Vụ tấn công 4 tàu chở dầu ở Vùng Vịnh: Có bàn tay của một nhà nước

VietTimes -- Cuộc điều tra quốc tế nhằm vào các vụ tấn công 4 tàu chở dầu ở khu vực ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hồi tháng 5 vừa qua đã đưa ra kết luận rằng, có khả năng "một tổ chức chính phủ" đứng đằng sau vụ việc.
Hình ảnh đánh giá tổn thất của các tàu bị tấn công mà các nước công bố (Ảnh: CNN)
Hình ảnh đánh giá tổn thất của các tàu bị tấn công mà các nước công bố (Ảnh: CNN)

UAE, Arab Saudi và Na Uy đã thông báo với Hội đồng Bảo an LHQ vào chiều tối hôm thứ Năm vừa qua rằng có "nhiều dấu hiệu cho thấy 4 vụ tấn công trên là một phần của chiến dịch phối hợp phức tạp". Trong số 4 con tàu thương mại bị nhắm vào trong vụ tấn công xảy ra hôm 12/5, có 1 tàu mang cờ UAE, 2 tàu chở dầu của Arab Saudi và chiếc còn lại là tàu của Na Uy.

Iran, quốc gia Hồi giáo bị cả Mỹ và Arab Saudi cáo buộc là đứng đằng sau các vụ tấn công này, không được nêu đích danh trong kết luận điều tra mới được công bố. Đại sứ UAE Lana Nusseibeh khẳng định trước báo giới rằng, bà không cáo buộc Iran đứng đằng sau loạt vụ tấn công trong buổi họp thông báo với Hội đồng Bảo an LHQ về kết quả điều tra.

Chính quyền Tehran trước đó cũng lên án vụ tấn công đồng thời bác bỏ lời đồn đoán cho rằng họ có dính líu tới vụ việc xảy ra ngay giữa lúc căng thẳng giữa Iran, Mỹ và các đồng minh của họ ở khu vực Vùng Vịnh đang gia tăng.

Đại sứ Arab Saudi tại LHQ Abdallah al-Mouallimi thì chỉ đích danh Iran, nói chính quyền Riyadh tin rằng "trách nhiệm thuộc về Iran". Ông cho rằng có đủ "bằng chứng" để bắt Iran phải chịu trách nhiệm, thêm rằng "nếu chúng ta bỏ qua một vụ tấn công biểu tượng kiểu này...nó sẽ mở ra thêm nhiều vụ tấn công tương tự".

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cũng cho rằng Iran "gần như chắc chắn" đứng đằng sau vụ tấn công. Mỹ hiện cũng đang thực hiện cuộc điều tra riêng của họ. Quyền Đại sứ Mỹ tại LHQ Jonathan Cohen từ chối bình luận về sự việc.

Các nhà ngoại giao trước đó đánh giá về mức độ tổn thất của 4 tàu chở dầu và phân tích hóa học các mảnh vỡ của tàu, từ đó chỉ ra rằng "có nhiều khả năng" tàu bị tấn công bằng "mìn bám" - một loại mìn dính vào đáy tàu.

Các nhà điều tra tin rằng vụ tấn công sử dụng mìn gắn vào đáy tàu (Ảnh: CNN)
Các nhà điều tra tin rằng vụ tấn công sử dụng mìn gắn vào đáy tàu (Ảnh: CNN)

Trong một tuyên bố bằng văn bản kết luận cuộc điều tra, UAE, Arab Saudi và Na Uy nói rằng để thực hiện các vụ tấn công kiểu này cần có những tay thợ lặn được huấn luyện kỹ càng, các túi thuốc nổ được gắn ở vị trí gần động cơ của tàu, làm sao để vụ nổ không khiến tàu chìm và không ảnh hưởng đến hàng hóa bên trên. Điều này cho thấy bên tấn công hiểu rất rõ về thiết kế của các con tàu này. Các nước trên còn nói rằng, việc những kẻ tấn công tàu nhanh chóng rời khỏi hiện trường bằng tàu tốc độ cao cho thấy chúng cũng nắm rõ địa hình, địa thế khu vực.

Kết luận điều tra quốc tế của UAE dự kiến sẽ chính thức được đệ trình lên Hội đồng Bảo an LHQ để ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, người ta khó hy vọng về sự đồng lòng trong Hội đồng Bảo an. Trước khi rời khỏi cuộc họp thông báo kết luận, Phó Đại sứ Nga Vladimir Safronkov nói rằng: "Chúng tôi không đưa ra kết luận chóng vánh".

Theo CNN