Theo tính toán sơ bộ, khi hoàn thiện cơ chế một cửa Quốc gia và kết nối kỹ thuật với cơ chế một cửa ASEAN, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiết kiệm được 3/4 thời gian làm thủ tục thông quan, giảm chi phí nhiều tỉ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khối ASEAN sẽ tăng lên rõ rệt.
Mặt khác, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai đầy đủ cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết và lộ trình thực hiện của các nước ASEAN; sẵn sàng về mặt kỹ thuật để kết nối và trao đổi thông tin với các đối tác thương mại khác ngoài ASEAN theo các hiệp định và thỏa thuận mà Việt Nam tham gia.
Đối với cấp quốc gia, trong giai đoạn 2016-2020, tất cả thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh sẽ được thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Việc thực hiện sẽ được mở rộng về cả phạm vi và quy mô cho tất cả bộ, ngành.
Tổng cục Hải quan đã đặt ra các chỉ tiêu thực hiện trong giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao nhất đối với 100% thủ tục hải quan chủ yếu (mức độ 3 hoặc 4 tương ứng với từng thủ tục).
Dự kiến, trong tháng 10 này, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ kết nối cơ chế một cửa Quốc gia trong lĩnh vực cấp phép nhập khẩu thiết bị thu, phát sóng vô tuyến điện. Tiếp đó sẽ là các Bộ KH-CN, Bộ TN-MT, Bộ VH-TT và DL, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế...Có thể nói, việc hoàn chỉnh Cơ chế một cửa Quốc gia là điều tất yếu khi Việt Nam tham gia vào thị trường chung, đồng thời sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cả về thời gian và tài chính cho doanh nghiệp Việt Nam.