Trên thực tế, Thừa Thiên Huế không phải là một tỉnh có tiềm lực kinh tế mạnh và họ cũng không quá nổi bật về các ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành những năm trước đây. Tuy nhiên, Trung tâm Giám sát điều hành thông minh mà tỉnh này xây dựng là điển hình của một dự án thời 4.0 khi mà “tương lai không phải nằm trên đường kéo dài của quá khứ”.
Việc dự án Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh của Thừa Thiên Huế đoạt giải thưởng sáng tạo châu Á do Telecom Asia Awards 2019 trao tặng là điều gây bất ngờ với nhiều người. Bởi lẽ ở hạng mục “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á”, dự án “Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh Thừa Thiên Huế” do Viettel thực hiện đã vượt qua các dự án thành phố thông minh của SK Telecom (Hàn Quốc), Alibaba Cloud (Trung Quốc) và Bharity Infratel Limited (Ấn Độ).
Thế nhưng, không có nhiều người hiểu rằng, đối với các dự án đô thị thông minh, vấn đề với hầu hết các nhà cung cấp giải pháp trên thế giới là họ thường đưa ra các giải pháp tiêu chuẩn.
Và cũng xét về mặt chuẩn mực thì các ứng dụng này rất thông minh. Thế nhưng, khi áp dụng cho bối cảnh đặc thù của từng thành phố thì giải pháp lại gặp khó khăn khi vận hành nếu không điều chỉnh. Chính vì thế, nếu giải pháp cho đô thị thông minh mà không thiết kế đặc thù cho từng thành phố thì khả năng vận hành tốt sẽ rất khó. Đó cũng là lý do nhiều nhà cung cấp trên thế giới không thể cạnh tranh về tính sáng tạo với các dự án nhỏ. Đây là chưa kể đến chi phí đầu tư cho các giải pháp tiêu chuẩn là rất lớn dù vận hành chưa chắc phù hợp.
Với giải pháp của các công ty Việt Nam như Viettel, điều đầu tiên họ xác định khi thực hiện dự án là tính linh hoạt và phù hợp. Chính nhờ việc thiết kế đặc thù cho đặc điểm của Thừa Thiên Huế, Viettel đã xây dựng được một giải pháp vẫn đảm bảo gìn giữ được những giá trị lịch sử, văn hóa của một cố đô mà ứng dụng thông minh vẫn giúp tăng hiệu quả quản lý của chính quyền, cải thiện và đảm bảo an toàn cho đời sống của người dân. Điều quan trọng khác, giải pháp phù hợp với năng lực tài chính của một tỉnh không lớn.
Chính vì những lý do này, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá rất cao giải pháp của Viettel bởi tính phù hợp: “Mô hình được xây dựng dựa trên cơ sở đặc điểm riêng của đô thị Thừa Thiên Huế, phù hợp với quy mô kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo nguyên tắc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”.
Trong việc triển khai, có một tiết lộ khá thú vị từ đơn vị điều hành dự án – ông Lê Xuân Sơn, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Thừa Thiên Huế: “Một điểm chúng tôi cũng đánh giá cao Viettel là thật thà”.
Vị lãnh đạo này giải thích thêm, việc các kỹ sư của Viettel luôn thẳng thắn về những điểm làm chưa tốt, các vấn đề còn tồn đọng mà không giấu diếm giúp cho quá trình vận hành giữa 2 bên thông suốt, giải quyết vấn đề nhanh. Đây cũng chính là nguyên nhân quan trọng giúp dự án được hoàn thành trong 90 ngày – một thời gian không dài với dự án phức tạp và cần sự phối hợp của nhiều đơn vị như Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh.
Trong kỷ nguyên 4.0, tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ và một thành phố không lớn, tiềm lực kinh tế không quá mạnh cũng có thể tạo ra một đô thị thông minh, sáng tạo xuất sắc - điều này đã được minh chứng với chiến thắng của Thừa Thiên Huế tại Telecom Asia Awards 2019.
Thế nhưng, kỷ nguyên 4.0 cũng rất cần một nhân tố quan trọng khác – sự chân thành. Nếu những kỹ sư của Viettel không có được “sự thật thà” như nhận xét của vị Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Thừa Thiên Huê, dự án Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh có lẽ khó hoàn thành nhanh như vậy. Hợp tác trong kỷ nguyên 4.0 vẫn rất cần những nhân tố truyền thống. Nó cũng giống như việc các kỹ sư Viettel cố gắng xây dựng một thành phố 4.0 nhưng họ không để thiếu đi sự cổ kính với các yếu tố lịch sử, văn hóa vốn có của một cố đô trong dự án của mình.