"Vua nhôm" Lưu Trung Điền: Từ tỉ phú giàu có bậc nhất Trung Quốc đến cú sập của tập đoàn Zhongwang

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Từng được mệnh danh là "vua nhôm" Trung Quốc, Lưu Trung Điền giờ chịu sự quản thúc của chính quyền, trong khi số lượng đơn kiện tiếp tục tăng lên.

0ad5115f-a0a6-42e5-94b0-723d14783685.png
Lưu Trung Điền từng được mệnh danh là "vua nhôm" và là một trong số những người giàu nhất Trung Quốc (Ảnh: Financial Times)

Liu Zhongtian (Lưu Trung Điền), người sáng lập tập đoàn Zhongwang và tạo dựng nó thành hãng sản xuất các sản phẩm nhôm đùn lớn nhất châu Á, đã từng được xếp vào danh sách những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc của Forbes, giờ đang vướng vào vòng lao lý khi công ty của ông phá sản và phần lớn tài sản bốc hơi.

Điều gì đã xảy ra?

Tập đoàn Zhongwang dự kiến nộp kế hoạch tái cấu trúc vào ngày 20/6 vừa qua, tức 9 tháng sau khi các chủ nợ đệ đơn xin tái cơ cấu phá sản hàng trăm công ty con và chi nhánh của nhà sản xuất này.

Các chủ nợ đang muốn nắm rõ Zhongwang còn những tài sản nào. Vào giai đoạn đỉnh cao, tập đoàn có khoảng 50.000 nhân viên và tài sản vượt trên con số 500 tỉ NDT (69 tỉ USD). Pháp nhân lõi của tập đoàn, China Zhongwang Holdings, đã không công bố báo cáo tài chính kể từ năm 2021, khiến công ty này bị loại khỏi Sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong vào ngày 13/4.

Những người hiểu về tình hình Zhongwang ước tính rằng, các chủ nợ có nguy cơ mất trắng 200 tỉ NDT sau khi rót vốn cho hàng loạt công ty bình phong và chi nhánh đầu tư của Zhongwang. Ngoài ra, số lượng tài sản ngoài sổ sách và khoản nợ có liên quan tới ông Liu, 59 tuổi, vẫn chưa rõ.

Trong tháng 9 năm ngoái, tòa án Thẩm Dương ra lệnh sáp nhập và tái cấu trúc 253 công ty con và chi nhánh của Zhongwang. Trong quá trình xử lý vụ phá sản, nhiều giao dịch gian lận đã bị phanh phui, làm dấy lên sự ngờ vực về hoạt động kinh doanh của tập đoàn và uy tín của ông Liu.

Nhiều công ty con của tập đoàn thực chất là công ty bình phong và dường như không có liên hệ với tập đoàn Zhongwang, thế nhưng lại có những giao dịch trị giá hàng tỉ NDT với các chi nhánh khác để được ngân hàng cấp vốn hoặc thổi phồng kết quả báo cáo tài chính của công ty mẹ.

Ông Liu, người từng đứng thứ 9 trong danh sách những tỉ phú giàu nhất Trung Quốc năm 2009 của Tạp chí Forbes, giờ bị loại khỏi danh sách này. Ông nói với Caixin vào tháng 6/2020 rằng ông sở hữu 4 triệu tấn nhôm bị Hải quan Việt Nam thu giữ, trị giá hơn 60 tỉ NDT. Lô nhôm này được nhập về Việt Nam trước khi xuất sang Mỹ và các nước khác.

Ông cũng khoe sở hữu nhiều đất đai ở Trung Quốc có tổng trị giá 75 tỉ NDT. Ông cam kết sẽ bán tài sản ở nước ngoài để trả nợ ngân hàng.

“Zhongwang không vỡ nợ”, ông nói với Caixin. “Trong trường hợp xấu nhất, chúng tôi sẽ xin phá sản và chia tài sản cho tất cả mọi người”,

Thế nhưng Liu chưa từng bán bất cứ tài sản nào của mình ở nước ngoài. Ông sau đó nói rằng những doanh nghiệp này được quản lý bởi cháu trai của ông, nhưng giờ ông không thể tìm thấy người cháu này.

china-ipo-e1629778185602-1200x754.jpg
Liu ăn mừng sau khi tập đoàn Zhongwang được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong (Ảnh: Epoch)

Tỉ phú tự thân

Liu bắt đầu khởi nghiệp ở tuổi 17 bằng cách bán gỗ xẻ, đậu nành và thép phế liệu. Nhiều người biết Liu mô tả ông là người dũng cảm, thông minh và sắc sảo.

Ông sáng lập Zhongwang vào năm 1993, chuyên sản xuất cửa và cửa sổ bằng hợp kim nhôm. Trong giai đoạn bùng nổ bất động sản tại Trung Quốc những năm 1990, nhu cầu về vật liệu xây dựng tăng cao, giúp Zhongwang trở thành một trong top 500 công ty hàng đầu của Trung Quốc.

Năm 2001, tập đoàn nhôm Alcoa của Mỹ đề nghị mua Zhongwang với giá 65 triệu USD. Liu đã thẳng thừng từ chối.

Zhongwang đã chuyển hướng tập trung từ vật liệu nhôm xây dựng sang các sản phẩm nhôm đùn công nghiệp, sau khi Liu nhận thấy triển vọng lớn và lợi nhuận cao hơn trong lĩnh vực này. Năm 2008, doanh số từ ngành kinh doanh mới chiếm tới 55,3% tổng doanh thu của công ty, từ mức 26,6% trong năm 2006.

Khi sự thành công và tham vọng của Liu ngày càng lớn hơn, ông quyết định đề nghị mua lại Alcoa, bên từng đề nghị mua lại công ty ông, theo Nikkei Asia.

Zhongwang bắt đầu chào sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong vào năm 2009, huy động được 1,3 tỉ USD trong đợt IPO lớn nhất thế giới vào năm đó, ngay sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Liu, sở hữu 74,1% cổ phần công ty, đã nhanh chóng lọt vào danh sách tỉ phú Trung Quốc của Forbes.

Zhongwang báo cáo kết quả kinh doanh ấn tượng trong 2 năm đầu với tư cách một công ty được niêm yết. Năm 2020, họ báo cáo lợi nhuận ròng 2,6 tỉ NDT với tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 40,6%, vượt xa các đối thủ cùng ngành và là trường hợp hiếm đối với bất kỳ hãng sản xuất nào.

Untitled.png
Ông Liu tại xưởng sản xuất nhôm của Zhongwang ở Liêu Dương (Ảnh: Time)

Bị truy tố tại Mỹ

Thành công của đợt IPO bắt nguồn từ 2 câu chuyện: Vai trò là nhà cung cấp chính của Zhongwang cho mạng lưới đường sắt cao tốc ở Trung Quốc và triển vọng trở thành một nhà xuất khẩu, chủ yếu là xuất sang Mỹ.

Kể từ năm 2005, Zhongwang đã cung cấp các sản phẩm nhôm cho một số doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Đường sắt để chế tạo khung xe lửa và đường ray. Nhưng một số người trong ngành nói rằng thị phần của Zhongwang đối với mạng lưới đường sắt cao tốc không cao và chỉ dựa vào giá thấp để giành các đơn hàng.

Trước đợt IPO, Zhongwang chủ yếu bán các sản phẩm của họ ở trong nước. Năm 2008, xuất khẩu của công ty chỉ chiếm 3,3% doanh thu. Tuy nhiên, theo ông Liu, trong năm tiếp theo, xuất khẩu sang Mỹ đã tăng đáng kể, chiếm 41% tổng doanh thu. Ông cũng cho rằng Zhongwang sẽ vượt qua các đối thủ bằng việc cung cấp sản phẩm với giá cả thấp hơn và chất lượng cao hơn.

Lợi thế chính của Zhongwang dựa trên ưu đãi thuế xuất khẩu của Trung Quốc. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 1998, nhiều ưu đãi thuế được áp dụng để khuyến khích xuất khẩu và thúc đẩy nền kinh tế. Gói giảm thuế xuất khẩu từ 11-17% áp dụng cho 3 danh mục sản phẩm nhôm.

Để phản ứng, vào năm 2011 Mỹ bắt đầu áp dụng thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhôm nhất định nhập khẩu từ Trung Quốc, chỉ ra tổn hại mà các nhà sản xuất trong nước phải gánh chịu do gói giảm thuế của Trung Quốc. Trong năm đó, xuất khẩu của Zhongwang sang Mỹ giảm tới 90%.

Zhongwang đã cố gắng né biện pháp trừng phạt của Mỹ bằng cách xuất khẩu “các sản phẩm chế biến cao cấp”. Nhưng Bộ Tư pháp Mỹ sau khi điều tra đã kết luận rằng công ty này che đậy hoạt động xuất khẩu nhôm bằng cách làm chúng giống như các tấm pallet để được miễn trừ thuế chống bán phá giá.

Một thẩm phán liên bang Mỹ trong năm 2022 đã phạt 6 công ty có trụ sở tại California mà ông Liu quản lý khoản tiền 1,83 tỉ USD vì âm mưu trốn thuế hải quan. Liu – cũng phải đối mặt với nhiều cáo buộc bao gồm lừa đảo và rửa tiền – không xuất hiện trước tòa. Ông bác bỏ mọi cáo buộc và tự tách mình khỏi 6 công ty nói trên.

12.png
Doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn Zhongwang (Ảnh: Caixin)

Khủng hoảng thanh khoản

Tập đoàn Zhongwang rơi vào khủng hoảng thanh khoản vào năm 2021. Tháng 10 năm đó, công ty này cho hay 2 trong số các đơn vị sản xuất lớn của họ gặp “khó khăn nghiêm trọng” và đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Chính quyền tỉnh Liêu Ninh đã đứng ra hỗ trợ.

Năm trước đó, Liu nói với Caixin rằng tài sản của Zhongwang bao gồm lượng nhôm thỏi trị giá 60 tỉ NDT bị Hải quan Việt Nam thu giữ, 10 nhà kho ở California trị giá khoảng 2 tỉ USD, và nhiều nhà máy ở Đức, Australia, Canada, Mỹ và Mexico trị giá 20 tỉ NDT. Ngoài ra còn 1 tỉ NDT các khoản đầu tư vào các khu mỏ ở Guinea.

Các thỏa thuận tài chính giữa các công ty con của Zhongwang và giữa các chi nhánh với ông Liu hoặc các doanh nghiệp mà ông quản lý đã thu hút được sự quan tâm. Năm 2018, một cuộc điều tra do Văn phòng Kiểm toán Quốc gia thực hiện đã làm rõ một mối quan hệ với một công ty nhôm thuộc sở hữu và quản lý bởi ông Liu.

“Hoạt động kinh doanh của Zhongwang và của cá nhân tôi là hoàn toàn độc lập, và chưa bao giờ có sự liên hệ tài chính giữa chúng”, Liu khẳng định.

Tuy nhiên, cuộc điều tra này phát hiện ra một biên bản thương mại do một chi nhánh của Zhongwang phát hành liên quan tới khoản tiền 10 tỉ NDT được cho là sử dụng để mua nhôm thỏi từ nước ngoài. Chen Yan, cấp dưới được xem như người sẽ kế vị Liu, thừa nhận rằng Zhongwang và doanh nghiệp nhôm của cá nhân ông Liu thường mua nguyên vật liệu cùng nhau, bởi Zhongwang thường mua với số lượng lớn nên được giảm giá.

Để hỗ trợ rót vốn cho Zhongwang và doanh nghiệp của cá nhân mình, Liu đã xây dựng một mạng lưới tài chính ở Liêu Dương, trải khắp vùng Đông Bắc Trung Quốc và bao gồm nhiều ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty bao thanh toán.

32.png
Ngân hàng Thương mại Nông thôn Liêu Dương (Ảnh: Nikkei)

Biên bản thương mại nói trên còn được Ngân hàng Thương mại Nông thôn (NH TMNT) Liêu Dương – ngân hàng cho vay thuộc kiểm soát của Zhongwang – phát cho chi nhánh của Zhongwang. Công ty này nắm giữ 85% cổ phần của ngân hàng, theo ông Liu. Zhongwang đã vay hơn 50 tỉ NDT từ NH TMNT Liêu Dương và một ngân hàng địa phương khác là Ngân hàng Liêu Dương. Cá nhân ông Liu cũng vay hơn 40 tỉ NDT từ hai ngân hàng trên.

NH TMNT Liêu Dương đã phá sản vào năm 2022 sau khi nguyên giám đốc nhà băng này, Jiang Dongmei, bị cáo buộc tham nhũng và cấp các khoản vay lớn một cách trái phép. Các nhà chức trách phát hiện ra rằng, hơn 90% các khoản vay của NH TMNT Liêu Dương được chuyển cho tập đoàn Zhongwang và chi nhánh của họ.

Zhongwang cũng kiểm soát hoặc nắm giữ nhiều khoản đầu tư ở nhiều ngân hàng thuộc khu vực Đông Bắc. Ngoài các ngân hàng này, Zhongwang cũng nhận được nguồn vốn từ hãng bảo hiểm J.K. Life Insurance – công ty mà nó sở hữu gần 90% cổ phần.

J.K. Life đã gửi gần 80 tỉ NDT phí bảo hiểm vào các ngân hàng do Zhongwang kiểm soát, bao gồm NH TMNT Liêu Dương. Lu Changqing, cựu giám đốc kiêm chủ tịch của Zhongwang, đã trở thành chủ tịch của J.K. Life, sau đó chỉ định nhiều lãnh đạo ở Zhongwang vào các vị trí chủ chốt của hãng bảo hiểm này.

Dưới sự chỉ đạo của Lu, J.K. Life đã chuyển 120 tỉ NDT cho Zhongwang và các chi nhánh của nó thông qua các giao dịch bất hợp pháp và thỏa thuận bảo lãnh thông qua bên liên quan, theo Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC).

Sau khi nhà chức trách đã chỉ đạo J.K. Life để chấn chỉnh các hành vi sai trái và ngừng cung cấp tiền cho các ngân hàng dưới quản lý của Zhongwang, ông Lu vẫn tiếp tục chuyển 7,5 tỉ NDT cho Zhongwang. Ông Lu cho biết với các lãnh đạo khác trong J.K. Life rằng ông buộc phải chuyển tiền, "nếu không Zhongwang sẽ phá sản".

Tháng 12/2020, CBIRC loại Lu Changqing khỏi vị trí chủ tịch của J.K. Life.

123.png
Doanh thu từ nước ngoài của Zhongwang (Ảnh: Caixin)

Đấu giá tài sản

Trong khi đó, Zhongwang và các chi nhánh đối mặt với vụ kiện của hơn 100 chủ nợ. Tháng 10/2021, Liu bị chính quyền quản thúc. Lu và Chen cũng bị bắt giữ trong năm sau đó.

Chính quyền tỉnh Liêu Ninh đã cử một nhóm công tác tới tiếp quản tập đoàn Zhongwang và cố gắng duy trì hoạt động của tâp đoàn này. Theo Caixin, Tòa án Nhân dân Trung cấp Thẩm Dương và nhóm công tác đã triển khai lượng lớn nhân sự trên khắp cả nước để đóng băng tài sản của Zhongwang, bao gồm bất động sản, nhôm cùng nhiều tài sản khác…để tiến hành bán đấu giá.

Tính đến tháng 10 năm ngoái, lượng nhôm trị giá 5,2 tỉ NDT của Zhongwang đã được bán để trả nợ cho ngân hàng, theo hồ sơ tòa án.

Một số bên mua ở Trung Quốc muốn mua lại một phần trong số 4 triệu tấn nhôm thỏi của Zhongwang mà Hải quan Việt Nam thu giữ, theo Nikkei Asia. Tuy nhiên, số tài sản này vẫn cần được xem xét dựa trên các quy tắc pháp lý xem liệu chúng thuộc sở hữu của cá nhân ông Liu hay được mua bởi Zhongwang nhờ vào nguồn tiền vay từ các ngân hàng./.

Theo Nikkei Asia