Washington năm ngoái đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà họ ký kết với Tehan trong năm 2015, từ đó gia tăng sức ép bằng các đòn cấm vận đối với nền kinh tế Iran, cắt giảm hoàn toàn lượng dầu thô nhập từ nước này. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên án thỏa thuận được ký dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama, cho rằng đây là thỏa thuận đầy lỗ hổng vì không có giá trị vĩnh viễn và không bao phủ chương trình tên lửa đạn đạo hay vai trò của Iran ở Trung Đông.
Hôm đầu tuần này, ông Trump nói rằng Mỹ hy vọng Iran sẽ trở lại bàn đàm phán để đạt thỏa thuận hạt nhân mới: "Tôi thực sự tin rằng Iran muốn đạt một thỏa thuận... và tôi nghĩ đó là điều có thể xảy ra".
Đáp lại "hy vọng" của ông Trump, lãnh đạo tối cao Khamenei khẳng định chắc nịch trên website của ông: "Chúng tôi đã từng nói trước đó rằng sẽ không đàm phán với Mỹ, bởi đàm phán không có lợi mà chỉ gây hại". Ông cho rằng Iran không có vấn đề gì khi đàm phán với châu Âu và các nước khác, nhưng thêm rằng: "Chúng tôi sẽ không đàm phán về các giá trị cốt lõi của cuộc cách mạng (Hồi giáo Iran). Chúng tôi sẽ không đàm phán về khả năng quân sự của chúng tôi".
Trước đó, Tổng thống Rouhani đã đưa ra một quan điểm tích cực hơn. Trong một phát ngôn được đưa ra trên kênh truyền hình nhà nước, ông nói: "Bất cứ khi nào họ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt và thực hiện cam kết của họ, trở lại bàn đàm phán mà họ đã tự rời khỏi, cánh cửa vẫn chưa đóng. Người dân của chúng tôi phán xét dựa trên hành động của họ chứ không phải lời nói".
Được biết, lãnh đạo tối cao Khamenei là người ra quyết định không thể tranh cãi trong tất cả các chính sách lớn của Iran. Ông hiện vừa là lãnh đạo tinh thần tối cao vừa là người đứng đầu các lực lượng vũ trang ở Iran. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi hôm thứ Ba trong tuần cũng nói rằng, Iran không hề thấy viễn cảnh đàm phán với Mỹ.
Tuần trước, Lầu Năm Góc tuyên bố triển khai thêm 900 binh sỹ tới Trung Đông, và triển khai mở rộng thêm 600 nhân viên của họ trong khu vực, kèm theo lời lý giải rằng đây là nỗ lực tăng cường sức mạnh phòng thủ chống Iran.
Phát biểu trên đường công du tới Indonesia hôm thứ Tư vừa qua, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan nói rằng, lượng binh sỹ triển khai thêm có thể sẽ tới Arab Saudi và Qatar. Dù không đưa thêm chi tiết, nhưng ông Shanahan nói rằng, dù phía Iran đã thay đổi thái độ trong thời gian gần đây, nhưng mối đe dọa từ nước này vẫn còn. Ông thêm rằng việc triển khai các thiết bị quân sự tới khu vực, như máy bay ném bom, tên lửa Patriot và tăng cường di chuyển nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm tới Trung Đông... sẽ giúp ngăn chặn các đòn tấn công nhằm vào mục tiêu Mỹ ở Iraq.
Hôm qua (29/5), Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton còn cáo buộc rằng "gần như chắc chắn Iran" đã sử dụng mìn hải quân để tấn công các tàu chở dầu ngoài khơi UAE hồi đầu tháng này, đồng thời cảnh báo Tehran không nên thực hiện thêm các hành động tương tự. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Mousavi nói rằng bình luận của ông Bolton là "lố bịch".