gười bán vé số lầm lũi đi trong mưa ở TP HCM chiều 3-1 Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Trong kết luận thanh tra về trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Khang - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang (nghỉ hưu vào tháng 12-2015) - vừa được công bố, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra một loạt sai phạm của Công ty TNHH Xổ số kiến thiết (XSKT) tỉnh Tiền Giang.
Muốn trả lương bao nhiêu thì trả
Về công khai, minh bạch trong phòng chống tham nhũng tại Công ty TNHH XSKT tỉnh Tiền Giang, theo Thanh tra Chính phủ, trong các năm 2013 và 2014, công ty không công khai các thông tin theo quy định, như: quyết định, nghị quyết quan trọng của HĐQT; thông tin về lao động tiền lương; số lượng viên chức quản lý… Đáng chú ý, năm 2014, công ty này chi lương viên chức quản lý (4 người) bình quân là 60,8 triệu đồng/người/tháng, tính ra bình quân 730 triệu đồng/người/năm; lương CBCNV (121 người) bình quân là 26,1 triệu đồng/người/tháng; thù lao Ban Kiểm soát (3 người) là 4,1 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, năm 2013, Công ty TNHH XSKT tỉnh Tiền Giang đã trích 60 tỉ đồng quỹ đầu tư phát triển của công ty để chuyển cho quỹ đầu tư phát triển của tỉnh là sai quy định.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH XSKT tỉnh Tiền Giang nộp bổ sung ngân sách nhà nước 98,8 tỉ đồng vì những khoản chi sai trong thời gian ông Nguyễn Văn Khang làm chủ tịch UBND tỉnh; đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nghiêm túc kiểm điểm thiếu sót, sai phạm và chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan nghiêm túc khắc phục các sai sót đã nêu.
Trước đó, tình trạng chi lương “khủng” vô tội vạ cho lãnh đạo cũng bị phát hiện tại XSKT tỉnh Bạc Liêu.
Theo sổ sách kế toán được công bố chính thức, bà Nguyễn Ngọc Thúy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XSKT Bạc Liêu, nhận lương năm 2013 gần 1 tỉ đồng; Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Kiều Oanh nhận lương hơn 664 triệu đồng; kế toán trưởng Trần Trung Hậu nhận lương gần 500 triệu đồng.
Công ty TNHH MTV XSKT Bạc Liêu hoạt động theo mô hình doanh nghiệp 100% vốn sở hữu của nhà nước. Theo Nghị định 51/2013/NĐ-CP ngày 14-5-2013 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên HĐTV hoặc chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc hoặc giám đốc, phó tổng giám đốc hoặc phó giám đốc, kế toán trưởng trong công ty TNHH MTV do nhà nước làm chủ sở hữu thì mức lương của tổng giám đốc và giám đốc chỉ từ 2-27 triệu đồng/tháng; kế toán trưởng từ 16-21 triệu đồng/tháng.
Trước khi Nghị định 51/2013/NĐ-CP có hiệu lực, có tháng bà Thúy lĩnh lương lên đến gần 209 triệu đồng (tháng 1-2013), bà Oanh lĩnh gần 125 triệu đồng. Khi áp dụng Nghị định 51, lương có thấp hơn nhưng không tháng nào dưới 35 triệu đồng. Đơn cử tháng 12-2013, bà Thúy nhận lương trên 73 triệu đồng, bà Oanh nhận trên 38 triệu đồng; tháng 10-2013, bà Thúy nhận trên 92 triệu đồng, bà Oanh nhận trên 64 triệu đồng...
Sau khi việc chi lương sai bị phanh phui, hiện tại, theo công bố chính thức từ công ty này, lương năm 2014 của tổng giám đốc còn 27 triệu đồng/tháng, phó tổng giám đốc 23 triệu đồng/tháng…
Lấy “tiền chùa” đài thọ cán bộ đi nước ngoài
Không những trả lương “thả giàn”, các công ty XSKT tỉnh còn chi phóng tay quá mức trong các hoạt động khác.
Năm 2014, Thanh tra Chính phủ có kết luận liên quan đến hàng loạt sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH MTV XSKT Hậu Giang trong giai đoạn 2010 đến quý I/2013. Theo đó, tổng số tiền chi không đúng chế độ, chính sách trong giai đoạn nêu trên là hơn 7,5 tỉ đồng. Có tháng, công ty chi tiếp khách cả nửa tỉ đồng. Thanh tra Chính phủ cũng kết luận công ty đã dùng 33 tỉ đồng cho Công ty CP In Cần Thơ vay với lãi suất 8%/năm; đem cả trăm tỉ đồng gửi ngân hàng để lấy lãi gần 36 tỉ đồng và sử dụng không minh bạch số lãi này. Giám đốc và kế toán trưởng công ty cũng bị phát hiện là không trung thực trong kê khai tài sản và thu nhập…
Mới đây, như Báo Người Lao Động đã phản ánh Công ty XSKT tỉnh Tiền Giang đã tài trợ cho rất nhiều cán bộ cấp tỉnh chuẩn bị nghỉ hưu đi “học tập kinh nghiệm” ở nước ngoài. Sau khi báo chí lên tiếng, chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang đã quyết định hủy bỏ chuyến đi. Trước đó, XSKT Tiền Giang đã từng tài trợ cho một vị lãnh đạo của tỉnh đi “học tập kinh nghiệm” ở Mỹ.
Tại tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh này cũng vừa ký quyết định cử đoàn 12 cán bộ lãnh đạo của tỉnh đi Canada để học tập kinh nghiệm… xổ số! Cả đoàn 31 người, trong đó ngoài 12 cán bộ chủ chốt của tỉnh còn có chủ 16 đại lý vé số và chỉ có 3 người thuộc XSKT Bình Phước. Chi phí chuyến đi gần 1,5 tỉ đồng, hầu hết do doanh nghiệp nhà nước là Công ty TNHH MTV XSKT và Dịch vụ tổng hợp Bình Phước chi trả. Đáng nói, trong số 12 cán bộ lãnh đạo của tỉnh có nhiều người sắp về hưu hoặc không hề nằm trong Hội đồng Giám sát XSKT tỉnh. Khi dư luận phản ứng, đại diện lãnh đạo tỉnh cho biết chuyến đi có thể phải lùi lại vài tháng vì “chưa làm kịp thị thực” (!).
Trước đó, năm 2014, tỉnh Bình Phước cũng cử 2 đoàn gồm 54 cán bộ đi “học tập kinh nghiệm” tại Singapore và Malaysia…
Bình luận về chuyện này, chuyên gia kinh tế cao cấp - TS Lê Đăng Doanh nói “đó là những chuyến đi trá hình”. “XSKT thì có gì mà học tập. Có nước nào bán vé số nhiều khủng khiếp như Việt Nam đâu, họ phải sang “học tập” Việt Nam mới phải, sao chúng ta phải cử đoàn này đoàn kia qua!? Đó chẳng qua là đi chơi, đi du lịch đội lốt “học tập kinh nghiệm” thôi. Nhiều vị biết sai mục đích song vẫn đi là vì đi bằng “tiền chùa”. Năm 2015, Việt Nam có tới 2.000 đoàn đi nước ngoài, tốn kém khủng khiếp, những chuyến đi do các công ty XSKT tài trợ nằm trong số lãng phí đó” - ông Doanh chỉ trích.
“Sân sau” của các tỉnh, thành?
Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, XSKT là một trong các nguồn thu chính thức, hợp pháp và quan trọng của ngân sách nhà nước, nhất là ở địa phương còn hạn chế các nguồn thu khác. Hoạt động này dựa trên những cơ sở pháp lý và quy định đặc thù, phù hợp với thực tế địa phương theo phân cấp quản lý nhà nước nhưng về nguyên tắc, cần bảo đảm sự minh bạch, công khai và hiệu quả; đồng thời, chú ý tới sự hài hòa lợi ích, tránh tạo bất bình đẳng trong thu nhập chung giữa các cơ quan sự nghiệp công và không được biến thành đặc quyền đặc lợi của đơn vị được giao quyền tổ chức hoạt động này trên địa bàn.
“Việc có đơn vị trả lương cho lãnh đạo và nhân viên công ty xổ số quá cao là không bình thường, thể hiện đặc quyền đặc lợi, cần được rà soát và chấn chỉnh để đáp ứng các yêu cầu kỷ luật ngân sách nhà nước; thậm chí có thể xem xét, truy thu và xử lý các hành vi cố ý vi phạm, những khoản trả sai và sự lạm dụng giống như nhiều tỉnh đã làm với một số công ty môi trường, sự nghiệp công khác” - ông Phong đề xuất.
TS Lê Đăng Doanh nêu quan điểm: “Cần phải thực hiện kiểm toán thường xuyên tất cả các công ty XSKT tỉnh và công bố kết quả để xem có thực hiện đúng Nghị định 51/2013/NĐ-CP hay không, đồng thời xử lý thật nghiêm các sai phạm để chấn chỉnh những doanh nghiệp này, tránh để trở thành “sân sau” cho các địa phương lấy tiền chi xài sai nguyên tắc”.
Theo NLĐ