Các sỹ quan có mặt trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln đầu tuần này nói với hãng thông tấn AP rằng họ có thể phản ứng nhanh chóng đối với bất kỳ mối đe dọa nào trong khu vực từ vị trí của họ, cách bờ biển phía Đông của Oman khoảng 320 km, trên biển Arab.
Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ các hàng không mẫu hạm của Mỹ di chuyển qua eo biển Hormuz - khu vực biển nhỏ hẹp trên Bịnh Ba Tư có tới 1/3 tổng lưu lượng tàu chở dầu của thế giới băng qua - quyết định của Mỹ trong việc giữ nguyên vị trí của tàu Lincoln là khá bất ngờ.
"Chúng tôi không muốn gia tăng cẳng thẳng không thể đảo ngược" - Đại tá Putnam Browne, sỹ quan chỉ huy của tàu USS Lincoln, nói với AP.
Hồi tháng 5, Nhà Trắng đã chỉ thị triển khai tàu Lincoln và nhiều máy bay ném bom B-52 tới Vịnh Ba Tư. Mỹ cũng có kế hoạch cử thêm 900 binh sỹ tới Trung Đông và thêm 600 binh sỹ khác tới khu vực này để gia nhập đạo quân hàng chục nghìn người của họ ở khu vực điểm nóng.
Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra hồi năm ngoái. Kể từ sau đó, chính quyền Washington liên tục áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt với Tehran, khiến nền kinh tế nước này trượt dốc không phanh.
Ông Trump cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran không đủ để ngăn chặn khả năng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Iran, hoặc không thể khiến nước này ngừng hỗ trợ các nhóm vũ trang trong khu vực.
Giữa lúc căng thẳng, Mỹ còn cáo buộc, mà không đưa ra bằng chứng, Iran đứng đằng sau vụ tấn công nhằm vào 4 tàu chở dầu ở ngoài khơi UAE. Trong khi đó, nhóm vũ trang Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen thực hiện hàng loạt đòn tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào Aran Saudi.
Mỹ cũng đưa ra được quan điểm của mình khi phô diễn sức mạnh vũ trang của mình trong khu vực. Hôm Chủ nhật vừa qua, lực lượng không quân của họ tuyên bố rằng, một máy bay ném bom B-52 của họ đã thực hiện một bài huấn luyện phối hợp cùng tàu Lincoln, với nội dung "chiến dịch tấn công giả lập".
Cuộc tập trận diễn ra chỉ một ngày trước khi Iran tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày mất của ông Ayatollah Ruhollah Khomeini, người sáng lập nước Cộng hòa Hồi giáo. Hàng nghìn người ở Iran đã đổ tới ngôi đền vàng ở phía Nam thủ đô Tehran để viếng thăm cố lãnh đạo. Năm nay, giới chức Iran còn lên kế hoạch bảo vệ ngôi đền thờ này bằng hệ thống tên lửa đất-đối-không HAWK, loại tên lửa mà Mỹ từng chuyển cho nước này trong vụ bê bối Iran-Contra.
Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, chính quyền Trump đã nhấn mạnh rằng họ sẵn sàng đối thoại vô điều kiện với Iran. Đổi lại, Iran đề nghị Mỹ tôn trọng họ. Dù giới chức Mỹ không công khai chi tiết về điều này, nhưng rõ ràng là họ đã giữ tàu Lincoln tránh xa khu vực eo biển Hormuz và Vịnh Ba Tư để giúp giảm căng thẳng. Đi qua eo biển hẹp chỉ 33 km này, dễ thấy lực lượng hải quân của Iran đang theo đuôi các chiến hạm Mỹ. Các tàu này thỉnh thoảng phóng tên lửa không nhắm mục tiêu, bắn vài loạt đạn súng máy và phóng máy bay không người lái về hướng các tàu Mỹ.
Máy bay ném bom B-52 trong bài tập phối hợp với tàu Lincoln (Ảnh: AP)
|
Đối với Iran - nước chia sẻ khu vực eo biển với Oman - họ xem sự hiện diện của hải quân Mỹ ở vùng biển này không khác gì việc lực lượng Iran thâm nhập vào Vịnh Mexico của Mỹ (tức một hành động vi phạm lãnh hải nước khác). Nhưng hải quân Mỹ lại khẳng định rằng eo biển này là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng trong việc vận chuyển nguồn cung ứng năng lượng toàn cầu.
Khi được hỏi về lý do mà tàu USS Lincoln không băng qua eo biển Hormuz, Chuẩn Đô đốc John F.G. Wade - chỉ huy nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm - nói rằng lực lượng của ông có thể "thực hiện nhiệm vụ ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào cần thiết" từ vị trí này. Ông từ chối trả lời chi tiết về nhiệm vụ đó, nhưng nói rằng Iran luôn là "mối đe dọa" trong khu vực.
"Họ không chỉ là mối đe dọa đối với hoạt động của chúng tôi, mà còn đối với sự an toàn và an ninh của các tàu thương mại đi qua eo biển Hormuz, đó là lý do chúng tôi ở đây" - ông Wade nói.
Tàu USS Lincoln đã tổ chức tiếp các phóng viên của AP cùng nhiều hãng truyền thông khác trong hôm đầu tuần này. Các nhà báo phải mất 2 giờ bay từ UAE để lên con tàu này và có khoảng 4 giờ để tìm hiểu tình hình thực địa. Họ được tiếp đón bởi những thủy thủ có gắn camera trên mũ, ghi lại mọi khoảnh khắc trong khoảng thời gian mà họ trên tàu.
Tàu USS Lincoln từng có pha xuất hiện nổi tiếng khi trở thành phông nền cho cựu Tổng thống George W. Bush tuyên bố phát động chiến dịch tấn công Iraq vào năm 2003. Trong hôm đầu tuần này, nhiều chiếc tiêm kích F/A-18 đã bay phía trên hàng không mẫu hạm này. Hộ tống tàu Lincoln tới Trung Đông là nhóm 3 tàu khu trục - USS Bainbridge, USS Mason và USS Nitze - cùng tàu tên lửa định hướng USS Leyte Gulf.
Đại tá William Reed - sỹ quan chỉ huy nhóm không quân của hàng không mẫu hạm - đã cười phá lên khi được hỏi về tình hình căng thẳng mà họ phải đối diện. "Chỉ giống như một ngày khác trong văn phòng thôi" - ông Reed nói. Đại tá Chris Follin - chỉ huy nhóm tàu khu trục di chuyển cùng tàu Lincoln - cũng tỏ ra không chút lo lắng.
"Tôi cũng không lo ngại về điều gì cả" - ông Follin nói - "Nhiệm vụ của chúng tôi chỉ là gìn giữ hòa bình".
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu