CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk (HSX: VNM) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016.
Tài liệu đã trình ra các kế hoạch phân phối lợi nhuận khủng chưa từng thấy trong lịch sử niêm yết của Vinamilk và cũng là hiếm có khó tìm của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, theo tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận 2015, Vinamilk dự kiến chi trả tiếp cổ tức đợt 2/2015 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%. Trước đó, VNM đã tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 40%. Như vậy, tỷ lệ cổ tức năm 2015 là 60%. VNM sẽ chi ra hơn 6.400 tỷ đồng để trả cổ tức và lợi nhuận chưa phân phối còn lại là gần 2.990 tỷ đồng.
Nếu được thông qua, cổ tức đợt 2 sẽ được chi trả vào ngày 16/06/2016. Danh sách cổ đông sẽ được chốt ngay ngày 6/6. Cần thiết phải nhắc lại rằng, 60% là mức chi trả cổ tức kỷ lục của Vinamilk từ khi cổ phần hóa.
Còn về kế hoạch phân phối lợi nhuận cho 2016, Vinamilk dự kiến tiếp tục chi trả cổ tức với tỷ lệ tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế. Cổ tức năm 2016 sẽ được tạm ứng đợt 1 vào tháng 8 - 9/2016 với tỷ lệ 40% và chi trả đợt 2 vào tháng 5 – 6 năm 2017.
"Khủng" hơn nữa, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập, VNM cũng trình kế hoạch phát hành và niêm yết cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (phát hành cổ phiếu thưởng) với tỷ lệ phát hành 5:1.
Số lượng cổ phần phát hành thêm phụ thuộc vào số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại ngày đăng ký cuối cùng theo danh sách của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán nhưng không quá 241.915.440 cổ phần. Dự kiến ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ phiếu thưởng sẽ trong quý 3/2016.
Nguồn vốn thực hiện sẽ được trích từ quỹ đầu tư phát triển, nếu không đủ sẽ tiếp tục trích thêm từ lợi nhuận chưa phân phối. Hay nói cách khác, hoạt động chia cổ phiếu thưởng này của VNM, về bản chất cũng chỉ là để chia nốt "miếng bánh lợi ích" tồn dư từ các năm trước đó, nhất là khi DN sắp có thay đổi lớn.
Các khoản lợi nhuận kinh doanh vừa được kiếm về cũng như lượng tư bản tích lũy sẽ được chia sạch bách, trước khi bản đồ sở hữu Vinamilk được cơ cấu lại - đó là một kịch bản nhãn tiền và không khó hiểu.
Tác động trước hết của nó là một "cơn mưa tiền" cho các cổ đông, lưu ý rằng tiền ở đây là tiền tươi thóc thật.
Theo đó, nếu các phương án phân phối lợi nhuận được ĐHCĐ Vinamilk thông qua trong cuộc họp thường niên vào ngày 17/5 tới đây, thì từ tháng 6 đến tháng 9/2016, vỏn vẹn trong quãng thời gian chưa đầy 4 tháng, các cổ đông VNM sẽ nhận về lượng cổ tức lên đến 60% vốn điều lệ, khoảng 7.200 tỷ đồng.
Đó là chưa kể tới giá trị khủng của hơn 240 triệu cổ phiếu thưởng sẽ được rót đều vào tài khoản của mỗi cổ đông. Xét theo thị giá của cổ phiếu VNM chốt phiên gần nhất là 142 nghìn đồng, tính ra, lô cổ phiếu thưởng này đang có giá tới hơn… 34.000 tỷ đồng.
Những thông tin sốt dẻo ấy, tất nhiên, sẽ khiến các cổ đông VNM mừng rơn. SCIC – cổ đông lớn nhất của VNM, tất nhiên sẽ được chia miếng bánh lớn nhất – lên tới 45% tổng lợi ích mà VNM thực hiện phân phối.
Nhưng niềm vui của SCIC có lẽ sẽ phảng một nét suy tư, bởi rất có thể đây sẽ là miếng bánh cuối cùng mà cổ đông siêu tổng công ty này được nhận.
Tháng 10/2015, tại văn bản 1787/TTg-ĐMDN ký bởi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Chính phủ đã quyết chủ trương thoái hết vốn nhà nước do SCIC nắm giữ tại 10 công ty cổ phần, trong đó có VNM.
Tri ân bằng ESOP?
Tài liệu ĐHCĐ thường niên lần này của Vinamilk có trình ra phương án phát hành cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên (ESOP). Trước đó, liên tiếp tại 2 đại hội thường niên năm 2012, 2013, vấn đề này cũng được đem ra thảo luận. Song do SCIC – cổ đông nắm tới 45% cổ phần VNM – luôn phủ quyết, nên chúng chưa lần nào được thông qua.
Còn tại đại hội này, khi mà SCIC sắp thoái lui, Vinamilk đang đề xuất phát hành 9,44 triệu cổ phiếu ESOP (tương đương 0,78% lượng cổ phiếu đã phát hành) với giá gấp 2 lần giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính gần nhất đã được soát xét. Trong đó bao gồm bán 523 nghìn cổ phiếu cổ phiếu quỹ và phát hành mới 8.915.000 cổ phiếu, dự kiến thời điểm phát hành là ngay trong năm 2016.
Tính đến 31/12/2015, giá trị sổ sách của mỗi cổ phiếu Vinamilk vào khoảng 19.000 đồng. Như vậy, khả năng giá phát hành ESOP sẽ vào khoảng 38-40.000 đồng/cổ phiếu. Nên biết, thị giá cổ phiếu Vinamilk đang ở quanh mức 142.000 đồng/cổ phiếu.
Nếu được ĐHCĐ thông qua, chỉ cần bỏ khoảng 370 tỷ đồng, các cán bộ nhân viên chủ chốt của Vinamilk sẽ được nhận về lượng cổ phiếu có trị giá hơn 1.340 tỷ đồng.
Ở một giác độ nào đó, có thể hiểu động thái trên là một cách tri ân mà VNM gửi dành cho các lãnh đạo kỳ cựu của mình – những cá nhân đóng góp lớn nhất và cũng sẽ được chia mua nhiều nhất trong mỗi lần ESOP.
Sau khi SCIC rút đi, với sự góp mặt của những người chủ mới, không loại trừ khả năng, thượng tầng tổ chức VNM sẽ có sự cải tổ sâu sắc.
N.G