Đà Nẵng đề xuất thí điểm mô hình chính quyền “ba cấp hành chính“

VietTimes -- Đề xuất được Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đưa ra tại buổi làm việc với Đoàn Khảo sát số 4, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai làm trưởng đoàn vừa diễn ra sáng 13/4.
Đà Nẵng đề xuất thí điểm mô hình chính quyền "ba cấp hành chính"
Đà Nẵng đề xuất thí điểm mô hình chính quyền "ba cấp hành chính"

Sáng 13/4, Đoàn khảo sát số 4 của Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về công tác xây dựng hệ thống chính trị cấp quận, huyện của thành phố nhằm phục vụ xây dựng Đề án “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí đã báo cáo kết quả công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành trong công tác xây dựng tổ chức bộ máy và quy chế làm việc tại các cấp ủy theo các quy định của Trung ương và các bộ, ngành liên quan. Đến nay, phần lớn các chủ trương của Trung ương về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị cấp quận, huyện đều được chấp hành nghiêm túc; công tác kiểm soát việc thành lập mới các tổ chức hành chính, sự nghiệp được thực hiện chặt chẽ; giảm sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; thể hiện rõ vai trò của thủ trưởng cơ quan, đơn vị....

Tuy nhiên, công tác tổ chức bộ máy ở cấp quận, huyện của Đà Nẵng vẫn còn những hạn chế nhất định, tổ chức bộ máy chưa tinh gọn, có nơi chưa chưa hợp lý; chức năng nhiệm vụ một số cơ quan còn chồng chéo, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng; quy định thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu chưa rõ;...

Để xây dựng hệ thống chính trị cấp quận, huyện hiệu quả hơn, Thành ủy Đà Nẵng kiến nghị với Trung ương cho Đà Nẵng được thí điểm tổ chức chính quyền đô thị theo hướng hình thành mô hình 3 cấp hành chính: 1 cấp chính quyền hoàn chỉnh là cấp thành phố; cấp quận, huyện; và cấp xã chỉ có UBND. 

Để triển khai kiến nghị này, Đà Nẵng đề xuất chia tách huyện Hòa Vang thành 2 quận, các xã của huyện Hòa Vang sẽ thành phường. Đồng thời, ban hành các quy định về cơ chế đặc thù, phân cấp, phân quyền cụ thể để chính quyền đô thị hoạt động có hiệu quả. 

Về quản lý biên chế, Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Trung ương đánh giá hiệu quả sử dụng nhân lực tại các địa phương và cân đối phương án giao biên chế phù hợp; đồng thời, Trung ương chỉ quản lý về biên chế, giao quyền tự chủ cho các tỉnh, thành phố trong việc thành lập một số các đơn vị đặc thù, phù hợp với nhu cầu của địa phương. Cùng với đó, xem xét để sáp nhập các trung tâm bồi dưỡng chính trị quận huyện vào ban tuyên giáo quận ủy, huyện ủy để thống nhất về công tác quản lý và hoạt động chuyên môn; và xem xét không duy trì mô hình 3 đảng bộ các cơ quan thuộc cấp huyện như hiện nay và nghiên cứu, sắp xếp lại tổ chức chi bộ cơ sở trực thuộc quận ủy, huyện uỷ để thuận lợi trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, trực tiếp của quận ủy, huyện uỷ.

Đà Nẵng, đề xuất thí điểm, mô hình chính quyền, ba cấp hành chính, VietTimes
Sáng 13/4, Đoàn khảo sát số 4 của Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về công tác xây dựng hệ thống chính trị cấp quận, huyện (ảnh Quỳnh Đan)

Ghi nhận những kết quả mà Thành ủy Đà Nẵng đã thực hiện trong thời gian qua, bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương cho biết, trong quá trình khảo sát, có thể nhận thấy Đà Nẵng là địa phương có tính chất đô thị đậm nét nhất, cũng như thời điểm Đà Nẵng cần mô hình chính quyền đô thị. Và để thực hiện đổi mới phương thực lãnh đạo của Đảng, xây dựng bộ máy hướng đến cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và người dân làm chủ thì yêu cầu sự lãnh đạo của Đảng đối với mô hình chính quyền đô thị phải có sự đổi mới cho phù hợp và đáp ứng quan điểm phát triển.

Liên quan đến công tác quản lý biên chế, Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng, nếu Đề án Vị trí việc làm được thiết kế chuẩn mực sẽ tạo nên bước đột phá trong công tác quản lý biên chế, nhận sự và tuyển dụng. Riêng đối với ý kiến của Đà Nẵng về việc tiếp tục nghiên cứu sắp xếp bộ máy hợp lý hơn, bà Trương Thị Mai cho rằng không nhất thiết rập khuôn bộ máy của Trung ương, mà Đà Nẵng cần có cơ chế linh hoạt để có sự chọn lựa phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương. 

Đối với mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND cấp quận, huyện mà Đà Nẵng đưa ra có thể đưa vào Nghị quyết của Đảng để khẳng định yêu cầu cũng như các đề xuất về sáp nhập các ban Đảng, nhất thể hóa vị trí trưởng Ban Dân vận kiêm Chủ tịch UBMTTQ, trưởng Ban Tổ chức và Phòng Nội vụ, Ban Tuyên giáo với Phòng Văn hóa-Thông tin, Trung tâm Y tế và Phòng Y tế trên tinh thần để cho bộ máy gọn gàng và phát huy sức mạnh hơn. Và các đề xuất, kiến nghị của Đà Nẵng sẽ được đoàn báo cáo đầy đủ với Ban chỉ đạo Đề án để tổng hợp trình Trung ương.