Việc GS Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, mặc quần đùi giảng bài đã gây ra những dư luận trái chiều trong giới giáo viên, sinh viên nói riêng và dư luận xã hội nói chung. Vì sao GS Thành lại làm chuyện “khác người” như vậy. Chúng ta hãy nghe chính vị Giáo sư này lý giải.
Liệu pháp sốc!
Thưa ông, những gì dư luận thấy là hình ảnh ông mặc quần đùi lúc giảng bài, không đẹp chút nào. Ông lý giải ra sao?
Người ta chỉ nhìn cái hình buổi học và đánh giá mà không đi sâu vào lý do tại sao lại có chuyện như vậy.
Ý tưởng mở lớp dạy sáng tạo hình thành vào năm 2016, khi phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam (VN) nổi lên. Khắp nơi đề cập chuyện khởi nghiệp nhưng những nền tảng kiến thức cần thiết để khởi nghiệp rất thiếu. Người có sản phẩm thì không có kiền thức kinh tế. Người có hiểu biết kinh tế thì lại không có chuyên môn sản phẩm. Điều này dễ khiến nhiều người chỉ nhìn thấy bức tranh màu hồng, bán nhà, bán xe để khởi nghiệp, đến lúc sạt nghiệp thì không chỉ họ mà cả xã hội lãnh hậu quả.
Thêm nữa, nếu quan sát về tư duy sáng tạo, tại sao sinh viên của ta ra nước ngoài phát huy rất tốt nhưng ở VN họ lại không phát triển được? Mặt khác, hiện sự di chuyển về thị trường nhân lực đang mất cân bằng, nhiều nhân sự cấp cao là người nước ngoài trong khi người VN ra nước ngoài làm sếp còn ít. Vì thế, tôi tạo ra lớp học mang tên “Lộ trình sáng tạo” để giúp các em sinh viên.
Trở lại lớp học, khi bước vào lớp học hôm ấy, tôi ăn mặc chỉn chu, áo vest, quần dài đàng hoàng. Khi tôi bảo với sinh viên rằng muốn sáng tạo cần phải gỡ đi những rào cản, bỏ đi những định kiến trong đầu, tôi nghĩ phải “minh chứng” cho các bạn trẻ. Tôi bèn nói với các em trong lớp rằng: “Chờ thầy một phút”. Khi tôi trở vào lớp, các sinh viên ngạc nhiên và ồ lên. Tôi dám chắc các bạn ấy không ngờ rằng tôi sẽ bận bộ đồ đó, vì theo các bạn thì tôi phải chỉn chu mà. Vậy mà tôi nghĩ đến và tôi dám mặc.
Điều tôi muốn truyền đến sinh viên rằng phải vượt định kiến xã hội thì mới sáng tạo được. Đừng tạo trong đầu mình có một giới hạn nào cả. Chẳng hạn, 20 năm trước tôi nói cái xe hơi biết bay thì nhiều người nghĩ tôi điên vì họ định kiến đã là xe thì không thể bay được. Nhưng có nghĩ đến thì mới nghĩ tiếp là “à, mình làm thế nào cho nó bay được nhỉ?”. Cuối cùng đã có người chế ra xe hơi biết bay đó thôi.
Nhiều sinh viên làm bài nghiên cứu thường nhờ tôi hướng dẫn. Tôi bảo tư duy của các em chưa khác biệt thì làm sao các em có thể làm bài nghiên cứu tốt được. Trên bàn có 10 cây bút như nhau thì chẳng ai chú ý cả, nhưng nếu trong số ấy có một cây khác biệt thì người ta để mắt cây bút lạ ấy ngay!
Nhưng nếu muốn hướng dẫn sáng tạo, ông có thể chọn hình thức khác, đâu nhất thiết phải quần đùi, áo vest?
Chọn hình thức, phương pháp nào còn tùy thuộc vào khả năng hấp thụ của người học. Trường hợp người học hấp thụ kém thì cần làm cho họ giật mình để nhớ mãi. Cách này gọi là liệu pháp sốc (shock therapy). Họ phải nhớ mãi hình ảnh của tôi kèm theo câu nói của tôi là “Không có gì làm rào cản trong tư tưởng, con voi có thể biết bay”.
Cái mà ông gọi là sự khác biệt, sáng tạo ấy đã truyền được bài học gì cho sinh viên?
Trong lớp học hôm đó có nhóm bạn làm cái bánh mì thịt, phần nhân và nước sốt y xì chỗ khác nhưng cái bánh mì do chính tay các bạn nướng lại rất độc đáo, khác với các loại bánh mì tôi đã từng ăn.
Các em cho biết muốn mở tiệm bánh mì thịt. Tôi bảo nên mở lò bánh mì. Cái bánh mì ngon ấy mới là sự khác biệt và đó là bài học về tư duy sáng tạo, tư duy phân tích thị trường. Phải có sản phẩm độc đáo thì mới thành công.
Chứ ở xứ mình lạ lắm. Một nhà bán phở đông khách là nhà kế bên cũng bán phở, rồi... giết nhau cùng chết!
Giá trị ở nơi này có thể vô giá trị ở nơi khác
Ngoài ĐH Hoa Sen, ông còn có một tấm ảnh mặc áo thun khoét lỗ vuông to ở phần rốn cũng kỳ dị không kém…
Thật ra lớp đầu tiên của “Lộ trình sáng tạo” là ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vào giữa năm 2016. Lúc ấy tôi phát cho mỗi sinh viên một chiếc áo thun. Tôi bảo mỗi em tự sáng tạo với cái áo ấy. Đa số các em chỉ dám vẽ lên áo, có vài em “táo bạo” chút thì cắt nhiều lỗ nhỏ trên áo, hoặc thắt làm bím. Các em nữ thì chỉ dám dùng cái áo cột lên đầu. Làm như thế thì có gì khác lạ lắm đâu. Người ta thường nghĩ cái áo thun thì phải đều hai tay, phải che rốn. Thế thì tôi cắt tay áo không đều nhau và khoét chỗ rốn thành cái lỗ vuông.
Có ý kiến nói rằng “ông này Tây học quá, nhập gia thì phải tùy tục”, ông quan điểm ra sao?
Đúng là nhập gia tùy tục, mình vào xã hội nào thì phải hiểu xã hội đó. Nhưng - chữ “nhưng” này quan trọng lắm, tôi đang muốn đổi tư duy lối mòn của giới trẻ. Chính phủ kêu gọi xây dựng quốc gia khởi nghiệp mà các bạn không thay đổi thì làm sao khởi nghiệp? Sao chép tư duy của nhau thì làm sao khởi nghiệp? Tập tục thì tôi vẫn giữ, biết phải giữ lễ, phải ăn nói thế nào, ra đường ăn mặc đàng hoàng.
Vậy thì nếu sang quốc gia khác, ông có “sốc” như vậy?
Điều này tùy thời điểm, tùy môi trường. Chẳng hạn ở Nam Mỹ, giáo sư nhảy lên bàn nhảy đầm là chuyện thường. Cảnh đó không thể xảy ra ở VN. Ở Mỹ, các giáo sư vẫn bận quần short đi dạy vào mùa hè là bình thường. Tôi thấy mặc như vậy không hở hang, không phạm pháp. Nếu tôi bận quần đùi, áo vest ra đường, tôi có thể bị cho là điên nhưng trong môi trường đang dạy bài học về sáng tạo thì khác. Điều quan trọng là khả năng bạn truyền đạt kiến thức tới đâu.
Hãy nhớ cái gì được cho là đúng ở xã hội này thì có khi nó bị cho là sai ở xã hội khác. Chẳng hạn, nếu bạn qua một số nước Đông Âu vào mùa hè thì khi đi bãi biển không mặc đồ tắm, nếu không thì cả bãi người đang tắm trần sẽ nhìn bạn. Giá trị ở nơi này có thể vô giá trị ở nơi khác. Việt Nam không chấp nhận chuyện người có họ hàng gần lấy nhau, nhưng ở Trung Đông thì đó lại là bình thường.
Một số comment trên mạng xã hội nói ông cố ý lập dị để cho thấy mình giỏi, mình khác lại nghi ngờ ông... PR?
Tôi không bao giờ nói tôi giỏi hơn ai cả. Tôi cũng có những cái xấu của tôi chứ. Nói tôi PR cũng là sai lầm. Tại sao lúc đầu tôi không PR cho ĐH Bách khoa trong khi lớp bên ấy tôi làm độc đáo hơn, hoành tráng hơn, đối tượng mở rộng hơn? Tôi không tung thông tin, đưa hình ảnh cho ai, trường cũng không đưa cho ai. Chỉ khi thấy Internet đưa lên thì tôi mới post ảnh lên Facebook, cho biết rằng tôi đã từng làm chuyện này rồi. Mà hồi làm ở ĐH Bách khoa, không ai ý kiến gì. Tôi mới về ĐH Hoa Sen chừng hai tháng thì… có scandal! (Cười)
Đa phần ý kiến phản đối, bảo “ông Thành làm xấu môi trường sư phạm”?
“Cái áo cà sa không làm nên thầy tu”, bạn ạ! Có nhiều vị giáo sư nói năng trịnh trọng nhưng đằng sau lại làm việc tác tệ, vậy mình đánh giá cái trịnh trọng của họ hay đánh giá cái giá trị bên trong của họ?
Câu chuyện “quần đùi”, người ta đã chỉ nhìn vào tấm ảnh phán xét chứ không căn cứ bối cảnh câu chuyện. Tôi làm điều gì sai đạo đức? Điều tôi muốn nói với học trò qua bộ đồ ấy là “muốn phát triển tư duy thì cần phải có những phá cách trong não bộ của bạn, đừng đi theo lối mòn” chứ tôi không cổ súy rằng phải làm những chuyện quái dị như vậy ở ngoài đời, cũng không bảo rằng các nhà giáo khi đi dạy học hãy bước vô giảng đường với bộ trang phục như thế.
Thành đạt, có uy tín, ví dụ giờ bước ra đường, người ta gọi ông là “giáo sư quần đùi”, ông thấy sao ạ?
(Cười to) Tôi thấy đâu có vấn đề gì. Có thể tôi hơi cá biệt một tí nhưng tôi không đặt nặng người ta nghĩ gì cả!
Ước nguyện gieo hạt
GS Trương Nguyện Thành sinh năm 1961, quê ở Bình Định. 11 tuổi, ông phải ra bến xe bán thuốc lá lo cho gia đình nhưng ông học giỏi toán.
Năm 1979, thầy giáo đưa ra vài bài toán mẹo. Trương Nguyện Thành giơ tay: “Mấy bạn giỏi đều không làm được. Vậy không biết thầy có muốn nghe ý kiến của trò dở không?”. Sau đó, Thành được đưa vào đội tuyển toán của tỉnh.
Năm 18 tuổi, ông Thành sang Mỹ học đại học, mạnh dạn xin nghiên cứu khoa học khi đang học năm thứ hai. Năm 1990, ông lấy bằng tiến sĩ và giành được giải thưởng của Hội đồng Khoa học Quốc gia Mỹ. Năm 1992, ĐH Utah mời ông làm giáo sư chính thức giảng dạy môn hóa lượng tử. Ông được phong giáo sư cao cấp khi mới 41 tuổi.
Năm 2005, ông được mời về TP.HCM diễn thuyết về tầm quan trọng của khoa học và công nghệ tính toán. Sau đó ông trở thành đồng viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và tính toán.
Kể cả lúc làm đồng viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và tính toán TP.HCM và sau này làm ở môi trường sư phạm, ông luôn nói mình cố gắng gieo hạt giống khoa học. Ông bảo: “Hạt giống mà tôi gieo được là đưa nhiều em ra nước ngoài nghiên cứu. Các bạn đã về nước và đang phát huy ở các trường đại học. Nay hạt giống mà tôi đang gieo dành cho các bạn sinh viên. Tôi chọn đối tượng này vì nghĩ mình sẽ khơi nguồn cho nhiều em hơn. Tôi không chọn học lực mà chọn những em tư duy có tính cách. Học trò tôi cũng có người giỏi, người dở nhưng tôi luôn bảo họ đừng dễ dàng đầu hàng. Lúc tôi cơ cực nhất, tuyệt vọng tận đáy vì gia cảnh khó khăn, tôi từng được thầy giáo và nhiều người giúp đỡ. Tôi đã nguyện với lòng và nay là lúc tôi ở lại quê hương để trả nợ ân tình, đem cơ hội cho người khác…".
Theo Pháp luật TP. HCM