Theo Báo cáo tại hội nghị của Ban Tổ chức Trung ương, năm 2016, toàn ngành đã cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, Kết luận số 01 và Kết luận số 02 của Ban Tổ chức Trung ương; tham mưu công tác nhân sự và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; kịp thời sắp xếp, kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của cơ quan Nhà nước các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Ngành tiếp tục tham mưu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI; xây dựng và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đổi mới, cải tiến phong cách, lề lối làm việc; tiếp tục cải cách hành chính trong Đảng về công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Trong năm, ngành đã nghiên cứu, đề xuất bổ sung, sửa đổi, xây dựng mới các văn bản góp phần giải quyết, tháo gỡ những vấn đề nổi lên liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng; thẩm định các đề án, văn bản hướng dẫn, trả lời; thẩm tra, xác minh tiêu chuẩn chính trị phục vụ công tác cán bộ diện cấp ủy các cấp quản lý.
Ban Tổ chức Trung ương đã tham gia thẩm định và phối hợp thực hiện 40 đề án trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; 179 báo cáo, tờ trình cùng 4.229 văn bản các loại hướng dẫn, trả lời liên quan đến lĩnh vực tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên... của các ngành, các cấp, các địa phương, đơn vị.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo này, hiện vẫn còn những hạn chế, yếu kém trong công tác của ngành Tổ chức Xây dựng Đảng. Đó là chưa khắc phục được tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị; chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém, sơ hở; còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, cấp trên “sợ” cấp dưới trước thời điểm lấy phiếu tín nhiệm hoặc đánh giá cán bộ cuối năm; còn tình trạng cấp dưới chưa thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp trên.
Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy chưa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đội ngũ cán bộ của toàn ngành nhìn chung còn những hạn chế, bất cập, chậm được khắc phục, nhất là năng lực nghiên cứu, dự báo và sự tích cực chủ động trong công tác.
Ở một số nơi, một số trường hợp tuy thực hiện "đúng” quy trình nhưng vẫn không chọn "trúng" người, “đúng” việc, gây bức xúc trong xã hội như các trường hợp Nguyễn Xuân Sơn, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy... Công tác tham mưu tuy đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của cấp ủy các cấp và thực tế đặt ra; một số đề án, nhiệm vụ được giao chưa hoàn thành
Trích Báo cáo Hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức Xây dựng Đảng năm 2017
Từ đây, báo cáo của ban tổ chức Trung ương xác định những nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới là tập trung Nâng cao chất lượng cán bộ và công tác cán bộ với 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2017. Tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XII về xây dựng Đảng về đạo đức; phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các đề án, chương trình, kế hoạch được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp giao. Ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên về công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Năm nay, ngành Tổ chức Xây dựng Đảng tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện 11 đề án, nội dung trong Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017; rà soát, sửa đổi quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn theo hướng “một nhiệm vụ chỉ một cơ quan, một tổ chức đảm nhiệm”. Ngành tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng cán bộ và công tác cán bộ, trọng tâm là đổi mới công tác đánh giá, quy hoạch, luân chuyển cán bộ theo hướng thực chất, trọng dụng nhân tài...
Năm 2017 tiếp tục xây dựng Nngành Tổ chức Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng 04 hóa: Hạt nhân hóa cán bộ lãnh đạo; chuẩn hóa các văn bản pháp quy; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tự động hóa tổ chức thực hiện. Toàn Ngành tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, bổ sung, phát triển lý luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; triển khai mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tăng cường hợp tác quốc tế góp phần phục vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; coi trọng và đẩy mạnh công tác truyền thông về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; chủ động phát hiện, giải quyết kịp thời những hạn chế, yếu kém và thực hiện tốt những nhiệm vụ đột xuất.
Chọn công tác đánh giá cán bộ làm khâu đột phá
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông Đinh Thế Huynh chúc mừng và biểu dương những kết quả mà ngành Tổ chức Xây dựng Đảng đã đạt được trong năm 2016, trong thành tựu chung của đất nước, có những đóng góp xứng đáng của ngành Tổ chức Xây dựng Đảng. Toàn Ngành đã tích cực đổi mới toàn diện các mặt công tác, nhất là đổi mới tư duy, nội dung phương pháp làm việc; triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ với quyết tâm cao, nỗ lực hoàn thành khối lượng cộng việc lớn với kết quả đáng ghi nhận.
Theo Trường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh, nhiệm vụ của ngành tổ chức xây dựng Đảng năm 2017 rất nặng nề. Toàn ngành phải chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và đạo đức; về tổ chức, cán bộ; về phương thức lãnh đạo và phong cách, lề lối làm việc; phối hợp nghiên cứu tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư những vấn đề lớn, cốt lõi để tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Ngành Tổ chức Xây dựng Đảng tiếp tục tham mưu cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng để thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trước mắt, ngành tập trung cao độ để xây dựng có chất lượng, đúng tiến độ hai Đề án lớn: "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" trình Hội nghị Trung ương 6 và chuẩn bị Đề án "Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" trình Hội nghị Trung ương 7. Đây là những vấn đề lớn, quan trọng, tác động trực tiếp đến toàn hệ thống chính trị, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của toàn ngành.
Theo Thường trực Ban bí thư, năm 2017, toàn ngành cần tập trung rà soát hệ thống các văn bản, quy định, quy chế, hướng dẫn để sớm đề xuất hướng bổ sung, sửa đổi cho đồng bộ, thống nhất, liên thông giữa hệ thống Đảng và chính quyền các cấp từ Trung ương tới địa phương.
Ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng theo hướng chuẩn hóa đội ngũ lãnh đạo, chuẩn hóa văn bản pháp quy, đơn giản hóa thủ tục, tự động hóa tổ chức thực hiện; tập trung xây dựng ngành Tổ chức Xây dựng Đảng đoàn kết, trong sạch; đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng có đủ năng lực và phẩm chất, đủ sức đảm đương những nhiệm vụ quan trọng mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp giao.
"Ngành Tổ chức Xây dựng Đảng phải đi đầu trong cải cách hành chính. Việc củng cố và phát triển ngành Tổ chức xây dựng Đảng phải đi liền với công tác tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu, gắn bó và ủng hộ. Đây là việc lớn, đòi hỏi phải có chương trình, kế hoạch rất bài bản, phải có sự đầu tư công sức, trí tuệ của toàn ngành và phải có quyết tâm rất cao mới có thế làm tốt được," Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh nhấn mạnh.
Theo ông Đinh Thế Huynh, “Có một thực tế là, hiện tại có nhiều nơi 100% cá nhân được đánh giá là hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng tập thể của những cá nhân ấy chỉ hoàn thành nhiệm vụ ở mức trung bình, thậm chí không hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
“Tôi cho rằng, mấu chốt của vấn đề chính là ở khâu đánh giá cán bộ, còn có tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, bệnh thành tích… Nếu làm tốt công tác đánh giá cán bộ thì sẽ khắc phục được sự bất hợp lý giữa đánh giá cán bộ, xếp loại cá nhân với đánh giá tập thể” - Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.