Vụ PCT Samsung ngồi tù: không phải lần đầu tiên Samsung hối lộ

VietTimes -- Đây không phải là lần đầu tiên Samsung phạm tội hối lộ. Lee Kun-hee, cha của Lee Jae-yong, phó chủ tịch vừa bị kết án 5 năm tù của Samsung, đã hai lần bị cáo buộc hối lộ. Nhưng vì mối quan hệ khăng khít giữa các chaebol và chính phủ nên ông đều được Tổng thống ân xá.
Chủ tịch Samsung, ông Lee Kun-hee, cha của Lee Jae-yong, từng bị cáo buộc hối lộ 2 lần song đều được ân xá (Ảnh: AP)
Chủ tịch Samsung, ông Lee Kun-hee, cha của Lee Jae-yong, từng bị cáo buộc hối lộ 2 lần song đều được ân xá (Ảnh: AP)

Lee Jae-yong là người thừa kế tỷ phú, điều hành một trong những công ty công nghệ hùng mạnh nhất. Và hôm qua, ông Lee đã bị kết án 5 năm tù vì phạm tội tham nhũng, hối lộ.

Đút lót tổng thống

Ông của Lee Jae-yong đã sáng lập ra Samsung, và bố của Lee, Chủ tịch hiện nay của Samsung, đang trong tình trạng hôn mê. Ông Lee là Chủ tịch thực tế của Samsung.

Để đảm bảo vị trí, gia đình muốn sử dụng Cheil, một công ty dưới trướng của Samsung Group, mua lại Samsung C&T. Thương vụ thâu tóm này sẽ mang lại quyền lực gia đình trị lớn hơn đối với tập đoàn Samsung Group, giúp Lee Jae-yong dễ dàng trở thành chủ tịch mới của Samsung.

Thương vụ thâu tóm đó đã xảy ra. Samsung C&T tuyên bố bán mình cho Cheil  - điều này rất có ý nghĩa với gia đình Lee, và họ đã làm gì để thuyết phục chính phủ?

Lee Jae-yong và các lãnh đạo Samsung khác đã bị buộc tội hối lộ hàng triệu USD cho các tổ chức và quỹ của một người bạn của tổng thống bị phế truất Park Geun-hye. Người bạn đó là Choi Soon-sil, một người thân tín lâu năm của Park. Thương vụ rất rõ ràng: Samsung trả tiền, tổng thống sẽ phải thông qua vụ thâu tóm.

Hối lộ bằng ngựa

Ngựa, đôi khi lại tốt hơn tiền mặt.

Một phần tiền hối lộ được dùng để mua ngựa tặng cho con gái của Choi, người đang đào tạo để trở thành một tay đua ở Đức, nhưng sau đó cũng đã bị bắt ở Đan Mạch và dẫn độ về Hàn Quốc.

Đây không phải lần đầu tiên Samsung bị cáo buộc hối lộ

Sau cuộc chiến tranh Hàn Quốc, chính phủ Hàn đã làm những gì họ có thể để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, cho phép họ phát triển kinh tế quốc gia. Chiến lược phát huy hiệu quả, nhưng cũng tạo ra một lớp các doanh nghiệp gia đình trị gọi là các chaebol hầu như không phải lo lắng gì về hậu quả của các giao dịch mờ ám. Samsung là một ví dụ điển hình.

Ông Lee Kun-hee, cha của Phó chủ tịch Samsung, đã hai lần bị cáo buộc hối lộ. Tuy vậy, ông đều nhận được đặc quyền ân xá của tổng thống. Tình hình chính trị tại Hàn Quốc đã thay đổi, và con trai của ông Lee Kun-hee đã không nhận được đặc quyền như ông.

Lee Jae-yong có thể điều hành Samsung từ trong tù

Ông Lee sẽ không phải là doanh nhân Hàn Quốc đầu tiên điều hành công ty từ sau song sắt. Vụ án của Lee vẫn chưa kết thúc, nghĩa là ông sẽ vẫn còn ở trong trung tâm giam giữ, nơi ông được phép có một cuộc gặp 30 phút trong ít nhất là 6 ngày một tuần, ngoài các cuộc gặp với luật sư. Ông cũng có thể nhận được sự đồng thuận của các quản giáo trong trung tâm giam giữ, cho phép ông có nhiều cuộc gặp gỡ qua điện thoại.

Tuy nhiên, theo trang Mashable, để mọi việc suôn sẻ, sẽ cần đến sự trung thành lớn của các nhà lãnh đạo Samsung.