Trong báo cáo mới nhất, CTCP Chứng khoán VnDirect (VnDirect) cho biết Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã CK: VPB) đang đàm phán với một đối tác nước ngoài về việc bán cổ phần tại FE Credit và dự kiến sẽ hoàn tất vào quý 3/2021.
Thương vụ này đã được VPBank lên kế hoạch từ năm 2017. Tuy nhiên, ngân hàng đã tạm hoãn do thời điểm đó FE Credit đang đóng góp một nửa lợi nhuận cho VPBank. Việc bán FE Credit đồng nghĩa với việc lợi nhuận của ngân hàng trong các năm sau sẽ giảm đáng kể.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, FE Credit chỉ chiếm 1/3 lợi nhuận ròng hợp nhất của VPBank do các quy định liên quan tới cho vay tiêu dùng bị Ngân hàng Nhà nước siết chặt. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát cũng tác động tiêu cực đến phân khúc khách hàng đại chúng – nhóm khách hàng trọng tâm của FE Credit.
Trong 5 năm trở lại đây, công ty tài chính tiêu dùng của VPBank – FE Credit đã duy trì vị thế dẫn đầu với tổng dư nợ cho vay trong giai đoạn 2015 – 2019 đạt tăng trưởng kép 34%, chiếm gần 50% thị phần dù gia nhập thị trường tiêu dùng muộn hơn so với các đối thủ.
Tuy nhiên, do dư nợ cho vay duy trì mức tăng trưởng cao, lợi nhuận ròng ghi nhận xu hướng giảm do chi phí vốn cao và nợ xấu tăng nhanh. Việc tăng trưởng mạnh dư nợ cho vay đặt áp lực lên nguồn vốn của ngân hàng, khiến chi phí sử dụng vốn của VPBank thường xuyên duy trì cao nhất trong các ngân hàng đã niêm yết.
Một số chỉ tiêu tài chính của VPBank (Nguồn: VnDirect) |
Từ các ưu nhược điểm trên, VnDirect cho rằng việc bán FE Credit cho một đối tác có kinh nghiệm vào thời điểm này là hợp lý, giúp VPBank cải thiện chi phí vốn và kiểm soát rủi ro.
Với vị thế dẫn đầu thị trường cho vay tín chấp Việt Nam và lợi nhuận trên vốn (ROE) bền vững trong khoảng 20 - 25% (thuộc top các công ty có lợi nhuận cao nhất khu vực), VnDirect tin rằng FE Credit có thể đạt được mức giá trị thị trường/giá trị sổ sách (P/BV) mục tiêu 3,5 – 4 lần (mức thấp nhất trong các doanh nghiệp khu vực có ROE tương đương) cho thương vụ chiến lược này, tương đương định giá công ty đạt 2,3 – 2,6 tỉ USD.
Nguồn vốn tăng thêm sẽ giúp VPBank có nhiều phương án sử dụng, như thúc đẩy quy mô cho vay của ngân hàng mẹ, đầu tư vào ngân hàng điện tử, …
Năm 2020, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 13.000 tỉ đồng, tăng trưởng 26,1% so với năm 2019 và vượt 27,5% kế hoạch đề ra đầu năm.
Tại 31/12/2020, tổng tài sản VPBank đạt hơn 419.000 tỉ đồng, tăng trưởng 11,1% so với cuối năm 2019. Tổng dư nợ cho vay khách hàng hợp nhất đạt hơn 320.000 tỉ đồng, tăng trưởng 19%. Tổng huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt hơn 296.000 tỉ đồng, tăng trưởng 9,1%. Tỷ lệ nợ xấu là 2,9%./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu