Vietcombank vẫn bỏ ngỏ phương án sáp nhập

Trả lời thắc mắc của cổ đông về tên ngân hàng mà Vietcombank sẽ nhận sáp nhập, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, Vietcombank vẫn đang trong quá trình lựa chọn, tìm hiểu và sẽ trình cổ đông phương án sáp nhập sau khi tìm được đối tác phù hợp.

Ngày 24/4, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2015.

 Theo tài liệu do ngân hàng cung cấp tại đại hội, trong năm nay, ngân hàng sẽ xúc tiến việc đàm phán với ngân hàng đối tác để thực hiện việc sáp nhập theo chủ trương đã được đại hội đồng cổ đông phê duyệt.

 Do đó, câu chuyện sáp nhập và thông tin ngân hàng mà Vietcombank nhận sáp nhập được nhiều cổ đông Vietcombank quan tâm.

Trao đổi với cổ đông, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay: Tại ĐHCĐ bất thường tháng 12 năm ngoái, ngân hàng đã xin ý kiến cổ đông cho chủ động tìm kiếm, hợp nhất, sáp nhập với tổ chức tín dụng  khác khi có điều kiện.

 “Đến thời điểm này, do phải tìm hiểu nên ban lãnh đạo ngân hàng vẫn chưa có phương án nào cụ thể. Khi tìm được đối tác chính thức, chúng tôi sẽ thông báo cổ đông sau”, ông Thành nói.

Cũng theo lãnh đạo của Vietcombank, tổ chức mà ngân hàng tìm kiếm sáp nhập phải đáp ứng đủ các  tiêu chí: sáp nhập phải tăng quy mô (nên sẽ không lựa chọn ngân hàng bị âm vốn); có mạng lưới bổ trợ cho Vietcombank và phải tăng được vốn.

 “Hướng tới mục tiêu ngân hàng số 1 tại Việt Nam (xét về quy mô và chất lượng) nên chúng tôi phải tìm kiếm đối tác sáp nhập một cách kỹ lưỡng, thận trọng”, lãnh đạo Vietcombank nhấn mạnh.

 Đề cập tới việc Vietcombank có tham gia cổ phần tại một số tổ chức tín dụng (TCTD), ông Thành cho rằng: Theo thông tư 36, một tổ chức tín dụng không được sở hữu cổ phần ở quá 2 tổ chức tín dụng và không vượt quá 5% vốn điều lệ ở một TCTD nên thời gian tới Vietcombank sẽ thoái vốn, giảm dần sở hữu ở TCTD khác theo định hướng của NHNN.

Hiện Vietcombank cũng chưa có chủ trương sáp nhập với 5 TCTD mà ngân hàng đang có cổ phần.

 Theo báo cáo của Ban điều hành và HĐQT, năm 2014, ngân hàng đạt tổng tài sản gần 577 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với 2013; dư nợ tín dụng tăng 17,7% đạt 326 nghìn tỷ đồng; Tiền gửi khách hàng tăng 27% đạt 424 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,31% trên tổng dư nợ. Lợi nhuận trước thuế 5.876 tỷ đồng, tăng 2,3% so với 2013.

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 0,88%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 10,76%; hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt 11,61%.

 Năm 2015, ngân hàng đặt kế hoạch tăng 11,5% tổng tài sản lên 643 nghìn tỷ đồng; tín dụng tăng trưởng 13%; huy động vốn tăng 12%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến là 5.900 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2014.

 Về việc phân phối lợi nhuận 2014, ngân hàng có 4.475 tỷ đồng để phân phối. Sau khi trích lập các quỹ, ngân hàng sẽ chia cổ tức 10% bằng tiền mặt, tương đương dự chị khoảng 2.665 tỷ đồng.

 Năm 2015, ngân hàng cũng lên kế hoạch chi trả cổ tức 10%. Theo tờ trình về mức thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát năm 2015, HĐQT Vietcombank đề xuất đại hội đồng cổ đông phê duyệt mức thù lao đối với HĐQT và Ban kiểm soát năm 2015 là 0,35% lợi nhuận sau thuế.

Theo Dân trí