Hà Nội muốn thay thế một phần đê đất sông Hồng theo phương án nào?

VietTimes -- Theo khẳng định của lãnh đạo của Hà Nội, thành phố không đề nghị hạ cốt đoạn đê dài 1,1km thuộc đường Nghi Tàm. Mà, Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT cho phép thay thế một phần kết cấu đê đất bằng đê bê tông cốt thép để mở rộng đường Nghi Tàm. Vậy, phương án của Hà Nội "nhìn" như thế nào?

Đoạn đê hiện này đang được đề nghị thay bằng đê bê tông. Ảnh Vietnamnet
Đoạn đê hiện này đang được đề nghị thay bằng đê bê tông. Ảnh Vietnamnet

Cụ thể, theo công văn số 326/UBND-ĐT của UBND TP. Hà Nội gửi Bộ NN&PTNT cùng văn bản trả lời số 1356/BNN-TCTL của Bộ NN&PTNT đều bày tỏ quan điểm đồng ý thay thế một phần kết cấu đê đất bằng kết cấu bê tông cốt thép đoạn đê hữu Hồng từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.

Hai công văn trên đều không bàn tới việc hạ chiều cao đê. Điều này thể hiện rõ qua công văn trả lời của Bộ NN&PTNT: "Thống nhất với đề nghị của UBND thành phố Hà Nội thay thế một phần kết cấu đê đất bằng kết cấu bê tông cốt thép đoạn đê hữu Hồng từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương"

Công văn còn cho biết thêm: "Về phương án thiết kế của Thành phố đề nghị cao trình phần đê đất phía hạ lưu đê bê tông cốt thép ở cao trình +12,4 mét, đề nghị Thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tính toán, lựa chọn hình thức, kích thước, quy mô, kết cấu của đê bê tông cốt thép phù hợp theo các quy định, tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo an toàn chống lũ".

Mô phỏng hình ảnh đê hiện nay - Đồ họa Bùi Phú
Mô phỏng hình ảnh đê hiện nay - Đồ họa Bùi Phú

Điều này có nghĩa là Bộ NN&PTNT đồng ý với yêu cầu của UBND thành phố về việc xây bức tường bê tông cốt thép hình chữ L và đồng ý chọn cao trình để xây bức tường này sẽ bắt đầu ở mức +12,4m đê hiện hữu.

Cụ thể, sau khi thực hiện theo đề xuất của UBND TP. Hà Nội, mặt đường Nghi Tàm sẽ được ngăn cách với đường dân sinh bằng bức tường bê tông cốt thép hình chữ L cao 3,6m. Đồng thời mặt đường Nghi Tàm cũng sẽ được mở rộng thêm 3,7m.

Dưới đây là 2 phương án có thể Hà Nội đã đề nghị Bộ NN&PTNT cho phép thực hiện.

Trong đó, phương án 1 có thể là bóc gỡ phần mái dốc của đê hiện nay và thay bằng đê bê tông cốt thép hình chữ L. Như vậy mặt đường dân sinh phía dưới sẽ được mở rộng.

Phương án 2 là dựng đê bê tông tại mức +12,4m, tại vị trí chân phần dốc mái đê và mép đường dân sinh hiện hữu, sau đó đổ đất vào phần dốc mái đê trước kia để mở rộng mặt chính đường Nghi Tàm.

Như vậy, cả hai phương án này đều không ảnh hưởng tới chiều cao đê hoặc cốt đê.

Phương án 1
Phương án 1
Phương án 2 - Đồ họa Bùi Phú
Phương án 2 - Đồ họa Bùi Phú

Khẳng định không có chuyện "gọt" đê, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp sáng 16/2 đã tuyên bố, thành phố không kiến nghị với Bộ Nông nghiệp hạ cốt đê của sông Hồng. "Hà Nội đang xin ý kiến Bộ thay đoạn đê từ trước cửa khách sạn Thắng Lợi đến An Dương bằng đê bê tông”, ông Chung nói.

Về phía Bộ NN&PTNT, ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục thủy lợi, Bộ NN&PTNN cũng khẳng định: "đê sông Hồng là đê cấp đặc biệt, không thể, không thể hạ thấp được".

Ông Hoài cho biết, sẽ không có chuyện gọt đê sông Hồng hay hạ cốt đê, mà chỉ là thay thế kết cấu của đê hiện bay, từ đê đất hình thang thành đê bê tông.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong chuyến công tác đi kiểm tra việc thực hiện một số quy hoạch chuyên ngành trong quy hoạch tổng thể phát triển Thủ đô ngày 17/2 cũng đã đồng ý với ý kiến của Hà Nội. Phó Thủ tướng yêu cầu thành phố Hà Nội phải trả lời rõ việc thay đổi kết cấu đê đất thành đê bê tông có đảm bảo an toàn không? Và UBND Hà Nội cần có báo cáo chi tiết về kết cấu đê sau điều chỉnh để trình Chính phủ phê duyệt.