Góp ý Luật Quản lý Ngoại thương, Quốc hội lo quyền lợi ngành Công thương quá lớn

VietTimes -- Sáng 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý ngoại thương theo Tờ trình của Chính phủ. Dù tán thành về sự cần thiết của luật này, nhưng các đại biểu cũng bày tỏ sự lo ngại về quyền của ngành Công thương rất lớn, nhưng lại chưa rõ ràng trong giám sát, minh bạch
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhận xét về phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý ngoại thương, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, nên đưa một số dịch vụ gắn liền với ngoại thương vào luật.

Giải thích về quan điểm này, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong các biện pháp phát triển ngoại thương thì cũng có loại hình dịch vụ, chẳng hạn như dịch vụ logictics, kho bãi….đều gắn liền với ngoại thương. Nhưng trong đề xuất của Bộ Công thương lại không thấy điều chỉnh

Bổ sung cho ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng tự thân các hoạt động ngoại thương mặc nhiên gắn với các dịch vụ từ bến bãi, thanh toán... Do đó, cơ quan đề xuất cần giải trình rõ hơn là tại sao luật không điều chỉnh cả đối với loại hình dịch vụ. Ngoài ra là việc ban soạn thảo cũng cần giải trình vì sao trong dự thảo luật giao đến 21 điều cho Chính phủ hướng dẫn mà không quy định ngay trong Luật...

Tuy nhiên, liên quan tới các hoạt động dịch vụ gắn với hoạt động ngoại thương, ý kiến của các đại biểu quốc hội chưa hẳn đã đồng nhất khi đánh giá về lựa chọn của cơ quan soạn thảo tại dự thảo Luật Quản lý ngoại thương. Có ý kiến cũng cho rằng, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ hiện được điều chỉnh bằng các quy định pháp luật chuyên ngành.

Mặt khác, đặc tính của dịch vụ rất đa dạng, phức tạp nên khó có thể có quy định chung cho tất cả các loại dịch vụ trong dự thảo Luật quản lý ngoại thương. Kinh nghiệm quốc tế, pháp luật về quản lý ngoại thương của nhiều nước cũng chỉ quy định về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Do vậy, nên đồng thuận với quan điểm soạn thảo của cơ quan soạn thảo, theo đó Luật quản lý ngoại thương chỉ nên tập trung quy định công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngoại thương, bao gồm quy định về các biện pháp quản lý, giải quyết tranh chấp trong hoạt động ngoại thương hàng hóa và các biện pháp phát triển ngoại thương.

Về cơ bản các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa cho thấy sự hài lòng với dự thảo Luật Quản lý ngoại thương. Đại biểu Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TTN-NĐ cho rằng: “Nhìn vào Luật còn thấy nặng nề, nào giấy phép rồi thậm chí quyền lực của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công Thương rất lớn, từ hạn ngạch, áp dụng cho anh nào đi, cho anh nào ở...  Ở đây sự giám sát, minh bạch, công bằng vấn đề ngoại thương thể hiện ở khoản, điểm nào. Hạn ngạch là vấn đề rất khó trong xuất nhập khẩu thì các đồng chí minh bạch hóa, công bằng hóa những quyền lực của Bộ Công Thương trên những điều khoản nào?”.

Ông Bình cũng lưu ý là việc quản lý nên theo mục tiêu phát triển ngoại thương mới là quan điểm lớn nhất, chứ không phải quản lý ngoại thương thuần túy.

Dẫn chứng từ việc xác lập, sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đại biểu Phan Thanh Bình cho rằng “Hiện có hiện tượng chính nội bộ doanh nghiệp của chúng ta cạnh tranh với nhau, hạ giá nhau và nói xấu nhau trên thị trường thế giới. Đó là chưa kể hiện nay thương lái Trung Quốc đi về ĐBSCL đưa tiền và mua thẳng của nông dân, doanh nghiệp Việt thua vì giá cỡ nào họ cũng mua. Vậy xử lý vấn đề núp bóng trong nước thu mua, hạ giá cạnh tranh nhau, chèn ép nhau thì luật quan tâm vấn đề cạnh tranh thế nào?” – ông Bình nói.

Tuy nhiên, trong dự thảo luật mới tính đến doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, nhưng khi khi doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài bị chèn ép thì vấn đề bảo vệ đặt ở đâu trong luật này cũng cần làm rõ để doanh nghiệp đỡ thiệt thòi. Bởi khi Việt Nam ký kết FTA, tham gia hiệp định thương mại thế hệ mới, nhìn bề ngoài có vẻ bình đẳng, nhưng thực chất các nước có hệ thống phòng vệ rất mạnh, chặt chẽ.

Đồng tình quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban An ninh - Quốc phòng Võ Trọng Việt thì cho rằng tinh thần của Luật Quản lý ngoại thương cần được xây dựng làm sao để khi luật ra đời thì thủ tục xuất nhập khẩu bớt rườm rà. “Các nước thủ tục ít nhưng chặt trong khi ta thủ tục vừa nhiều, rườm rà nhưng hở, dễ lợi dụng” – ông Việt nói.

Mặt khác, cũng theo đại biểu Võ Trọng Việt, xuất nhập khẩu lâu nay còn phụ thuộc vào Trung Quốc. Cung cầu gắn liền với tuyến biên giới nên dễ xuôi một chiều. Do đó Luật Quản lý ngoại thương cần mở ra phạm vi rộng hơn, đa dạng hơn theo đúng đường lối của Đảng, Nhà nước.

“Bảo đảm xuất khẩu, nhập khẩu làm sao không thua thiệt. Thực tế như ở biên giới với Trung Quốc đúng là doanh nghiệp bị thua thiệt rất lớn, có thời kỳ cửa khẩu hàng hóa ách tắc rất khổ cho doanh nghiệp. Làm thế nào đảm bảo cân bằng và hài hòa cung cầu, tính pháp lý cao trong luật” – đại biểu Võ Trọng Việt yêu cầu.

Như vậy, tinh thần chung trong đánh giá của các đại biểu Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Quản lý Ngoại thương là muốn giảm quyền quản lý của cơ quan chức năng - ở đây trực tiếp là Bộ Công thương – nhưng đồng thời tăng được khả năng hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động ngoại thương.