều gì không?
- Tôi là đại biểu Quốc hội (QH) kiêm nhiệm. Theo quy định thì đại biểu kiêm nhiệm phải dành ít nhất 30% thời gian cho hoạt động QH. Thời gian cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là anh có dành tâm trí, tâm huyết, tâm sức, suy nghĩ, trăn trở cho công việc của một đại biểu hay không, chứ không phải cứ chờ đến tháng 5, tháng 10, khi kỳ họp diễn ra mới dành thời gian cho hoạt động QH. Về vấn đề này, tôi tự thấy mình đã dồn nhiều tâm trí và sức lực cho hoạt động QH; thời gian là hơn 30% khá nhiều.
Còn việc mình đã làm được hết những gì mình muốn làm với vai trò là một đại biểu hay chưa, thì tôi thấy là chưa. Bởi vì có những điều mình mong muốn bày tỏ sâu hơn, nhiều hơn thì không có điều kiện, thậm chí có những điều mình muốn đấu tranh, tranh luận quyết liệt hơn nữa nhưng cũng chưa làm được. Trong tổng kết hoạt động của QH, Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua, ngoài việc khẳng định những vấn đề đã làm tốt, QH, Chính phủ vẫn cho rằng, QH, Chính phủ còn nợ người dân những việc chưa làm tốt. Vì vậy, với vai trò của một đại biểu, mình cũng thấy còn nợ cử tri nhiều điều.
Trên diễn đàn QH nhiệm kỳ vừa qua ông là một trong những đại biểu phát biểu nhiều vấn đề hết sức tâm huyết, chỉ ra những bất cập vướng mắc trong việc thực thi công vụ; nói lên những bức xúc, tâm tư nguyện vọng của cử tri, được cử tri cả nước đánh giá cao. Nhưng thưa ông, thay vì “nói mạnh” QH phải ra những bộ luật để điều chỉnh các hành vi mà nhân dân đang đòi hỏi, đang bức xúc ấy. Tuy nhiên có những bộ luật quan trọng như Luật về hội, Luật Biểu tình, thì QH lại chậm trễ ban hành. Như vậy, vô hình trung, chính QH lại đang là tác nhân gây ra những bức xúc ấy?
- Ở đây có hai vấn đề khác nhau: làm luật và thực thi luật. Để giải quyết một số vấn đề lớn, vấn nạn của đất nước thì chúng ta phải xây dựng luật pháp, phải hoàn thiện thể chế. Điều đó đúng nhưng chưa đủ vì trong vấn đề luật pháp và thể chế có việc ban hành và thi hành luật pháp. Hai vế này phải song hành với nhau. Luật pháp và thể chế chưa tốt thì tác động xã hội chưa đầy đủ, nhưng mà luật pháp tốt rồi thì khâu con người tổ chức thực hiện mà chưa tốt thì luật pháp ấy chủ yếu nằm trên giấy.
Tôi đồng ý rằng muốn thay đổi, cải thiện một số vấn đề của cuộc sống, của đất nước trước hết phải làm luật cho tốt, nhưng tôi xin nhấn mạnh thêm rằng ở đâu cũng vậy, nhất là đất nước ta, phải tổ chức thực hiện luật pháp cho tốt.
Trên lý thuyết thì là như vậy, nhưng trên thực tế có những bộ luật đáng ra phải được thông qua từ 5, 10 năm trước, nhưng cơ quan soạn thảo hết lần này đến lần khác xin hoãn mà QH cũng chấp nhận đấy thôi, thưa ông!
- Đúng là có những đạo luật đã đề ra trong nghị quyết, chương trình, kế hoạch của QH nhưng đã không thực hiện được. Khi chúng ta ban hành Hiến pháp 2013, chúng ta nói rằng, có một điểm tiến bộ rất lớn so với các Hiến pháp trước đây. Đó là sự công nhận các quyền con người như những quyền tự do, dân chủ phổ quát, do đó được quy định tại chương 2, chỉ sau chương 1 về chế độ chính trị.
Để thực thi Hiến pháp thì phải nhanh chóng làm những đạo luật để đưa những quyền hiến định ấy thành hiện thực và tạo ra động lực mới cho xã hội, cho người dân. Tuy nhiên chúng ta lại chậm triển khai. Tôi có đọc lại Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị năm 2005 về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” thì thấy Nghị quyết này đã đề ra nhiệm vụ là xây dựng Luật Biểu tình. Tức là đã 10 năm rồi, và đây là nhiệm vụ của QH khóa XII, chứ không phải của khóa XIII, nhưng rồi khóa XIII, thậm chí đưa ra lấy ý kiến cũng chưa làm được chứ chưa nói gì đến việc thông qua.
Rõ ràng đây là những bất cập, vừa chậm trễ, vừa thiếu quyết tâm trong việc thông qua quyền lập pháp để tạo ra động lực mới nhằm giải quyết những vấn nạn xã hội. Pháp luật không hoàn thiện, không đồng bộ đã cản trở, hạn chế việc giải quyết những yếu kém, tiêu cực của đất nước, trong đó có vấn đề tham nhũng, bộ máy hành chính tiêu cực…
Vậy, đâu là nguyên nhân của việc chậm trễ này thưa ông?
- Một trong những nguyên nhân chính là do cơ cấu QH của chúng ta tương đối đặc thù. Nhiều ý kiến cho rằng, thành phần trong QH từ phía hành pháp là quá đông. Mà các đại biểu QH từ phía hành pháp đều là kiêm nhiệm. Chính phủ lại là cơ quan soạn thảo và trình dự thảo luật, trong khi nhiệm vụ chính là quản lý về hành chính công. Không phải cứ là cán bộ quản lý một lĩnh vực thì sẽ đủ trình độ và kỹ năng soạn thảo luật.
Thực tế cho thấy, chính phủ luôn bị quá tải trong việc hoàn thành tiến độ soạn thảo luật, và chất lượng một số dự thảo cũng không cao. Chưa kể, việc giao chính phủ chủ trì soạn thảo và trình dự án luật cũng ảnh hưởng đến nội dung của các đạo luật. Ví dụ trong một số đạo luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, pháp luật về đất đai, thuế, hải quan, kể cả pháp luật về tố tụng, điều tra hình sự có biểu hiện dành thuận lợi nhiều hơn cho cơ quan quản lý nhà nước, gây phiền hà, chậm trễ cho người dân, cho doanh nghiệp.
Cần thay đổi quy trình làm luật
- Xin nói cho rõ, tôi đã đề nghị cho tôi, với tư cách thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam, được huy động các luật sư, luật gia tham gia soạn thảo Luật Biểu tình, nếu chính phủ bị quá tải. Như tôi đã nói, cách xây dựng luật pháp của chúng ta hiện nay nhiều khâu, đặc biệt là những khâu như điều tra, khảo sát, đánh giá tác động... chủ yếu dựa vào chính phủ, mà chính phủ thì công việc chính là quản lý, điều hành. Vì vậy việc tập trung lực lượng cho quá trình xây dựng luật chắc chắn bị hạn chế.
Theo tôi, chúng ta cần thay đổi quy trình làm luật. Thay vì giao cho chính phủ, QH nên nắm lấy quyền xây dựng các ban soạn thảo luật và thông qua các ủy ban chuyên trách của mình để xây dựng pháp luật. QH có các ủy ban chuyên trách với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn khá cao. .
Ngoài ra, QH hoàn toàn có quyền, có nguồn lực để huy động các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực, nhiều tầng lớp xã hội. Ví dụ khi xây dựng một đạo luật cụ thể nào đó, QH có thể thành lập một ban soạn thảo, mời các chuyên gia giỏi nhất trong các lĩnh vực ấy, mời các nhà khoa học, có thể mời cả các chuyên gia giỏi đã từng quản lý, điều hành các lĩnh vực ấy nhưng đã nghỉ hưu, cùng tham gia. Như thế vừa tận dụng được kinh nghiệm, trí tuệ của xã hội, vừa sát với thực tế của cuộc sống. Như vậy quá trình soạn thảo luật sẽ không còn bị phụ thuộc vào bộ này hay bộ kia.
Như ông nói, QH của chúng ta có quá nhiều đại biểu của cơ quan hành pháp. QH khóa XIV tới chắc sẽ vẫn là như vậy. Nếu muốn thay đổi quy trình làm luật sao chúng ta không tạo điều kiện rộng hơn nữa để các tầng lớp nhân dân có thể tham gia nhiều hơn vào QH?
- Đúng là chúng ta cần có cơ chế để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các tầng lớp nhân dân, nhất là cần tăng số lượng những người ngoài Đảng tham gia ứng cử để lựa chọn được những đại biểu xứng đáng vào QH. Trong 90 triệu dân chỉ có vài triệu đảng viên, nên không thể nói trong gần 90 triệu dân còn lại không có người đủ tài đức để ra tranh cử. Mở cơ chế rộng hơn để nhiều người tham gia hơn. Tức là cử tri có nhiều sự lựa chọn hơn.
Tuy nhiên cũng có một thực tế là sự lựa chọn của cử tri cũng phải hết sức kỹ càng. Bởi nếu không sẽ lọt vào QH những đại biểu mà cả nhiệm kỳ hầu như không bao giờ phát biểu. Mà đối với đại biểu QH, phát biểu là rất quan trọng. Trước khi thông qua một đạo luật, quyết định một vấn đề hệ trọng, cần có ý kiến phân tích, thảo luận, tranh luận để luật ra đời được chặt chẽ, sát với cuộc sống, những vấn đề hệ trọng của đất nước được quyết định đúng đắn, chứ nếu chỉ làm mỗi việc “bấm nút” thì người phát biểu hay không phát biểu gì cũng chỉ có một phiếu mà thôi.
Hơn nữa người dân không thể chấp nhận những người vào QH mà lại có những hành động cá nhân chủ nghĩa, trong khi lẽ ra phải nỗ lực suy nghĩ, tích cực phát huy sáng kiến, góp sức tìm tòi giải pháp vì lợi ích chung của đất nước và nhân dân.
Xin cám ơn ông!