Vụ “Bánh mỳ không phải là lương thực thiết yếu”: Có những hành vi xúc phạm nhân phẩm của công dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Phó Chủ tịch phường Vĩnh Hoà tạm giữ giấy tờ tuỳ thân và phương tiện trái quy định pháp luật, vi phạm quy định điều công chức không được làm và có dấu hiệu xúc phạm nhân phẩm người khác.
Tổ công tác của UBND phường Vĩnh Hoà kiểm tra và thu giữ giấy tờ, phương tiện của công dân Trần Văn Em (ảnh chụp lại từ clip)
Tổ công tác của UBND phường Vĩnh Hoà kiểm tra và thu giữ giấy tờ, phương tiện của công dân Trần Văn Em (ảnh chụp lại từ clip)

Vừa qua, báo giới và cộng đồng mạng bất bình khi xuất hiện 2 đoạn video về việc tổ công tác phòng chống dịch COVID-19 phường Vĩnh Hòa và ông Trần Lê Hữu Thọ - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang) thu giữ phương tiện và giấy tờ của công dân Trần Văn Em khi người này đi mua bánh mì và nước uống, vì cho rằng đó không phải là mặt hàng thiết yếu.

Nhiều ý kiến bất bình và chia sẻ cho rằng hành vi của tổ công tác lẫn cá nhân ông Trần Lê Hữu Thọ là thiếu hiểu biết, hống hách và vô nhân đạo. Để rõ hơn về vấn đề này, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc – Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng.

Giữ giấy tờ tuỳ thân và phương tiện trái quy định

- Luật sư có thể cho biết việc tổ công tác phòng chống dịch COVID-19 phường Vĩnh Hòa thu giữ giấy tờ và phương tiện của công dân Trần Văn Em với lý do ra đường mua bánh mỳ và nước uống không phải là mặt hàng thiết yếu có đúng với quy định của pháp luật hiện hành?

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Theo pháp luật hiện hành, việc thu giữ giấy tờ tùy thân hay phương tiện chỉ được áp dụng khi có hành vi vi phạm hành chính xảy ra và thẩm quyền tạm giữ CMND, phương tiện cũng phải được thực hiện theo đúng luật định.

Điều 10 Nghị định 05/1999/NĐ-CP về chứng minh nhân dân quy định, công dân bị tạm giữ giấy tờ tùy thân trong trường hợp có hành vi vi phạm hành chính; bị tạm giam, thi hành án phạt tù; chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh. Thẩm quyền tạm giữ giấy tờ tùy thân thuộc về công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi công dân có hộ khẩu thường trú hoặc cơ quan thi hành án, thi hành quyết định.

Đối với phương tiện, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định rõ tại Điều 125, việc tạm giữ phương tiện theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết để làm căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, để ngăn chặn hành vi vi phạm không gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội hoặc để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt. Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền tạm giữ phương tiện trong các trường hợp này.

Như vậy, chúng ta chưa cần xem xét đến hành vi của công dân có phải là hành vi vi phạm hành chính hay không, thì xét về mặt thẩm quyền tạm giữ giấy tờ tùy thân và phương tiện của tổ công tác phòng chống dịch COVID-19 phường Vĩnh Hòa do Phó chủ tịch phường làm tổ trưởng đã là trái quy định của pháp luật.

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc – Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng.

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc – Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng.

- Việc ông Trần Lê Hữu Thọ - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang) cho rằng bánh mỳ không phải là lương thực, thực phẩm có đúng hay không?

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Thực phẩm hay còn gọi là thức ăn là bất kỳ vật phẩm nào, bao gồm chủ yếu các chất: chất bột (cacbonhydrat), chất béo (lipit), chất đạm (protein), hoặc nước, mà con người hay động vật có thể ăn hay uống được với mục đích cơ bản là thu nạp các chất dinh dưỡng nhằm nuôi dưỡng cơ thể hay vì sở thích – Theo Từ điển Bách khoa toàn thư.

Về mặt pháp lý, Khoản 20 Điều 2 Luật an toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm”. Khái niệm về lương thực hiện chưa được định nghĩa trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Nếu ông Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang) cho rằng bánh mì không phải là lương thực, thực phẩm thì có khả năng ông chưa đọc hoặc chưa tìm hiểu về khái niệm thực phẩm trong các văn bản.

- Theo luật sư, việc ông Trần Lê Hữu Thọ - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang) quay clip người dân và đăng tải lên mạng xã hội có đúng với quy định những điều công chức, viên chức được phép làm hay không?

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội kèm theo Quyết định số 874/QĐ-BBTTT, theo đó, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước không được đăng tải các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân khác gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Hành vi quay clip và đăng tải clip lên mạng xã hội của Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang) trong lúc đang thực thi công vụ với vai trò là cán bộ nhà nước đã vi phạm Quy tắc ứng xử nêu trên, vi phạm những quy định mà cán bộ, công chức, viên chức không được phép làm.

Vi phạm quy định điều Đảng viên, công chức không được phép làm

- Luật sư nhìn nhận thế nào về thái độ, hành vi đối với của người quay clip khi đang thực thi công vụ với vai trò là công chức, viên chức nhà nước? Đây có phải là hành vi mà công chức, viên chức nhà nước được phép ứng xử với dân hay không?

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Trong đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội, ông Trần Lê Hữu Thọ đã có những lời nói và ứng xử không chuẩn mực với người dân trong khi thi hành công vụ. Đây là thái độ thái quá đối với một công dân khi dùng những từ ngữ “phân biệt” vùng miền hay đe dọa gây ảnh hưởng đến công việc của công dân. Những lời lẽ này một mặt xúc phạm công dân, mặt khác còn gây ra sự nhìn nhận tiêu cực cho xã hội về người có thẩm quyền khi đang thi hành công vụ.

Bên cạnh đó, hành vi này còn vi phạm văn hóa giao tiếp với nhân dân được quy định tại Điều 17 Luật cán bộ, công chức, vi phạm quy định tại Quyết định số: 1847/QĐ-TTg về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.

- Nếu ông Trần Lê Hữu Thọ - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang) là đảng viên, thì ông này đã vi phạm điều gì trong quy định những điều Đảng viên không được làm?

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Nếu ông Trần Lê Hữu Thọ là đảng viên, theo quy định tại Quyết định 47-QĐ-TW của Ban chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, ông đã vi phạm quy định tại Khoản 8 Điều 1 vì có hành vi lạm quyền, nhũng nhiễu khi thực hiện nhiệm vụ, vượt quyền gây khó khăn cho công dân.

- Việc xem bánh mỳ và nước uống không phải là lương thực, không phải là sản phẩm thiết yếu cho thấy lãnh đạo phường Vĩnh Hòa và những người tham gia tạm giữ phương tiện đang có vấn đề về trí tuệ và nhận thức. Luật sư nhìn nhận quan điểm này như thế nào?

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Như đã phân tích ở trên về phần khái niệm thực phẩm, theo tôi, bánh mì là thực phẩm vì đây là sản phẩm đã qua chế biến mà con người ăn, thu nạp dinh dưỡng nuôi cơ thể. Nếu bánh mì không phải là thực phẩm thì định nghĩa của Từ điển Bách khoa toàn thư và quy định của pháp luật đều là sai.

Tôi xin phép từ chối đánh giá về trí tuệ và nhận thức của lãnh đạo phường Vĩnh Hòa bởi vì tôi cho rằng, không cần vận dụng đến kiến thức của Từ điển Bách khoa toàn thư hay Luật An toàn thực phẩm, thì trẻ con cũng có thể hiểu được bánh mì là để ăn, nước là để uống và nếu đã là để ăn hay để uống thì chắc chắn đây phải là thực phẩm.

- Giả sử việc công nhân này đi ra đường không phải để mua mặt hàng thiết yếu thì liệu lực lượng dân quân tự vệ có quyền tạm giữ giấy tờ tuỳ thân và phương tiện của người dân hay không? Nếu có xử lý thì sẽ xử lý như thế nào mới đúng với quy định pháp luật?

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Tại câu hỏi đầu tiên, tôi đã có sự phân tích về quy định pháp luật, do đó, cho dù công dân này đi ra đường không phải để mua mặt hàng thiết yếu thì việc lực lượng dân quân tự vệ tạm giữ giấy tờ tuỳ thân và phương tiện của người dân là trái quy định của pháp luật.

Nếu muốn tạm giữ giấy tờ tùy thân và phương tiện, trước hết các lực lượng chức năng cần phải xác định hành vi của công dân phải là hành vi vi phạm hành chính. Việc tạm giữ là cần thiết cho mục đích xử phạt vi phạm hành chính theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời việc tạm giữ này phải thực hiện theo đúng thẩm quyền của người được pháp luật cho phép thực hiện tạm giữ.

Thư xin lỗi công dân Trần Văn Em của ông Nguyễn Sỹ Khánh – Chủ tịch UBND TP Nha Trang
Thư xin lỗi công dân Trần Văn Em của ông Nguyễn Sỹ Khánh – Chủ tịch UBND TP Nha Trang

- Trong đoạn video cho thấy có khá nhiều lực lượng từ dân quân, quy tắc đô thị lẫn công an cùng tham gia hành vi tạm giữ giấy tờ tuỳ thân và phương tiện của công dân nói trên. Hành vi này có bị xem là liên đới trách nhiệm hay không?

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Trong clip được đăng tải, có khá nhiều lực lượng từ dân quân, quy tắc đô thị lẫn công an cùng tham gia hành vi tạm giữ giấy tờ tuỳ thân và phương tiện của công dân. Bởi vì đây là tổ công tác phòng chống dịch COVID-19, nên việc có nhiều lực lượng cùng tham gia tổ công tác theo sự phân công của người có thẩm quyền là điều cần thiết.

Trong trường hợp tất cả nhân lực của tổ công tác này vi phạm các quy định pháp luật mà tôi đã nêu ở trên thì từng cá nhân của tổ công tác này đều phải chịu trách nhiệm trong phạm vi chức vụ, quyền hạn của mình được phân công. Nếu chỉ một vài cá nhân của tổ công tác vi phạm quy định, thì xem xét trách nhiệm của từng cá nhân theo nguyên tắc vi phạm đến đâu, xử lý đến đó.

Xúc phạm nhân phẩm người khác

- Với những gì đã diễn ra, theo luật sư, việc UBND tỉnh Khánh Hoà yêu cầu tổ công tác phòng chống dịch COVID-19 phường Vĩnh Hòa thực hiện kiểm điểm rút kinh nghiệm và nhắc nhở liệu đã phù hợp với tính chất của vụ việc. Nếu đúng quy định thì cẩn phải xử lý như thế nào để lấy lại niềm tin của người dân đối với cán bộ công chức địa phương?

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Việc UBND tỉnh Khánh Hoà yêu cầu tổ công tác phòng chống dịch COVID-19 phường Vĩnh Hòa thực hiện kiểm điểm rút kinh nghiệm và nhắc nhở là chưa đủ để răn đe và nghiêm khắc đối với các cán bộ khi thi hành công vụ. Sự việc này đã gây ra dư luận xã hội không tốt, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người cán bộ, công chức nói riêng và công tác phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay nói chung.

Tôi cho rằng, phải nghiêm khắc xử lý kỷ luật đối với các cá nhân sai phạm với các hình thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc bãi nhiệm theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP. Bên cạnh đó, hành vi đăng tải clip công dân Trần Văn Em lên mạng xã hội khi chưa có sự đồng ý của công dân này đã vi phạm quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 32 bộ luật dân sự 2015). Với hành vi này, công dân có quyền yêu cầu được xin lỗi, cải chính công khai.

Đặc biệt hơn, với những tình tiết khách quan diễn ra trong clip, tôi nhận định rằng đã có những hành vi xúc phạm nhân phẩm của công dân diễn ra. Nếu công dân có yêu cầu khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, có khả năng phải xem xét trách nhiệm hình sự của cá nhân ông Trần Lê Hữu Thọ về việc làm dụng chức vụ, quyền hạn trong lúc đang thi hành công vụ làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật hình sự 2015).

Xin cảm ơn!