Trên diễn đàn "Thuốc lá mới - quản hay cấm” của VietTimes, các chuyên gia, nhà quản lý đã trao đổi nhiều ý kiến liên quan việc nhập khẩu, sản xuất và lưu hành thuốc lá nung nóng.
Hầu hết các ý kiến của chuyên gia và bạn đọc không đồng tình với đề xuất của Bộ Công thương về cấp phép thí điểm loại thuốc lá này, vì lo ngại những hệ luỵ cho sức khoẻ con người, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Để có thêm thông tin về vấn đề được đông đảo người dân quan tâm, VietTimes có cuộc trao đổi với TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam.
Xuất hiện thuốc lá nung nóng chứa nicotin
- Đại biểu Quốc hội, GS. Nguyễn Anh Trí gọi thuốc lá mới là “sản phẩm độc hại”. WHO có đồng ý về điều này? Theo bà, nên cấm thuốc lá nung nóng theo đề nghị của Bộ Y tế hay cấp giấy phép thí điểm theo đề nghị của Bộ Công Thương?
Tiến sỹ Angela Pratt: Các sản phẩm nicotin và thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, rất có hại cho sức khỏe. Khói tỏa của các sản phẩm này có chứa nhiều độc tố khác nhau có thể gây ung thư, bệnh tim và các bệnh phổi mãn tính trong dài hạn.
Hơn nữa, trong ngắn hạn, các sản phẩm này có thể gây Hội chứng tổn thương phổi cấp, căn bệnh có thể gây tử vong. Ngoài ra còn có rủi ro do chính bộ phận pin gây phát nổ và gây thương tích nghiêm trọng cho người dùng.
Những sản phẩm này cũng được tiếp thị một cách sai lệch nhằm hấp dẫn giới trẻ, thông qua bao bì và mẫu mã sản phẩm bắt mắt cũng như sử dụng hương vị hấp dẫn để lôi kéo giới trẻ dùng thử sản phẩm. Việc nhắm mục tiêu có chủ ý vào những người trẻ tuổi đặt ra nguy cơ nghiêm trọng tạo ra một thế hệ nghiện nicotin hoàn toàn mới.
Kinh nghiệm trên toàn thế giới đã chỉ ra rằng rất khó để quản lý hiệu quả các sản phẩm này - một phần vì chúng liên tục được các nhà sản xuất thay đổi để lách các quy định. Điều này bao gồm những thay đổi về hàm lượng nicotin, hóa chất được sử dụng và năng lượng pin, cũng như hương vị. Hiện tại có khoảng 20.000 loại hương vị được sử dụng, đồng thời các thiết bị cũng có vô số hình dạng, màu sắc và thiết kế khác nhau.
Ngay cả các quốc gia có năng lực quản lý và thực thi cao như Mỹ, Anh và Úc, đã không thể ngăn chặn việc sử dụng và các tác hại gây ra cho thanh thiếu niên.
Vì những lý do này, WHO tin rằng cấm hoàn toàn các sản phẩm này là lựa chọn duy nhất phù hợp với ưu tiên cao mà chính phủ Việt Nam đặt ra đối với việc bảo vệ sức khỏe nhân dân và phù hợp với nghị quyết số 20 của Ủy ban Trung ương, trong đó xác định: "Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của toàn xã hội".
WHO đánh giá cao tiếng nói mạnh mẽ của giáo sư Nguyễn Anh Trí và các đại biểu Quốc hội khác đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác hại sức khỏe do các sản phẩm này gây ra cho giới trẻ, và thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc cấm các sản phẩm độc hại này để bảo vệ sức khỏe của giới trẻ Việt Nam.
- Bộ Công thương đề xuất thí điểm nhập khẩu, sản xuất thuốc lá nung nóng để quản lý các sản phẩm này được tốt hơn. Theo bà, ý kiến này có điều gì cần tranh luận?
Tiến sỹ Angela Pratt: Điều quan trọng cần lưu ý là thuốc lá nung nóng chứa các loại độc tố tương tự như những chất có trong thuốc lá thông thường. Vì vậy, không có lý do gì để tin rằng chúng sẽ ít gây hại hơn cho sức khỏe con người, bất chấp những tuyên bố sai lệch của ngành công nghiệp.
Nếu chúng ta đã biết trước về các tác hại sức khỏe nghiêm trọng của thuốc lá thông thường từ trước khi nó trở nên phổ biến rộng rãi trên thị trường thương mại như ngày nay thì chắc chắn, nó sẽ không bao giờ được hợp pháp hóa. Không có sản phẩm hợp pháp, thương mại nào khác mà lại gây tác hại tới mức là gây ra bệnh tật và tử vong sớm cho hơn 50% số người dùng, khi được sử dụng đúng cách như chỉ định của nhà sản xuất.
Ngoài ra, tương tự như thuốc lá điện tử, các sản phẩm thuốc lá nung nóng ngày càng phức tạp hơn trong thiết kế và sử dụng hương vị, và gần đây một số loại thuốc lá nung nóng dạng lai cũng đã xuất hiện mà trong thành phần cấu tạo thì ngoài sợi thuốc lá lại còn có chứa cả dung dịch nicotin giống như thuốc lá điện tử.
Tương tự như thuốc lá điện tử, sự đa dạng về thiết kế, mẫu mã và thành phần sản phẩm sẽ khiến việc quản lý hiệu quả các sản phẩm này trở nên vô cùng khó khăn khi chúng được hợp pháp hóa.
Khai thác kẽ hở pháp luật để tiếp thị, gây hiểu lầm
- Với tư cách là đại diện của WHO tại Việt Nam, bà thấy các số liệu nghiên cứu của Bộ Y tế đưa ra có đủ thuyết phục? Và bộ này đã làm hết vai trò của mình trong việc xây dựng chính sách hay chưa?
Tiến sỹ Angela Pratt: WHO đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế và các đối tác khác để xem xét bằng chứng về tác hại sức khỏe của các sản phẩm mới này và kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý chúng. Chúng tôi đã xem xét báo cáo do Bộ Y tế đệ trình lên Quốc hội và thấy rằng báo cáo đã tóm tắt rất tốt các bằng chứng khoa học mạnh mẽ và mới nhất về tác hại liên quan đến các sản phẩm này, cũng như các kinh nghiệm quốc tế.
Bộ Y tế đã, đang tích cực phối hợp với các bộ ngành và đối tác khác trong việc truyền thông những tác hại không thể chối cãi liên quan đến các sản phẩm này đến công chúng, đặc biệt là những người trẻ tuổi, những người đang là mục tiêu mà ngành công nghiệp thuốc lá đang cố nhắm tới thông qua các biện pháp tiếp thị sai lệch và gây hiểu lầm.
Vì vậy, Bộ Y tế đã làm những gì có thể, trong phạm vi quyền hạn hiện có để truyền thông, giáo dục về tác hại của các sản phẩm này. Nhưng chỉ dùng các biện pháp truyền thông và giáo dục thì sẽ không đủ. Để bảo vệ hiệu quả xã hội Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, khỏi tác hại sức khỏe của các sản phẩm này, chúng ta rất cần một nghị quyết hoặc luật từ Quốc hội để cấm hoàn toàn các sản phẩm độc hại này.
- Trên giới, có nước nào thành công trong việc quản lý thuốc lá mới sau khi xây dựng các quy định liên quan hay không?
Tiến sỹ Angela Pratt: Kinh nghiệm từ các quốc gia khác đã chỉ ra rằng sau khi quy định quản lý được đưa ra, ngay cả các nước có năng lực quản lý và thực thi cao như Mỹ, Anh và Úc cũng không thể ngăn chặn được việc sử dụng và tác hại mà các sản phẩm này gây ra cho thanh thiếu niên, cũng như sự gia tăng nhanh chóng về tỷ lệ sử dụng.
Điều này xảy ra do các yếu tố bao gồm việc tiếp thị trực tuyến một cách sai lệch và gây hiểu lầm nhắm vào giới trẻ, và ngành công nghiệp liên tục thay đổi các sản phẩm (bao gồm cả thiết kế và nội dung) để khai thác các kẽ hở của pháp luật và tìm cách lách qua các quy định hiện hành. Nếu bạn cho phép ngành công nghiệp thuốc lá một kẽ hở pháp luật cỡ một ly, họ sẽ biến nó thành lỗ hổng cỡ một dặm
Không có quốc gia nào có thể quản lý thành công các sản phẩm này và xử lý được vấn đề gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ. Ở nhiều quốc gia, sau khi thuốc lá điện tử được hợp pháp hóa và quản lý thì tỷ lệ sử dụng đã tăng vọt trong giới trẻ. Ví dụ, ở Mỹ, tỷ lệ sử dụng trong học sinh trung học đã tăng từ 11,5% năm 2017 lên 27,5% năm 2019; ở Canada, tỷ lệ này đã tăng từ 10% năm 2017 lên 20% năm 2019; và ở Ý tăng từ 8,4% năm 2014 lên 17,5% năm 2018.
Do những khó khăn của việc quản lý và nhận thấy bằng chứng ngày càng tăng về tác hại sức khỏe gây ra bởi các sản phẩm này, nên hiện nay có khoảng 40 quốc gia cấm thuốc lá điện tử và 18 quốc gia đã cấm thuốc lá nung nóng. Trong khu vực ASEAN, 4 quốc gia gồm Thái Lan, Singapore, Lào và Campuchia đã cấm cả 2 sản phẩm này, trong khi Brunei đã cấm thuốc lá điện tử.
- Thủ tướng vừa ký Công điện hoả tốc số 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Theo bà, Bộ Y tế cần làm gì để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao là thay Bộ Công thương tham mưu, xây dựng chính sách về thuốc lá mới?
Tiến sỹ Angela Pratt: WHO hoan nghênh việc Thủ tướng ban hành kịp thời Công điện này nhằm tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm mới, và tăng cường thực thi kiểm soát buôn lậu và kiểm soát tội phạm ma túy nhằm làm giảm việc nhập lậu, buôn bán các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên thị trường nội địa.
Tuy nhiên, chỉ khi nào có một qui định cấm hoàn toàn dưới hình thức một nghị quyết hoặc một bộ luật của Quốc hội ban hành, và thực thi mạnh mẽ, thì mới có thể bảo vệ hiệu quả lớp trẻ của Việt Nam khỏi tác hại của các sản phẩm này.
WHO khuyến cáo trong ngắn hạn, Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán thuốc lá điện tử, các sản phẩm chứa nicotin khác, bao gồm cả thuốc lá điện tử không chứa nicotin, và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo hoặc khuyến mãi các sản phẩm này ở Việt Nam.
Trong trung và dài hạn, WHO khuyến nghị Bộ Y tế xây dựng một đề xuất lập pháp toàn diện, bao gồm sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, để đưa vào luật qui định cấm thuốc lá điện tử, các sản phẩm nicotin khác, bao gồm thuốc lá điện tử không chứa nicotin, và các sản phẩm thuốc lá nung nóng.
- Cám ơn bà về cuộc trao đổi!
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu