Chính thức cưỡng chế du thuyền Hồ Tây

VietTimes -- Đúng 8h sáng nay (23/2), ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ có mặt tại hiện trường chỉ đạo cưỡng chế các du thuyền, nhà nổi ở Hồ Tây.
Lực lượng chức năng cấm phóng viên tác nghiệp tại khu vực cưỡng chế.
Lực lượng chức năng cấm phóng viên tác nghiệp tại khu vực cưỡng chế.

Theo ghi nhận của phóng viên, để phục vụ việc tháo dỡ UBND quận Tây Hồ đã dựng dải phân cách đoạn từ trường Trung học Phổ thông Chu Văn An đến đầu đường Nguyễn Đình Thi. Lực lượng chức năng cũng cấm phóng viên tác nghiệp tại khu vực tháo dỡ.

Khi các phóng viên tiếp cận để ghi nhận tình hình triển khai phá dỡ đã gặp phải sự cản trở của lực lượng chức năng. Trao đổi với báo chí về việc cản trở phóng viên trong khi Đài truyền hình Hà Nội vẫn được vào tác nghiệp, ông Nguyễn Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận Tây Hồ cho biết đây là chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Sau khi tiếp tục nhận được những câu hỏi liên quan đến việc tác nghiệp ông Hoàng giải thích, phóng viên có thể tác nghiệp được ở bên ngoài hàng rào, đến giờ nghỉ trưa quận sẽ để phóng viên vào tác nghiệp.

Lực lượng chức năng cấm đường để thực hiện việc cưỡng chế.

Tại cuộc trao đổi ngắn với phóng viên về việc có hay không câu chuyện đền bù cho các doanh nghiệp kinh doanh du thuyền trên Hồ Tây, ông Hoàng khẳng định UBND quận Hồ Tây thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP, còn việc đền bù hay không đền bù sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Thành phố.

Mới đây, UBND quận Tây Hồ có Quyết định số 35/KH-UBND đã yêu cầu tháo dỡ các công trình vi phạm, di dời toàn bộ phương tiện thủy kinh doanh sai phép trên Hồ Tây. Theo đó, các công trình vi phạm, xây dựng trái phép từ số 2-10 đường Nguyễn Đình Thi phải tháo dỡ xong trong tháng 2 này. Riêng các du thuyền, nhà nổi phải được di dời về khu tập kết tại Đầm Bẩy xong trước ngày 10/3.

Nội dung cuộc phỏng vấn ngắn giữa phóng viên với ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ

PV: Vì sao khu vực triển khai cưỡng chế lực lượng chức năng đã sử dụng hàng rào chắn, cấm quay phim, chụp ảnh,... cấm phóng viên nhưng lực lượng chức năng vẫn để phóng viên Đài Truyền hình Hà Nội vào tác nghiệp?

Việc này đã có chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

PV: Cụ thể ở đây là ai chỉ đạo?

Tôi xin trả lời nội dung là như vậy.

PV: Việc cưỡng chế là chủ trương đúng đắn, công khai của Thành phố tại sao lại có việc cấm tác nghiệp của phóng viên như vậy?

Tác nghiệp! tác nghiệp!... các đồng chí vẫn có thể tác nghiệp ngoài hàng rào, vẫn quay phim được, vẫn ghi hình được.

PV: Chúng tôi ghi nhận vẫn có một số phóng viên của các đài khác được vào trong tác nghiệp vậy sao chúng tôi không được vào?

Một lát nữa chúng tôi sẽ mời các đồng chí vào để tác nghiệp, sau khi đến giờ trưa sau khi tạm nghỉ chúng tôi sẽ cho vào.

PV: Theo các doanh nghiệp nguyên nhân họ chậm triển khai tháo dỡ vì họ đang thực hiện báo cáo của Thành phố trong tháng 2, họ có mong muốn được hỗ trợ đền bù. Quan điểm của quận về vấn đề này như thế nào?

Chúng tôi chưa hề nhận được thông tin, báo cáo của doanh nghiệp liên quan đến thống kê theo chỉ đạo của UBND TP. Việc này các doanh nghiệp sẽ trực tiếp báo cáo với UBND TP. Theo giao nhiệm vụ tại văn bản 38 chúng tôi phải tổ chức thực hiện theo tiến độ đề ra, theo chỉ đạo của Thành phố.

PV: Đối với những hạng mục, tài sản của doanh nghiệp bị cưỡng chế tháo dỡ thì có đền bù cho doanh nghiệp không?

Thẩm quyền chúng tôi thực hiện theo quyết định 38, còn việc đền bù hay không đền bù Thành phố sẽ có chỉ đạo.

PV: Theo kế hoạch việc cưỡng chế sẽ diễn ra trong khoảng thời gian nào?

Cưỡng chế được thực hiện từ 8h sáng 23/2 và sẽ kết thúc khi thực hiện dỡ xong toàn bộ sàn cứng ở khu vực này.