Công bố báo cáo môi trường quốc gia: Quản lý yếu kém, ô nhiễm gia tăng

VietTimes -- Chiều 29/9, Bộ TNMT đã tổ chức lễ công bố báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015. Theo báo cáo, trong 5 năm qua, công tác bảo vệ môi trường tại hầu hết các địa phương trên cả nước vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập; môi trường vẫn đang đứng trước nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết,
Trong giai đoạn 2011 - 2015, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam gia tăng - (Ảnh minh họa)
Trong giai đoạn 2011 - 2015, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam gia tăng - (Ảnh minh họa)

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 dài 244 trang với 10 chương, đánh giá tổng quan hiện trạng môi trường Việt Nam, nguyên nhân, các nguồn tác động chính lên môi trường, diễn biến chất lượng môi trường đất, nước, không khí và đa dạng sinh học. Báo cáo cũng phân tích những tác động của ô nhiễm môi trường và những đáp ứng của công tác quản lý, từ đó đề xuất những định hướng, giải pháp phù hợp cho giai đoạn tiếp theo.

Theo báo cáo, trong 5 năm qua, công tác bảo vệ môi trường tại hầu hết các địa phương trên cả nước vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập; môi trường vẫn đang đứng trước nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết, nhất là trong bối cảnh hạn hán, khô hạn và hoang mạc hóa do tác động cực đoan của thời tiết và biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt là khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, hiện hạn hán và xâm nhập mặn đang có chiều hướng tăng cả về cường độ và số lượng...

Ngoài do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, những tác động của con người cũng đang góp phần làm trầm trọng thêm các vấn đề về môi trường: hoạt động khai thác khoáng sản ở nhiều địa phương còn thiếu sự quản lý chặt chẽ; một số nơi chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường trong khi chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe đang làm gia tăng các điểm nóng về ô nhiễm môi trường.

Hơn nữa, việc người dân sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan đang khiến ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng gia tăng, thậm chí một số nơi rất nghiêm trọng. Nhiều khu công nghiệp xả thải, làng nghề hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao cũng đã và đang “đầu độc” môi trường.

Điển hình như, sự cố ô nhiễm môi trường biển do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh ven biển miền Trung vào tháng Tư vừa qua được đánh giá là sự cố ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng.

Nhìn chung, tổng thể bức tranh môi trường Việt Nam khá lo ngại với hàng loạt ô nhiễm trên các lĩnh vực như đất đai, nguồn nước, không khí, rác thải, biến đổi khí hậu và thiên tai... nhưng vẫn có nhiều điểm sáng như khắc phục thành công nguồn sống cho sông Thị Vải,...

Báo cáo cũng cho thấy công tác quản lý và kiểm soát ô nhiễm, chất lượng môi trường nước, không khí, cảnh quan môi trường của một số khu vực đô thị đã được cải thiện đáng kể.

Việc công bố báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia trong 5 năm qua có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng phát thải các bon thấp, xanh và bền vững.

Được biết, báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 sẽ được gửi tới các cơ quan của Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới mọi tầng lớp nhân dân, toàn thể xã hội để phục vụ cho quá trình hoạch định chính sách phát triển, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển đất nước một cách bền vững và thịnh vượng.

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 dài 244 trang với 10 chương. Chương 1 là những vấn đề liên quan đến hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và sức ép đối với môi trường. Chương 2 trình bày về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Chương 3 nêu lên hiện trạng chất thải rắn, những vấn đề còn tồn tại trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý.

Từ chương 4 đến chương 6 báo cáo tập trung vào việc phân tích diễn biến chất lượng môi trường nước (nước mặt, nước ngầm, nước biển), không khí và đất. Chương 7 đề cập đến hiện trạng, diễn biến đa dạng sinh học và công tác quản lý đa dạng sinh học. Chương 8 là các vấn đề liên quan tới tác động của ô nhiễm môi trường đến các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.

Chương 9 và chương 10 tập trung vào các nhóm vấn đề quản lý môi trường, tổng kết lại những vấn đề nổi cộm, những thách thức và cơ hội đối với công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới, đưa ra những định hướng, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp cấp bách đối với công tác bảo vệ môi trường.