Căn cứ trên đơn này, Tỉnh ủy Hậu Giang đã có công văn triệu tập ông Thanh để nghe báo cáo những vấn đề đã nêu.
Lưu ý là, trước đó, ngày 7/9, cũng thông tin từ Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết ông Trịnh Xuân Thanh xin nghỉ phép với lý do đi chữa bệnh. Nhưng ông Thanh đã hết phép từ ngày 3/9 mà vẫn chưa thấy quay trở lại, hiện tỉnh ủy không liên lạc được và cũng không rõ ông Thanh đang ở đâu.
Trước đó nữa, tại Họp báo Chính phủ tháng 8/2016, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã bác bỏ tin đồn ông Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt.
Trong diễn biến cũng trong ngày 8/9, tại họp kỳ thứ VI, UBKTTƯ đã chính thức có đề nghị khai trừ ông Trịnh Xuân Thanh khỏi Đảng. UBKTTƯ nhận xét những khuyết điểm, vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh.
Đồng thời, theo đánh giá của UBKTTƯ, trong quá trình kiểm điểm, ông Thanh chưa nghiêm túc, thiếu trung thực; chưa thành khẩn, tự giác nhận vi phạm, khuyết điểm.
Diễn biến này cho thấy, đơn xin ra khỏi Đảng của ông Trịnh Xuân Thanh có thể không được chấp thuận. Mà khả năng ông Thanh ông Thanh sẽ chịu kỷ luật khai trừ khỏi Đảng, theo đúng đề nghị của UBKTTƯ.
Ngày 9/6, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn truyền đạt ý kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giao các cơ quan kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung báo chí phản ánh liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh.
UBKTTƯ sau đó kết luận, ông Thanh không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo kết luận của Bộ Chính trị khóa XI. Tuy nhiên ông Thanh vẫn đề nghị, để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công thương và tỉnh Hậu Giang, là thể hiện thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu.
Giữa tháng 7, Hội đồng bầu cử quốc gia họp và quyết định hủy tư cách đại biểu Quốc hội của khóa 14 đối với ông Trịnh Xuân Thanh.