Vinalines: sắp thêm một bước ngoặt nữa

Với quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước mà Vinalines nắm giữ tại các cảng biển sau cổ phần hóa, bức tranh về chiến lược kinh doanh của Vinalines bất ngờ rẽ sang một hướng mới và quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2050 cũng bị điều chỉnh một cách mạnh mẽ.
Theo quyết định mới, Vinalines chỉ được phép giữ lại 20% vốn tại cảng Sài Gòn, thay vì 51-65% như trước đây. Ảnh: Quang Đức
Theo quyết định mới, Vinalines chỉ được phép giữ lại 20% vốn tại cảng Sài Gòn, thay vì 51-65% như trước đây. Ảnh: Quang Đức

Yêu cầu chuyển hướng kinh doanh cảng

Cảng biển là một trong ba lĩnh vực kinh doanh trụ cột của Vinalines hàng chục năm qua cùng với vận tải biển và dịch vụ hàng hải. Thường thì ba lĩnh vực này hỗ trợ rất tích cực cho nhau. Tuy nhiên, trong vòng năm năm trở lại đây, vận tải biển gặp khó do chỉ số giá cước tàu hàng khô xuống đến mức thấp nhất, giá thuê tàu cũng rớt thê thảm. 

Đã có lúc chỉ số giá cước tàu khô xuống đến mức thấp nhất 30 năm trở lại đây nên kinh doanh vận tải biển của Vinalines toàn thua lỗ. Lĩnh vực logistics thì Vinalines cũng đã bị các công ty nước ngoài và các công ty trong nước cho “rớt” lại phía sau.

Như vậy, trong ba ngành kinh doanh chính, Vinalines chỉ trông vào nguồn thu từ cảng. Cho dù công ty mẹ không trực tiếp khai thác cảng nhưng lại đang nắm giữ cổ phần chi phối trên 50% đối với nhiều cảng loại 1 quan trọng suốt từ Bắc vào Nam, không tính các cảng liên doanh với nước ngoài (hiện vẫn thua lỗ).

Theo quyết định hôm 12-1 của Thủ tướng về việc điều chỉnh tỷ lệ cổ phần do Vinalines nắm giữ sau cổ phần hóa, Chính phủ tuyên bố chỉ cho phép Vinalines giữ lại 20% vốn tại cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn. Các cảng: Khuyến Lương, Đà Nẵng, Vinalines Đình Vũ, Cam Ranh, Năm Căn, Nghệ Tĩnh, Cần Thơ và Công ty cổ phần Cảng Cái Lân đều phải thoái toàn bộ vốn nhà nước.

Quyết định này đã làm đảo lộn nhiều đề xuất của Vinalines.

Việc Chính phủ tuyên bố rút hết vốn tại các cảng nói trên, và hạ xuống mức tối thiểu tại cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn, cho thấy Nhà nước muốn Vinalines tập trung kinh doanh cảng theo hướng khác. Đó là đầu tư vào các cảng cửa ngõ quốc tế lớn.

Theo quyết định điều chỉnh Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015, sau cổ phần hóa (11-2014), Vinalines vẫn được giữ 65-75% vốn nhà nước tại cảng Hải Phòng, từ trên 51-65% tại cảng Sài Gòn. Các cảng còn lại nói trên thì có thể nắm giữ dưới 51% nhưng không phải cảng nào cũng thoái hết vốn.

Dựa vào quyết định này, trong phương án tổng thể phát triển hệ thống cảng biển do Vinalines nắm giữ sau tái cơ cấu trình Bộ Giao thông Vận tải hồi tháng 5-2015, doanh nghiệp vẫn đề nghị nắm giữ 51-65% vốn tại cảng Hải Phòng, 51% vốn tại các cảng Vinalines Đình Vũ, Đà Nẵng, Cần Thơ; nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ tại các cảng Nghệ Tĩnh, Cam Ranh, Sài Gòn, CMIT và SSIT.

Tại sao lại có quyết định điều chỉnh tỷ lệ nắm giữ tại 10 cảng trong tổng số 16 cảng biển nội địa và liên doanh mà Vinalines hiện đang quản lý, kinh doanh?

Hiện nay, các cảng này đều đã cổ phần hóa và làm ăn có lãi, dù không lớn. Tính đến hết năm 2014, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng chiếm khoảng 21% tổng sản lượng thông qua hệ thống cảng Việt Nam. Doanh thu lợi nhuận tăng trưởng ổn định. Vinalines cho biết, tổng doanh thu khối cảng (trừ cảng liên doanh) là 5.110 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 683 tỉ đồng (năm 2014).

Việc Chính phủ tuyên bố rút hết vốn tại các cảng nói trên, và hạ xuống mức tối thiểu tại cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn, cho thấy Nhà nước muốn Vinalines tập trung kinh doanh cảng theo hướng khác.

Vậy Vinalines sẽ làm gì?

Khi tham mưu cho Chính phủ về vấn đề nêu trên, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, việc Nhà nước nắm giữ tỷ lệ vốn quá cao như tại cảng Hải Phòng (75%) và cảng Sài Gòn (đến 65%) khiến nhà đầu tư không mặn mà trong việc mua cổ phần, nên thực chất việc cổ phần hóa không mang lại hiệu quả cao. 

Trong khi đó, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển thuộc sở hữu của các thành phần kinh tế khác vẫn phát triển tốt, làm ăn có lãi nên Nhà nước càng không có lý gì giữ tỷ lệ sở hữu vốn lớn tại các lĩnh vực mà tư nhân hay các thành phần doanh nghiệp khác làm tốt hơn.

Vậy Vinalines sẽ làm gì? Không phải ngay lập tức sau khi quyết định hôm 12-1-2016 của Chính phủ có hiệu lực, Vinalines sẽ nhanh chóng thoái hết vốn. Văn bản nói trên chỉ mang tính “bật đèn xanh” cho các doanh nghiệp khác mua số cổ phần ở các cảng mà Vinalines sẽ thoái vốn. Tất nhiên, lộ trình bán, thời điểm bán và giá bán của từng cảng khác nhau vì giá trị doanh nghiệp, hiệu quả kinh doanh của từng cảng cũng khác.

Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải muốn bán vốn nhà nước tại hàng loạt cảng nói trên để lấy nguồn trả nợ, tái cơ cấu tài chính cho Vinalines. Theo đó, sẽ dùng chính số tiền bán cổ phần này để chuyển cho Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ (DATC) còn phải mua lại khoảng 7.000 tỉ đồng tiền nợ tại các ngân hàng cho Vinalines, trong tổng số hơn 11.000 tỉ đồng dư nợ tính đến hết năm 2011. Hiện số nợ đã giảm được khoảng 3.600 tỉ đồng qua tái cơ cấu đến hết quí 2-2015 nhưng vẫn cần nguồn tài chính để mua tiếp. Bộ Giao thông Vận tải ước tính, nếu bán tiếp cổ phần của Vinalines tại cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn sẽ thu được khoảng 5.000 tỉ đồng để tái cơ cấu tài chính. Tám cảng còn lại (ngoại trừ Vinalines Đình Vũ chưa đầu tư gì) cũng sẽ thu thêm cho Nhà nước một số tiền để góp phần chuyển hướng kinh doanh cho Vinalines.

Bộ Giao thông Vận tải hoạch định cho Vinalines tập trung đầu tư vào các cảng cửa ngõ quốc tế lớn. Lý do vì các cảng này có suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, các thành phần kinh tế khác không có hoặc không muốn đầu tư. Để làm được việc này, trong điều kiện tài chính hiện nay, Vinalines cần phải tái cơ cấu danh mục đầu tư, thoái vốn để tập trung nguồn lực. 

Như vậy, Vinalines sẽ phải nghiên cứu đầu tư vào cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), duy trì vốn tại các cảng khu vực Cái Mép, tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực để tái khởi động lại dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.

Bước ngoặt mới là vậy. Tuy nhiên, nếu sau cổ phần hóa, vốn nhà nước ngày càng giảm, với tỷ lệ còn lại chỉ ở mức 36%, liệu Nhà nước có còn quyền quyết định hướng kinh doanh của Vinalines? Và nhà đầu tư nào sẽ mua cổ phần ở công ty mẹ Vinalines khi chỉ còn được kinh doanh ở những nơi đầu tư lớn, khó sinh lời nhất?

Theo TBKTSG