Trung Quốc thiếu tự tin do yếu pháp lý

Trung Quốc đang ngày càng bị áp lực lớn từ vụ kiện do Philippines khởi xướng. Như một học giả Viện Chatham House của Anh đã chỉ ra, chính sự “phẫn nộ” và mạnh miệng của Bắc Kinh về vụ kiện và vấn đề Biển Đông càng phơi bày sự thiếu tự tin về mặt pháp lý của Trung Quốc.
Trung Quốc ráo riết bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Trung Quốc ráo riết bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Những ai “về hùa” Trung Quốc tranh chấp Biển Đông?

Các nước công khai ủng hộ phán quyết của Tòa                                        

Mỹ hiện vẫn là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với vụ kiện của Philippines. Chính quyền Mỹ từ các tất cả các cấp phó trợ lý và trợ lý bộ trưởng, thứ trưởng, bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng cho đến Tổng thống Obama đều đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi tất cả các bên có nghĩa vụ tôn trọng và tuân thủ phán quyết sắp tới của Toà phân xử trên cơ sở UNCLOS. Ở Quốc hội, nhiều nghị sỹ ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã đề xuất dự thảo Mỹ tăng cường hỗ trợ an ninh cho các nước Đông Nam Á, mở rộng hoạt động quân sự của lực lượng Mỹ ở Biển Đông và thể hiện lập trường mạnh mẽ hơn để gia tăng trọng lượng cho vụ kiện của Philippines.

Ngày 3/6, phát biểu trước thềm Hội nghị Shangri-La, Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện John McCain cũng kêu gọi các nước Châu Á ủng hộ các tuyên bố của Mỹ về tính chất ràng buộc của phán quyết từ Toà trọng tài, đồng thời cảnh báo Trung Quốc sẽ phải đối mặt với chỉ trích nặng nề từ thế giới nếu không tuân thủ phán quyết.

Các nước G7 khác bao gồm Nhật, Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh đã thể hiện sự ủng hộ đối với vụ kiện và phán quyết của Toà trọng tài thông qua nhiều tuyên bố chung, bao gồm Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao G7 về An ninh biển ngày 11/4 tại Hiroshima và Tuyên bố của Lãnh đạo các nước G7 sau Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Ise-Shima ngày 26-27/5.

Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao G7 về An ninh biển ngày 11/4 tại Hiroshima “kêu gọi tất cả các quốc gia tiến hành quản lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp biển trên tinh thần thiện chí và phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm thông qua các cơ chế giải quyết tranh chấp pháp lý được quốc tế thừa nhận, bao gồm tòa trọng tài... và thực thi đầy đủ bất kỳ phán quyết nào của tòa – phán quyết ràng buộc pháp lý đối với các quốc gia liên quan theo UNCLOS.”

Nhật không chỉ công khai ủng hộ phán quyết của Toà trọng tài mà còn tích cực vận động một số nước nhỏ ra tuyên bố ủng hộ vụ kiện và quyết định cuối cùng của Toà. Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa trong chuyến thăm của Rajapaksa đến Nhật 7-8/9/2014 khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không và việc “giải quyết hoà bình các tranh chấp theo nguyên tắc luật quốc tế”. Thông cáo báo chí chung của Nhật và Đông Timor (ngày 15/3) trong chuyến thăm của Tổng thống Đông Timor Taur Matan Ruak đến Nhật ngày 13-16/3/2016 cũng nêu Tổng thống Taur Matan Ruak và Thủ tướng Shinzo Abe đã đề cập vụ kiện đang diễn ra của Philippines trong cuộc họp chung và cho rằng “phán quyết của Toà là có tính ràng buộc về pháp lý đối với các bên liên quan”.

Nhóm các nước G-7 đã lên tiếng quan ngại về Biển Đông bất chấp sự phản đối của Trung Quốc
Nhóm các nước G-7 trong hội nghị thượng đỉnh mở rộng ở Nhật Bản đã lên tiếng quan ngại về Biển Đông bất chấp sự phản đối của Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu tại Hội nghị Shangri-La khẳng định “nếu luật pháp không được tôn trọng ở Biển Đông thì sớm muộn nó cũng bị đe doạ ở Bắc Băng Dương, Địa Trung Hải và các khu vực khác”. Trong bài phát biểu tại Học viện Quốc phòng Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam (6/6), Bộ trưởng Le Drian cũng nêu rõ: UNCLOS là câu chuyện cốt lõi trong vụ kiện ra Toà trọng tài liên quan đến Trung Quốc và Philippines.  Ngoài ra, sau Hội nghị G7 tại Nhật Bản ngày 26/5, báo die Welt của Đức dẫn lời Thủ tướng Angela Merkel nêu rõ: G7 nhất trí coi các thể chế quốc tế như Toà trọng tài ở La Hay là nơi hợp pháp để giải quyết các tranh chấp như ở Biển Đông.

Trước đó, trang web của chính phủ Philippines cũng đưa tin trong cuộc hội đàm ngày 3/12/2015 với Tổng thống Aquino III, Tổng thống Ý Sergio Mattarella bày tỏ sự ủng hộ đối với tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và khẳng định vụ kiện của Philippines là một biện pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp. Riêng Anh, Thủ tướng David Cameroon khi đến dự Hội nghị G7 tại Ise-Shima cũng đã đưa ra thông điệp cứng rắn nhất từ trước tới nay, nhấn mạnh Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết của Toà và khẳng định Anh rất quan tâm đến việc các nước tôn trọng luật pháp quốc tế.

ÚcNew Zealand cũng đã công khai bày tỏ ủng hộ đối với vụ kiện và tính pháp lý của phán quyết của Toà trọng tài. Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop phát biểu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) ngày 26/1/2016 đã khẳng định phán quyết của Toà trọng tài trong vụ kiện của Philippines có ý nghĩa “hết sức quan trọng”, sẽ giúp “giải quyết một lần và mãi mãi câu hỏi liệu một đảo nhân tạo có thể tạo ra vùng đệm 12 hải lý hay không”.

Ngay trước chuyến thăm Trung Quốc tháng 2/2016, Bishop cũng tuyên bố Philippines có quyền tìm cách giải quyết tranh chấp thông qua Toà trọng tài và kêu gọi tất cả các bên liên quan không sử dụng các biện pháp cưỡng ép hoặc đe doạ ở Biển Đông. Trong hai bài phát biểu tại Singapore (9/3) và Sydney (15/3) được đăng công khai trên trang web của chính phủ New Zealand, Bộ trưởng Ngoại giao Murray McCully cũng lần đầu tiên nêu quan điểm chính thức là New Zealand “mong đợi tất cả các bên tôn trọng phán quyết” của Toà trọng tài.

EU cũng đã nhiều lần bày tỏ quan điểm ủng hộ luật pháp quốc tế và phán quyết của Toà trọng tài đối với vụ kiện Philippines-Trung Quốc. Tại hội thảo “Tăng cường hợp tác Mỹ-EU ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương” do CSIS tổ chức tháng 2/2016, Tham tán chính trị của Phái đoàn EU tại Washington, DC là Klaus Botzet khẳng định EU ủng hộ nỗ lực của Mỹ đảm bảo duy trì luật pháp quốc tế ở Châu Á, kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và phán quyết của Toà trọng tài và không nên xem nhẹ dư luận thế giới.

Tuyên bố của Cao uỷ Đối ngoại EU ngày 11/3/2016 trước những diễn biến gần đây ở Biển Đông nêu rõ: “EU khuyến nghị các bên yêu sách tiến hành giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, làm rõ căn cứ và theo đuổi yêu sách phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS và cơ chế Trọng tài của UNCLOS”. Đại diện EU tham gia Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước G7 tại Hiroshima cũng đã ký vào Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao G7 về An ninh hàng hải ngày 11/4, công nhận việc sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế bao gồm Toà trọng tài là phù hợp với luật pháp quốc tế và kêu gọi tất cả các bên thực thi đầy đủ các phán quyết có tính ràng buộc của Toà.

Ngày 22/6, Uỷ ban Châu Âu (EC) đã ra dự thảo Định hướng khung chính sách của EU với Trung Quốc trong 5 năm tới, trong đó đề cập quan ngại của EU về tranh chấp biển, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng UNCLOS và cơ chế phân xử toà trọng tài dựa trên UNCLOS (đang chờ các nước EU thông qua trước khi trở thành tài liệu chính thức).

Ngày 30/6, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) ở Brussels, Bỉ, Cao ủy về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU Federica Mogherini đã công bố “Chiến lược Toàn cầu mới về Chính sách Đối ngoại và An ninh Châu Âu”. Với tiêu đề “Tầm nhìn chung, Hành động chung, vì một Châu Âu hùng mạnh”, bản chiến lược toàn cầu mới của EU có nội dung khẳng định “EU sẽ đóng góp cho an ninh biển toàn cầu dựa trên kinh nghiệm đã có tại Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải và khám phá các khả năng khác tại Vịnh Guinea, Biển Đông và Vịnh Malacca. Là một thành viên chịu trách nhiệm về an ninh thế giới, EU sẽ nỗ lực thúc đẩy hơn nữa việc phổ biến và thực thi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, bao gồm các cơ chế giải quyết tranh chấp dựa trên Công ước”.

Bên cạnh đó, tuyên bố của Cao uỷ Liên minh Châu Âu ngày 11/3/2016 cũng cho biết các ứng cử viên gia nhập EU là MontenegroAlbania, và nước có khả năng gia nhập EU là Bosnia-Herzegovina, thành viên Hiệp hội Mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA) là Liechtenstein, và Cộng hoà Moldova đều ủng hộ tuyên bố của EU ngày 11/3. Gần đây, Tân Hoa Xã ngày 20/5 đưa tin Chủ tịch Thượng viện Bosnia-Herzegovina Ognjen Tadic trong cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang và Du Chính Thanh đã tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông, tuy nhiên trang web của Đại sứ quán Bosnia-Herzegovina tại Trung Quốc đưa tin về cuộc gặp không hề nhắc đến vấn đề này.

Ngoài ra, tướng Petr Pavel, nguyên Tổng tham mưu trưởng quân đội Cộng hoà Séc và hiện là Chủ tịch Uỷ ban Quân sự NATO, trong trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Đối thoại Shangri-La đã tuyên bố NATO ủng hộ “hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ”, cho rằng việc Trung Quốc phớt lờ phán quyết của Toà trọng tài trong vụ kiện Philippines-Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực cho hệ thống quốc tế, thậm chí dẫn tới bất ổn.

s

Lẽ phải có thuộc về kẻ mạnh miệng nhất?

Tổng kết thực tế có thể thấy hiện chỉ có chưa đến 15% số nước mà Trung Quốc tuyên bố công khai xác nhận ủng hộ đối với lập trường của Trung Quốc về vụ kiện của Philippines nói riêng và vấn đề Biển Đông nói chung. Mặc dù Trung Quốc bỏ nhiều công sức cho chiến dịch tuyên truyền, vận động nhắm đến hầu hết các khu vực từ Châu Á, Trung Đông, Châu Phi cho đến Châu Âu và Mỹ Latin, kết quả không như Bắc Kinh tuyên truyền. Xu hướng cho thấy nhiều khả năng Trung Quốc không tìm thêm được nhiều tiếng nói ủng hộ ở cấp quốc gia nên đang nhắm đến tất cả các đối tượng có thể lôi kéo, từ giới học giả (Bulgaria, Nam Phi, Argentina, Mexico) cho đến các nhóm đảng phái trong từng nước (Slovenia, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ).

Tuy nhiên, việc giới chức và truyền thông Trung Quốc vẫn đang tìm cách thổi phồng sự thực để tạo dư luận có lợi cho Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đang ngày càng bị áp lực lớn từ vụ kiện do Philippines khởi xướng. Như một học giả Viện Chatham House của Anh đã chỉ ra, chính sự “phẫn nộ” và mạnh miệng của Bắc Kinh về vụ kiện và vấn đề Biển Đông càng phơi bày sự thiếu tự tin về mặt pháp lý của Trung Quốc.