Báo cáo tài chính của PVFI nói gì về vai trò con trai ông Vũ Huy Hoàng trong khoản lỗ 220 tỷ?

Nguyên nhân gây thua lỗ lên tới 220 tỷ đồng tại PVFI trong 2 năm 2011-2012 (thời gian ông Vũ Quang Hải làm Tổng giám đốc) liên quan đến khoản ủy thác và hợp tác với 2 công ty chứng khoán: SMES và Phố Wall.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Trong giai đoạn chứng khoán và bất động sản sốt nóng hồi những năm 2007-2008, có khá nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn đã thành lập các công ty đầu tư mang tên “công đoàn”, có thể kể đến như CTCP Đầu tư Tài chính công đoàn Dầu khí (PVFI), CTCP Đầu tư Công đoàn BIDV, CTCP Đầu tư Công đoàn ngân hàng Công thương… Trong đó, PVFI có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, với tỷ lệ sở hữu của PVN là 35%.

Bẵng đi một thời gian dài, hầu hết các công ty này đã bị công chúng quên lãng. Tuy nhiên, vài ngày gần đây, PVFI lại được nhắc đến khá nhiều khi báo chí đề cập đến việc công ty này bị lỗ tới 200 tỷ - tương đương 2/3 vốn – trong thời gian ông Vũ Quang Hải giữ vị trí Tổng giám đốc. Ông Vũ Quang Hải là con trai của nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.

Ông Vũ Quang Hải được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc từ ngày 25/1/2011 thay cho người tiền nhiệm là ông Chu Xuân Lai. Đến tháng 2/2011,nhân sự cấp cao của PVFI lại có sự thay đổi khi ông Đàm Minh Đức được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay ông Vũ Xuân Tiên.

Trả lời trên báo Tiền Phong, ông Vũ Huy Hoàng cho biết: “ Khi bổ nhiệm Vũ Quang Hải làm tổng giám đốc PVFI, trong kinh doanh của công ty này đã phát sinh lỗ từ trước, với số tiền hơn 200 tỷ đồng. Khi Hải nhận nhiệm vụ do PVN bổ nhiệm, công ty cũng có ký biên bản chốt số lỗ giữa tổng giám đốc mới và người tiền nhiệm. Việc kinh doanh lỗ trước đó không thuộc trách nhiệm của Hải.

Thực tế, qua hai năm Hải làm ở PVFI đã chặn được, không lỗ tiếp nữa. Và hai năm 2012 - 2013, tôi nhớ không chính xác, công ty đã có một chút lãi. Nhưng do trong hạch toán, người ta vẫn phải lấy phần lỗ của các năm trước để bù vào nên trên sổ sách vẫn còn lỗ. Còn số liệu chính xác tôi chắc Bộ sẽ cung cấp vì tôi nghỉ hưu rồi. Tập đoàn Dầu khí cũng sẽ cung cấp con số này cho những ai quan tâm”.

Ông Vũ Quang Hải khi trời báo Tuổi trẻ cũng khẳng định: “Tôi có thể tự tin nói là các khoản lỗ đó không phải do tôi gây ra mà tôi chỉ kế thừa và xử lý các khoản lỗ đó. Chúng tôi làm tất cả mọi thứ, đến năm 2012 số lỗ đã ít đi rất nhiều, còn khoảng 70 tỉ đồng, chứ không phải như VAFI nói là “hai năm lỗ hơn 200 tỉ đồng”. Như vậy làm giảm lỗ chứ không phải là tăng thêm lỗ. Và khi tôi đi thì gần như PVFI không còn các khoản nợ xấu nữa, thanh toán toàn bộ công nợ tồn tại”.

Vậy câu chuyện thua lỗ của PVFI đã diễn ra như thế nào?

Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của PVFI thì năm 2010 công ty bắt đầu lỗ với mức lỗ 43 tỷ đồng, năm 2011 lỗ 155 tỷ và năm 2012 lỗ 68 tỷ đồng – tức PVFI phát sinh lỗ hơn 220 tỷ trong thời kỳ ông Hải làm Tổng giám đốc.

Tuy nhiên, khi nhìn vào các thông tin chi tiết trong báo cáo tài chính của PVFI có thể nhận thấy một điều là các khoản lỗ lớn của PVFI đều có nguồn gốc từ năm 2010 trở về trước, chủ yếu liên quan đến trích lập dự phòng cho các khoản hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết tại 2 công ty chứng khoán SMES (khoảng 313 tỷ) và Phố Wall (73 tỷ đồng).

Các khoản hợp tác đầu tư và ủy thác quản lý vốn với SMES có nhiều hạng mục đã quá thời hạn thanh toán ngay từ tháng 1/2011. Tháng 6/2011, PVFI đã khởi kiện SMES nhằm thu hồi số tiền ủy thác và hợp tác đầu tư với công ty này.

Đến thời điểm lập báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011, do chưa thu hồi được số tiền ủy thác và hợp tác đầu tư với SMES nên hội đồng quản trị PVFI đã quyết định trích lập dự phòng ½ số tiền phải thu, tương ứng phát sinh khoản lỗ gần 157 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, khoản hợp tác đầu tư với chứng khoán Phố Wall (WSS) cũng phải trích lập dự phòng 32,5 tỷ đồng như vậy tổng cộng ba khoản hợp tác và ủy thác với WSS và SMES đã khiến PVFI phải dự phòng tổng cộng 190 tỷ đồng, nguyên nhân chính dẫn đến khoản lỗ 155 tỷ đồng trong năm 2011. Nếu không tính đến khoản trích lập dự phòng này thì thực tế PVFI có lãi.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2010 của PVFI, nhiều khoản ủy thác và hợp tác đầu tư nói trên đã bị quá hạn ngay từ cuối năm 2010 nhưng khi đó ban lãnh đạo PVFI đã không trích lập dự phòng đầy đủ vào năm 2010 do “Ban Giám đốc công ty tin tưởng rằng Công ty có khả năng thu hồi được khoản ủy thác quản lý vốn này trong ngắn hạn”. Và chỉ đến khi vẫn không thu hồi được trong năm 2011 thì PVFI mới chính thức trích lập dự phòng.

PVFI đúng ra đã phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi nhiều hơn ngay từ năm 2010.

Theo Trí thức trẻ