Công tác xã hội ở bệnh viện: Thay đổi để bệnh nhân nghèo được hỗ trợ tốt hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Công tác xã hội ở nhiều bệnh viện (BV) từ lâu đã là chỗ dựa của bệnh nhân nghèo. Để bệnh nhân được hỗ trợ tốt hơn, các BV đề nghị đào tạo, nâng cao nghiệp vụ định kỳ cho những người làm công tác xã hội tại BV.

10 năm trước, trong bối cảnh ngành y tế gặp nhiều khủng hoảng cũng như không ít bệnh nhân nghèo gặp khó khăn khi đi khám, chữa bệnh cần được giúp đỡ, Bộ Y tế đã ra Thông tư 43 để triển khai hoạt động về Công tác xã hội trong bệnh viện (BV).

vt-xe-o-dong-380.jpg
Phòng công tác xã hội ở BV BV Việt Đức đã tổ chức hỗ trợ hàng trăm chuyến xe miễn phí bệnh nhân nghèo ở vùng cao

Chỗ dựa cho bệnh nhân nghèo

10 năm qua, 100% BV trung ương và đa số các BV tuyến tỉnh, đã thành lập Phòng/tổ công tác xã hội, để phục vụ, hỗ trợ bệnh nhân chuyên nghiệp hơn, cả về tinh thần và vật chất.

Sự có mặt của đội ngũ công tác xã hội ở các BV đã hỗ trợ bệnh nhân rất nhiều khi đi khám, chữa bệnh (KCB), từ tư vấn các thủ tục hành chính, bảo hiểm y tế, đến giúp đỡ vật chất cho bệnh nhân.

Công tác xã hội ở nhiều BV đã là chỗ dựa của bệnh nhân nghèo như BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV Nhi Trung ương, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương… giúp họ vượt qua khó khăn, yên tâm điều trị, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của BV.

Tại hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện công tác xã hội BV do Bộ Y tế tổ chức sáng nay, 22/11, ông Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý KCB - cho biết, đã có gần 1 triệu bệnh nhân được hỗ trợ kinh phí KCB, hơn 7,5 triệu lượt bệnh nhân được hỗ trợ suất ăn, khoảng 9 triệu người bệnh được tặng quà, gần 700 nghìn lượt bệnh nhân được hỗ trợ vận chuyển cấp cứu vv…

VT_ Thuấn.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Thông tư 43 còn những hạn chế: Mô hình tổ chức chưa đồng bộ, đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội còn hạn chế về cả số lượng và chất lượng, nguồn kinh phí chưa ổn định, chưa đáp ứng được như cầu thực tiễn, việc ứng dụng CNTT trong công tác xã hội còn nhiều hạn chế khi chuyển đổi số đã phổ biến trong xã hội.

Chính vì vậy, Bộ Y tế đã chỉ đạo sửa đổi Thông tư 43 để khắc phục những bất cập trong công tác xã hội ở BV, để hoạt động này phát triển chuyên nghiệp theo xu hướng quốc tế.

Nhiều nhiệm vụ không triển khai được

Ông Hà Anh Đức cũng chỉ rõ những tồn tại trong hoạt động công tác xã hội ở BV: 71,4% BV không thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh; 68% BV không thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Có tới 80% đơn vị không vận động tài trợ để hỗ trợ tiền vận chuyển (79.5%) và tiền đi lại (79.7%) cho người bệnh; 34.1% BV chưa có nhà tài trợ. Trên 55 BV chưa triển khai hỗ trợ cung cấp thông tin người bệnh và viên nhân viên y tế. 56.6% đơn vị công tác xã hội BV không tổ chức hoạt động từ thiện tại cộng đồng.

VT_HAD.jpg
Ông Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý KCB

Nguyên nhân là do hầu hết (79.5%) nhân viên công tác xã hội trong BV không có chuyên môn đúng nghề. Thiếu kinh phí và các điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức hoạt động cũng là những rào cản cùng với thiếu các hướng dẫn, quy trình, quy chuẩn về công tác xã hội trong BV, đặc biệt là là lãnh đạo nhiều BV còn chưa quan tâm, chỉ đạo.

Chính vì thế, đại đa số các BV đề nghị phải sửa đổi quy định cho phù hợp: Bỏ các nhiệm vụ chồng chéo trong công tác xã hội, đồng thời, bỏ nhiệm vụ hỗ trợ KCB, vận động tài trợ để từ thiện, đồng thời, làm rõ mục đích của các nhiệm vụ vận động tài trợ cần hướng đến phục vụ KCB cũng như cần có quy định rõ nguồn kinh phí cho công tác xã hội. Các BV cũng đề nghị bổ sung phòng trợ giúp riêng tư cho nhóm người bệnh bị bạo lực, xâm hại.

Hướng đi cho công tác xã hội ở BV

Ông Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ - khẳng định: Trong lịch sử, việc tư vấn, hỗ trợ bệnh nhân là việc các lương y vẫn làm. Nay, hoạt động này được kế thừa, tổ chức chuyên nghiệp hơn, góp phần mang đến cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn cho người bệnh.

VT_Tuan Hung.jpg
Ông Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ Y tế

Nhưng đa số người làm công tác xã hội ở BV chưa có bằng cấp về lĩnh vực này, chỉ khoảng 10% đúng chuyên ngành. Do đó, nếu không thay đổi, đến ngày 1/1/2027 thực hiện theo quy định về bằng cấp, trình độ chuyên môn đối với những người làm công tác xã hội trong ngành y tế, công tác xã hội ở các BV có thể không thể hoạt động được.

Nhằm khắc phục vấn đề này, đại diện các BV đề xuất: Bộ Y tế cần có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 110/2024/NĐ-CP về công tác xã hội Quy định rõ yêu cầu về bằng cấp, trình độ chuyên môn. Đề xuất Bộ Y tế tổ chức đào tạo theo chương trình rút gọn, ngắn hạn để những người làm công tác xã hội trong ngành y tế có bằng cấp chuyên môn không đúng đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề công tác xã hội.

Tiep suc.jpg
Tiếp sức, hỗ trợ cho bệnh nhân ở BV Bạch Mai

Các BV cũng đề nghị đào tạo, nâng cao nghiệp vụ định kỳ và bổ sung các kiến thức liên ngành cho những người làm công tác xã hội trong BV; tổ chức tham quan mô hình, học tập kinh nghiệm thực tiễn từ các đơn vị, địa phương trong và ngoài nước.