Rút ngắn con đường từ Nghị quyết của Chính phủ đến thực tiễn cuộc sống

"Để xây dựng một nhà nước kiến tạo cần phải chuyển nền hành chính đang mang nặng mục tiêu quản lý, bao cấp trách nhiệm dân sự của công dân sang nền hành chính mang tính chất phục vụ"
TS Trần Du Lịch
TS Trần Du Lịch

Những nỗ lực của “Chính phủ hành động”

Năm 2016 đã đi quá nửa đường, nhưng những chỉ báo kinh tế cho thấy năm khởi đầu của kế hoạch 5 năm 2016-2020 không thuận lợi. Mục tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng nhất là tăng GDP có lẽ khó đạt được mức 6,7% của năm 2015 (4 mục tiêu chính yếu của kinh tế vĩ mô là: tăng GDP; kiểm soát lạm phát; giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng xuất khẩu ròng). Tuy nền kinh tế vẫn nối tiếp quá trình phục hồi tốc độ tăng trưởng từ năm 2013, nhưng bức tranh kinh tế chung trong 8 tháng đầu năm 2016 vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc đáng kể, thậm chí có nhiều lĩnh vực khó khăn hơn năm 2015.

Điểm sáng nổi bật là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. CPI tháng 8/2016 so với tháng 12/2015 tăng 2,57%, nhưng chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh giá cả như y tế, giáo dục...; tỷ giá ổn định, lãi suất cho vay có xu hướng giảm. Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm cho thấy, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, bằng 32,9% GDP; thu hút FDI tăng khá cao kể cả đăng ký mới lẫn thực hiện (tổng vốn FDI đăng ký 11,3 tỷ USD gấp gần hơn 2 lần cùng kỳ năm trước; tổng vốn FDI thực hiện 7,3 tỷ USD tăng 15,1% so với cùng kỳ 2015); có gần 15.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngưng do khó khăn, niềm tin của thị trường được củng cố…

Tuy nhiên, bối cảnh chung của nền kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đối diện với nhiều thách thức trước mắt và lâu dài đòi hỏi Chính phủ không chỉ nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu kinh tế- xã hội của năm 2016, mà quan trọng hơn là phải tạo ra  động lực mới cho sự phát triển.

Do đó, ngay trong những tuần lễ đầu sau khi nhiều thành viên được Quốc hội bầu và phê chuẩn (tháng 4/2016), Chính phủ đã thể hiện quyết tâm của một “Chính phủ hành động”.

Ngày 28/4/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2016/NQ-CP tiếp tục lộ trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với mục tiêu đạt mức trung bình ASEAN-4 trên 10 chỉ tiêu trong năm 2016.

Ngày 16/5/2016 Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Cùng với hàng loạt những chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết này phát đi “thông điệp” của người đứng đầu Chính phủ về chủ trương nhấn quán: Xây dựng Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.

Vấn đề đang đặt ra là làm thế nào để rút ngắn con đường từ Nghị quyết của Chính phủ đến đời sống thực tiễn.

Phải cải cách đồng bộ nền hành chính quốc gia

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là bước nối tiếp của quá trình Đổi mới thực hiện từ 30 năm qua. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã thông qua nhiều đạo luật liên quan đến thể chế kinh tế như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Dân sự tố tụng, Bộ luật Hàng hải, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật sửa đổi một số điều của các luật thuế, Luật Đất đai, Luật Phá sản… đã từng bước hình thành cơ chế vận hành thuận lợi hơn cho thị trường.

Bên cạnh đó, các luật liên quan đến tổ chức nền hành chính và tài chính như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Chính quyền địa phương, Luật Ngân sách nhà nước… cũng được xây dựng mới, đã tạo ra một dấu ấn rất quan trọng về đổi mới tư duy quản lý nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế, thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ về thể chế kinh tế, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Tuy nhiên, để xây dựng một nhà nước kiến tạo cần phải chuyển nền hành chính đang mang nặng mục tiêu quản lý, bao cấp trách nhiệm dân sự của công dân sang nền hành chính mang tính chất phục vụ. Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước không quản lý xã hội theo phương thức bao cấp trách nhiệm dân sự của công dân hay nói cách khác là hành chính hóa các quan hệ dân sự, mà Nhà nước cần nâng cao vai trò trách nhiệm của công dân trong các quan hệ dân sự.

Điển hình là trong các loại thủ tục hành chính tư pháp của nước ta dường như Nhà nước đã làm thay trách nhiệm của công dân trong các quan hệ dân sự như: Hoạt động công chứng; thi hành án dân sự; hộ tịch… mà hiện nay chúng ta đang gọi là từng bước xã hội hóa. Tư duy bao cấp trách nhiệm của Nhà nước trong các quan hệ dân sự đang để lại dấu ấn rất nặng nề trong hệ thống pháp luật có liên quan. Cách quản lý này vừa không phù hợp với tính chất của nền kinh tế thị trường, vừa làm cho bộ máy quản lý hành chính Nhà nước ngày càng “phình to” nhưng bất cập.

Cần cụ thể hóa cơ chế trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước 

Tổ chức nền hành chính quốc gia, mà khâu đột phá là tổ chức lại chính quyền địa phương theo nguyên tắc nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của địa phương nhằm bảo đảm tính linh hoạt của thị trường, đang là xu hướng chung trong quản trị công của thế giới ngày nay. Xu hướng này ở nước ta thường gọi là mở rộng việc phân cấp của Chính phủ cho chính quyền địa phương.

Các cơ quan của Chính phủ cần tập trung vào 3 nhiệm vụ: Hoạch định chính sách; ban hành các quy định và kiểm tra giám sát chế tài vi phạm. Còn các quyết định cụ thể liên quan đến đời sống kinh tế ở mỗi địa phương, nên phân quyền và làm rõ trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương. Nhiệm vụ của cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm toàn bộ, có thẩm quyền đầy đủ (tự quyết, tự quản đối với công việc được giao; không trùng lắp giữa việc do Trung ương làm với việc của địa phương làm và công việc giữa các cấp chính quyền trong phạm vi một địa phương với nhau nhằm tránh sự đùn đẩy trách nhiệm, chồng chéo, lẫn lộn, cản trở trong hoạt động).

Từ các chế định của Luật Chính quyền địa phương cần  xây dựng mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương theo 3 cơ chế: Phân quyền, ủy quyền và phân cấp. Tuy đặc điểm của mỗi địa phương sẽ có sự lựa chọn khác nhau trong việc áp dụng 3 cơ chế nêu trên. Xây dựng một nền hành chính thống nhất chứ không đồng nhất giữa các địa phương.

Có thể thấy, trong những tháng qua Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cải thiện chất lượng công vụ của bộ máy hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, mang lại niềm tin và kỳ vọng đối với một Chính phủ hành động và trên thực tế bước đầu đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để các quyết tâm của Chính phủ nhanh chóng thành hiện thực của đời sống kinh tế- xã hội, nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta trong điều kiện hội nhập khu vực và toàn cầu, cần phải cải cách đồng bộ cả 3 bộ phận: Thể chế hành chính, bộ máy và con người.

Hoàn thiện thể chế kinh tế không chỉ là việc hoàn thiện các đạo luật liên quan trực tiếp đến sự ra đời và hoạt động của doanh nghiệp, mà phải đặt nó trong một nội hàm rộng hơn, bao gồm cả hệ thống quản trị quốc gia, với 3 trụ cột: Thể chế kinh tế, nền hành chính công và nền tài chính công. Mọi cải cách cần phải mang tính đồng bộ của cả hệ thống. Đây là yêu cầu rất bức xúc đang đặt ra, khi mà chúng ta tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng trước hết cần nhận thức lại chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước phù hợp với thuộc tính của cơ chế thị trường. Nhà nước theo đuổi mục tiêu phát triển của quốc gia, chứ Nhà nước không theo đuổi mục tiêu kinh doanh kiếm lời. Kinh doanh kiếm lời là chuyện của thị trường. Thu hẹp lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước hiện nay chính là tạo điều kiện để thị trường phân bố có hiệu quả các nguồn lực phát triển và tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng.

Trong điều kiện nước ta hiện nay, để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh  tùy thuộc vào 3 nhân tố: Kinh tế vĩ mô  ổn định; môi trường pháp lý tốt và nền hành chính mang tính phục vụ. Đây chính là ba nhân tố hỗ trợ lớn nhất cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập tốt, chứ không phải các chính sách ưu đãi nào khác của Nhà nước.