Thông qua Đề án nâng cấp Sầm Sơn thành thành phố thuộc tỉnh

VietTimes -- Việc thị xã Sầm Sơn trở thành đô thị loại III sẽ khai thác và phát huy hiệu quả hơn nữa những tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên của đô thị du lịch Sầm Sơn, đưa Sầm Sơn trở thành thành một đô thị tương hỗ cho thành phố Thanh Hóa và khu kinh tế Nghi Sơn.
Mô hình phát triển giao thông tại Sầm Sơn
Mô hình phát triển giao thông tại Sầm Sơn

Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị thẩm định Đề án đề nghị công nhận thị xã Sầm Sơn mở rộng là đô thị loại III và nhất trí thông qua Đề án này.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Thanh hóa trình bày báo cáo tóm tắt Đề án đề nghị công nhận thị xã Sầm Sơn mở rộng là đô thị loại III. Theo đó, thị xã Sầm Sơn mở rộng hiện là đô thị lớn thứ hai của tỉnh Thanh Hóa, nằm trong Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2020 và là một trong những trung tâm du lịch biển của cả nước.

Thị xã Sầm Sơn mở rộng nằm cách Hà Nội khoảng 170km, cách thành phố Thanh Hóa 16km, cách thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) khoảng 130km, có hệ thống đường giao thông thuận lợi trong việc kết nối với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng Bắc Bộ, có cảng nước sâu Nghi Sơn giúp Việt Nam giao thương thuận tiện với các nước trên thế giới.

Phạm vi nghiên cứu lập Đề án là toàn bộ diện tích tự nhiên của thị xã Sầm Sơn mở rộng, rộng 4.494,24ha, phía Bắc giáp huyện Hoằng Hóa, phía Nam giáp huyện Quảng Xương, phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ, phía Tây giáp huyện Quảng Xương. Thị xã Sầm Sơn mở rộng có 11 đơn vị hành chính bao gồm 4 phường (Trường Sơn, Bắc Sơn, Trung Sơn, Quảng Tiến) và 7 xã (Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh, Quảng Minh, Quảng Hùng, Quảng Đại).

Hiện, với tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị xã Sầm Sơn mở rộng đạt trung bình là 18,27%; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mạnh mẽ khi Dịch vụ chiếm tới 69,84%, Công nghiệp - Xây dựng chiếm 16,89%, Nông - Lâm - Ngư nghiệp chỉ còn chiếm 13,62%, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 52 triệu đồng/người, cao hơn mức thu nhập bình quân đầu người/năm của cả nước.

Trên địa bàn thị xã Sầm Sơn mở rộng có 6 không gian công cộng, gồm: Khuôn viên Trung tâm, khuôn viên Hồ Gươm, khuôn viên khu vực khách sạn Bộ Xây dựng, khuôn viên hòn Trống - Mái, khuôn viên bãi biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương và sân khấu dọc đường Hồ Xuân Hương.

Như vậy, Sầm Sơn đã sơ bộ đạt được các chỉ tiêu về đô thị loại III.

Như vậy, việc thị xã Sầm Sơn mở rộng hiện nay hội tụ hầu hết những điều kiện cần thiết để được công nhận là đô thị loại III, theo quy định của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Về phân loại đô thị.

Ngoài ra, trên cơ sở của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Về phân loại đô thị, thị xã Sầm Sơn mở rộng cũng đạt tiêu chí đô thị loại III khi có tới 29 tiêu chí đạt điểm tối đa

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng lưu ý UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND thị xã Sầm Sơn quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt và nhà máy xử lý rác thải để tăng cường bảo vệ môi trường cho thị xã, đồng thời yêu cầu Sở Xây dựng Thanh Hóa tiếp thu đầy đủ những ý kiến góp ý của các chuyên gia phản biện, các thành viên Hội đồng thẩm định để sớm hoàn thiện Báo cáo, gửi lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định.