Vinafood 2 gồng mình thoát nợ

Vì sao độc quyền xuất lúa gạo nhưng Vinafood 2 vẫn hoạt động không hiệu quả?
Vinafood 2 gồng mình thoát nợ

Hai tổng Công ty lương thực có quy mô lớn nhất và ðóng vai trò chủ lực trong ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam chính là Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). Sau nhiều năm hoạt động theo mô hình Tổng Công ty, cả Vinafood 1 và 2 đều sẽ cổ phần hóa trong vòng 2 năm tới. Tuy nhiên, dù là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ lực của Việt Nam, Vinafood 2 lại đang gặp phải vấn đề tài chính.

Vì đâu nên nỗi?

Không phải đến thời điểm này thông tin Vinafood 2 thua lỗ mới bắt đầu xuất hiện. Ngay từ năm 2013, đã có nhiều thông tin cho rằng các công ty con của Vinafood 2 hoạt động không hiệu quả. Sau thời gian thanh tra, đến thời điểm này, các khoản nợ khó đòi của Vinafood 2 đã lên đến gần 1.000 tỉ đồng.

Tính đến đầu tháng 3.2015, có đến 19/44 công ty con của Vinafood 2 bị thâm hụt ngân sách. Khá nhiều trong số đó thua lỗ do đầu tư trái ngành vào cá tra và kinh doanh không đúng quy định Nhà nước. Ví dụ, theo ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Vinafood 2, tổng vốn đầu tư 927 tỉ đồng của Công ty cho cá tra đã thất bại ở khâu nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu.

Trà Vinh là tỉnh có 2 công ty con của Vinafood 2 thua lỗ nặng nhất. Gần nhất, Công ty Nông sản Thực phẩm Trà Vinh ghi nhận khoản lỗ lên đến 164,66 tỉ đồng. Công ty Lương thực Trà Vinh cũng không thua kém với khoản lỗ 134,52 tỉ đồng.

Theo lãnh đạo Công ty Lương thực Trà Vinh, nguyên nhân thua lỗ là do mua gạo dự trữ giá cao nhưng lại bán với giá thấp. Năm ngoái, Vinafood 1 và Vinafood 2 trúng thầu cung ứng tổng cộng 800.000 tấn gạo cho Philippines nhờ đưa ra giá thấp nhất. “Nhưng vì nhiều doanh nghiệp thầu phụ khác không dám nhận hợp đồng bởi bán giá thấp sẽ lỗ, nên Vinafood 2 đã phải gánh toàn bộ những hợp đồng này dẫn đến thua lỗ khoảng 23,2 triệu USD”, ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Vinafood 2, chia sẻ.

Công ty Lương thực Vĩnh Long, một doanh nghiệp con khác của Vinafood 2, lại lén lút cho Công ty Thịnh Phát vay với lãi suất 6-8%/năm, nhưng lại không thẩm định và điều tra tài chính của đối tác. Sau đó, Thịnh Phát dùng vốn sai mục đích và thất bại nên không thể trả nợ. Nguồn tiền mà Công ty Lương thực Vĩnh Long cho Thịnh Phát vay lại được Vinafood 2 bảo lãnh vay từ ngân hàng.

Chưa hết, dù đã được cảnh báo nhưng Công ty Lương thực Vĩnh Long vẫn tiếp tục ký hợp đồng cho vay với 3 công ty khác, dẫn đến thiệt hại gần 100 tỉ đồng. Ngoài ra, các đơn vị con như Công ty Lương thực Hậu Giang, Công ty Lương thực Vĩnh Long, Công ty Lương thực Đồng Tháp và cả bản thân Vinafood 2 cũng ký những hợp đồng mua bán gạo có nhiều sai phạm và rủi ro.

Còn nhiều gian nan

Thực tế, Vinafood 2 là một trong những doanh nghiệp độc quyền trong xuất khẩu lúa gạo nên nhận được rất nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, sau thời gian dài hoạt động, tập đoàn này lại phải đứng trước nguy cơ phá sản trong khi đang được chỉ đạo phải cổ phần hóa trong giai đoạn 2014-2015. Tuy nhiên, với khoản nợ khó đòi gần 1.000 tỉ đồng, Vinafood 2 còn rất nhiều việc phải làm trước khi muốn cổ phần hóa.

Đơn cử như trường hợp của Công ty Lương thực Hậu Giang. Ðầu năm 2014, Vinafood 2 muốn xin cho công ty này phá sản vì làm ăn thua lỗ gần 160 tỉ đồng. Vốn của Vinafood 2 trong Lương thực Hậu Giang chiếm khoảng 53,27%, còn lại là vốn góp của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang và Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Vị Nông 1.

Mặc dù chưa có quyết định phá sản, nhưng nếu việc này xảy ra, chắc chắn Vinafood 2 sẽ thua thiệt vì mất khoản vốn góp ban đầu và các khoản nợ khác mà Vinafood 2 đang bảo lãnh cho Công ty Lương thực Hậu Giang. Khoản tiền này cũng lên đến vài trăm tỉ đồng.

Theo Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, một chuyên gia trong ngành nông nghiệp, việc các đơn vị trực thuộc Vinafood 2 lâm nợ là tất yếu do cách làm ăn thụ động. “Nguyên nhân chính xuất phát từ việc đấu thầu xuất khẩu với giá gạo thấp. Tình trạng thua lỗ sẽ tiếp tục tái diễn và Chính phủ vẫn còn phải gánh chịu các khoản lỗ này”, ông nhận xét.

Nhận nhiệm vụ mới từ giữa năm 2014, thời điểm việc thua lỗ của các công ty con bị phát giác, chắc chắn tân Tổng Giám đốc Huỳnh Thế Năng của Vinafood 2 sẽ phải lãnh trách nhiệm rất nặng nề. Theo ông Năng, Vinafood 2 cần chấn chỉnh lại mô hình kinh doanh.

“Chẳng hạn, có thể liên kết nông dân theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, tiếp cận thị trường gạo cao cấp và tiến đến xuất khẩu lúa thay vì chỉ xuất khẩu gạo như hiện nay. Ít nhất cũng cần khoảng gần 2 năm nữa mô hình này mới có thể hoàn thành. Cùng lúc, Vinafood 2 sẽ tiếp tục thoát khỏi cá tra và đầu tư vào ngành cốt lõi là lúa gạo”, ông nói.

Có lẽ nhờ rút kinh nghiệm, gần đây Vinafood 1 tại Hà Nội đang thoái hết vốn ngoài ngành để tránh xảy ra tình trạng như Vinafood 2 hiện nay.

Theo NCĐT