Tham nhũng vặt đang len lỏi trong mọi lĩnh vực!

VietTimes -- Nội dung được Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh chia sẻ tại Hội nghị Quán triệt, triển khai một số văn bản của Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng diễn ra ngày 13/5.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, tham nhũng vặt kiểu này đang tồn tại rất nhiều và len lỏi trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, tham nhũng vặt kiểu này đang tồn tại rất nhiều và len lỏi trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

"Chống tham nhũng như đánh trận giả"
Sáng 13/5, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Quán triệt, triển khai một số văn bản của Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tại đây, Thành ủy Đà Nẵng đã đưa ra chương trình hành động trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực trong thời gian tới với những nội dụng rất cụ thể, trọng tâm.

Và mặc dù công tác phòng chống tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt, nhưng theo đại diện lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng, qua 10 năm, các cơ quan chức năng phát hiện và khởi tố 13 vụ án với 24 nghi can liên quan đến tham nhũng. Hầu hết những vụ này đều liên quan đến các lĩnh vực đất đai, đầu tư công... 

Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Vân, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng, mặc dù từ Trung ương đến địa phương có rất nhiều văn bản quy định về phòng chống tham nhũng, nhưng việc phát hiện các hành vi liên quan đến tình trạng này trong đội ngũ cán bộ vẫn chưa được bao nhiêu. "Chúng ta có quy trình chống tham nhũng dàn trận rất hoành tráng, nhưng kết quả không bao nhiêu, thành ra như đánh trận giả", ông Trần Thanh Vân nói.

Theo ông Trần Thanh Vân, sở dĩ công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả cao vì hầu hết các vụ án đều có sự gửi gắm, can thiệp ở nhiều cấp độ, nhiều khía cạnh khác nhau. Vì vậy khi phát hiện vi phạm, người đứng đầu cấp ủy phải kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xác minh làm rõ, xử lý nghiêm, đúng quy định và phải báo cáo đầy đủ cho cấp ủy cấp trên, đồng thời báo Ban Nội chính Thành ủy để theo dõi, giám sát việc xử lý.

"Phải xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ, đảng viên có hành vi trù dập, trả thù người tố cáo. Nghiêm cấm can thiệp vào quá trình xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí tiêu cực dưới bất cứ hình thức nào”, ông Trần Thanh Vân yêu cầu các ngành cần phối hợp để công tác phòng chống tham nhũng được hiệu quả.

Đánh giá tầm quan trọng của công tác phòng chống tham nhũng, Phó Bí thư trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí quan ngại: "Tham nhũng là quốc nạn, nó không chỉ ảnh hưởng nhiều mặt của đất nước như kinh tế, chính trị... mà quan trọng nhất là mất đi lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền cơ sở".

Chính vì vậy, theo ông Võ Công Trí, công tác phòng chống tham nhũng cần được thực hiện mạnh mẽ và rốt ráo, nhằm xây dựng lòng tin của quần chúng nhân dân đối với cán bộ, Đảng và Nhà nước. 

"Tham nhũng vặt" đang hoành hành?

Sau khi lắng nghe các đại biểu đề đạt ý kiến, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh thừa nhận hành vi tham nhũng đang ảnh hưởng rất lớn đến lòng tin của quần chúng nhân dân cần được xử lý triệt để.

"Tham nhũng thì ở bất cứ quốc gia nào cũng có. Nước càng lớn thì tham nhũng càng nhiều. Nhưng ở nước ta thì tham nhũng vặt đang tồn tại rất nhiều. Như ở Đà Nẵng, những vụ án được phát hiện thời gian qua cũng nhỏ, số tiền tham nhũng không cao. Nhưng chính cái tham nhũng vặt này lại ảnh hưởng ghê gớm đến người dân và doanh nghiệp", Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nói.

Phân tích hành vi tham nhũng, Bí thư Đà Nẵng cho rằng, tham nhũng thì liên quan đến người có chức, có quyền. Đối tượng dễ liên quan đến tham nhũng là những cán bộ cơ sở thường xuyên tiếp xúc với dân. Trong khi người dân ít có cơ hội tiếp xúc với cán bộ cấp cao. Vì có việc gì, thì người cán bộ mà dân thường gặp là các cán bộ cơ sở, các chuyên viên,... "Nếu các anh không công tâm trong việc xử lý các công việc thì rất dễ nảy sinh tư tưởng vòi vĩnh, xin xỏ năm mươi cho đến vài trăm nghìn đồng của dân.Tham nhũng vặt kiểu này đang tồn tại rất nhiều và len lỏi trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội", ông Nguyễn Xuân Anh nhận định.

Trước thực trạng đó, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu Công an và Ban Nội chính phối hợp với MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng phải bám sát dân, phát hiện các hành vi có dấu hiệu tham nhũng để ngăn chặn, xử lý kịp thời. Cán bộ làm công tác tham nhũng phải coi người dân như cách tay phải, là tai mắt của mình. Hầu hết các vụ tham nhũng được phát hiện cũng xuất phát từ người dân báo tin bởi lực lượng chức năng phát hiện không bao nhiêu.

"Phải trân quý những nguồn tin của dân cung cấp. Bên cạnh đó, phải có chính sách hỗ trợ, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho những cá nhân cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng. Lãnh đạo giỏi phải là người biết lắng nghe ý kiến góp ý, phản biện của cấp dưới. Khi lãnh đạo làm sai, nếu được cấp dưới góp ý thì nên trân trọng, đập bàn quát tháo là không chấp nhận được", Bí thư Xuân Anh nói.

Cương quyết với tệ nạn tham nhũng, một lần nữa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh: "Tôi nhấn mạnh lại! Ở Đà Nẵng việc phòng chống tham nhũng tuyệt đối không có vùng cấm. Nếu dính chàm, dù bất cứ người đó là ai, tôi cũng không nể nang hay bao che".

“TP Đà Nẵng mà xảy ra những vụ lớn thì rõ ràng Bí thư Thành ủy phải là người chịu trách nhiệm chứ không thể né tránh được. Một số đơn vị ngoài việc xử lý cán bộ vi phạm thì người đứng đầu chắc chắn sẽ bị xử lý. Không thể chỉ xử cấp dưới mà người đứng đầu vô can được… Giám đốc sở mà bị kỷ luật vì tham nhũng hoặc phạt tù gì đấy thì lãnh đạo UBND TP phải chịu trách nhiệm”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh thẳng thắn nói.