Vinachem lập Ban chỉ đạo giải quyết tồn tại các dự án thua lỗ

VietTimes -- Bộ Công thương cho biết, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết các vấn đề tồn tại của 4 dự án thua lỗ nghìn tỷ.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Các dự án và doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất cần giải quyết các vấn đề tồn tại gồm Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình/Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình; dự án cải tạo mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc/Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; dự án Nhà máy DAP số 2/Công ty cổ phần DAP số 2- Vinachem và Công ty cổ phần DAP - Vinachem.

Theo quyết định thành lập, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn Hóa chất sẽ là Trưởng Ban chỉ đạo. Tổng giám đốc Tập đoàn làm phó trưởng ban cùng 20 thành viên còn lại thuộc Ban chỉ đạo đang đảm nhận các vị trí, công việc liên quan khác.

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam triển khai nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Chính phủ và Ban chỉ đạo Bộ Công Thương xử lý các tồn tại ở những dự án cũng như doanh nghiệp thuộc tập đoàn. Đồng thời thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Hội đồng thành viên Tập đoàn.

Trước đó, Vinachem cũng đã kiến nghị Chính phủ xem xét đề nghị các ngân hàng cho giãn nợ, giảm lãi vay, tiếp tục cho vay vốn lưu động, áp thuế phòng vệ đối với sản phẩm nhập khẩu,... để tạo điều kiện "cứu" 4 dự án thua lỗ thuộc tập đoàn này.

Tuy nhiên, các kiến nghị này chỉ thể hiện quan điểm duy ý chí của lãnh đạo Tập đoàn Vinachem trong việc mong muốn khắc phục tình trạng thua lỗ của các dự án này.

Cụ thể, với việc đề nghị Chính phủ yêu cầu ngân hàng giãn nợ, tăng thêm ưu đãi lãi suất, tăng thêm nguồn vốn lưu động, Vinachem đang cố gắng khắc phục tình trạng của các doanh nghiệp thu lỗ bằng sự "nhân từ" của các ngân hàng.

Song song đó, việc Vinachem mong muốn có thêm vốn lưu động đang đặt ra nhiều quan ngại với việc quản lý dòng tiền. Với việc trước đó, theo chính kết luận của Thanh tra chính phủ, một số dự án này là không hiệu quả, thì việc bơm thêm tiền cho dự án khiến nhiều người đặt câu hỏi số tiền đó sẽ được đầu tư vào đâu?

Ngoài ra, việc áp thuế tự vệ thương mại cũng là điều không thực tế vì Vinachem chỉ cần xin giảm giá bán nguyên liệu quặng cho các dự án là có thể đã đảm bảo lợi nhuận và tính cạnh tranh cho sản phẩm của mình. Nhưng đó lại là điều mà tập đoàn này không muốn.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam TKV hiệp thương bán than cho các nhà máy sản xuất phân bón. Tuy nhiên, với việc giá than của TKV luôn cao hơn giá than nhập khẩu thì động thái này có thể sẽ khiến giá sản phẩm của Vinachem chỉ có tăng chứ khó giảm.